Chứng khoán tháng 10: Lo ngại về một đợt giảm giá?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:00, 29/09/2021
Vượt kháng cự
Chỉ số VN-Index vào cuối tuần trước đã vượt mốc kháng cự quanh 1.350 điểm, đưa đến kỳ vọng đà tăng của thị trường sẽ tiếp tục được duy trì. Sự hồi phục trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là động lực quan trọng kéo thị trường vượt kháng cự, cũng như có thể giúp thu hút dòng tiền lớn tham gia trở lại. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index nằm quanh 1.380 điểm và kế tiếp là đỉnh kỷ lục cũ ở 1.420 điểm.
Kỳ vọng sớm mở cửa lại nền kinh tế cùng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa SARS-CoV-2 ngày càng được mở rộng, với hàng loạt lô vaccine được nhập về Việt Nam trong thời gian gần đây cũng góp phần cải thiện tâm lý cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, khả năng mở cửa lại nền kinh tế, gỡ bỏ giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam đang đến gần. Mới đây, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, EuroCham và KoCham đã đồng kiến nghị đến Chính phủ sớm mở cửa lại các hoạt động kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh, nếu không sẽ ảnh hưởng lên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguy cơ bị chuyển dịch sản xuất, đơn hàng sang các nước khác.
Một yếu tố khác cũng góp phần hỗ trợ thị trường là mặt bằng lãi suất tiếp tục đi xuống, không chỉ lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ giữa tháng 7 đến nay, mà lãi suất tiền gửi cũng đã giảm trở lại trong hơn hai tháng qua. Môi trường tiền rẻ luôn là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy giá của các kênh đầu tư như chứng khoán.
Vẫn lo ngại về một đợt điều chỉnh giảm giá
Bất chấp những yếu tố hỗ trợ trên, nỗi lo ngại về một đợt giảm giá mạnh có thể đến bất cứ lúc nào vẫn đang tồn tại dai dẳng trong tâm trí của các nhà đầu tư, nhất là mùa báo cáo kinh doanh quý III sắp tới có thể chứng kiến những kết quả bi quan, trong đó lợi nhuận các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ sụt giảm mạnh hoặc thậm chí chuyển sang lỗ. Với việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài suốt nhiều tháng qua, không ít doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, nếu có thể duy trì thì chi phí bị đội lên trong khi việc tiêu thụ sản phẩm lại bị giảm sút.
Các số liệu kinh tế vĩ mô đã phần nào phản ánh xu hướng này. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 8 tháng vừa qua, có 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Với việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài suốt nhiều tháng qua, không ít doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, nếu có thể duy trì thì chi phí bị đội lên trong khi việc tiêu thụ sản phẩm lại bị giảm sút.
Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2021 của Việt Nam tiếp tục giảm còn 40,2 điểm so với 45,1 điểm trong tháng 7, cho thấy lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã giảm ba tháng liên tiếp. Về cơ bản, chỉ số PMI dưới mốc 50 điểm cho thấy các điều kiện phát triển trong nền kinh tế đang bị thu hẹp.
Chính các công ty chứng khoán cũng tỏ ra thận trọng với xu hướng thị trường trong thời điểm hiện nay, với khả năng điều chỉnh mạnh vẫn còn bỏ ngỏ và khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua, tránh mua đuổi đồng thời giảm dần tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiến dần đến các vùng kháng cự.
Các diễn biến của thị trường quốc tế cũng có thể tác động xấu đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Đầu tiên là thị trường Mỹ thời gian qua đang chịu áp lực trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, bắt đầu với việc thu hẹp hoặc thậm chí ngừng chương trình mua tài sản ngay từ cuối năm nay.
Tại Trung Quốc, rủi ro vỡ nợ của tập đoàn địa ốc hàng đầu nước này là Evergrande có thể kéo theo hệ lụy cho nền kinh tế số 2 thế giới và thị trường tài chính của nước này. Thậm chí theo nhà đầu tư - tỷ phú George Soros, vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ.
Việc các ngân hàng trung ương đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu chuyển dịch là tất yếu, mà động thái bán ròng trở lại liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ cuối tháng 8 đến nay là đáng chú ý, với giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Đặc biệt, riêng hai phiên ngày 16 và 17/9/2021, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng và gần 1.700 tỷ đồng tính riêng trên sàn HoSE.