Tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách gắn với giải pháp phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp

Đời thường - Ngày đăng : 08:00, 04/12/2021

Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách gắn với giải pháp phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp

Nhận thức sâu sắc vai trò, giá trị của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, Chính quyền TP.HCM hết sức quan tâm chỉ đạo, định hướng từng mặt trên lĩnh vực văn hóa và đặc biệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố. Quan điểm của thành phố là hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện phát triển văn hóa đọc trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển văn hóa đọc.

Mục tiêu phát triển văn hóa đọc của TP.HCM đã được xác định rõ tại đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố là “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập”.

Do đó, để thực hiện được mục tiêu phát triển văn hóa đọc của thành phố, rất cần sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác có liên quan tại địa phương; gia đình, cộng đồng, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc.

1. Công tác phát triển văn hóa đọc ở TP.HCM

Thuật ngữ văn hóa đọc đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa hay khái niệm hoàn chỉnh và thống nhất được đưa vào trong các bộ từ điển. Trong xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật, sách báo, tài liệu và các thông tin mạng ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức, do đó việc đọc ngày nay không chỉ giữ ở phương thức đọc truyền thống (sách in), mà còn chuyển sang phương thức đọc hiện đại (đọc trên các phương tiện nghe nhìn, thiết bị điện tử máy tính, sách điện tử). Như vậy, có thể hiểu văn hóa đọc là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, cộng đồng, nhà quản lý, tổ chức, doanh nghiệp.

TP.HCM là một trong những đô thị phát triển năng động của cả nước, với hơn 10 triệu người dân cư trú và sinh sống trên địa bàn. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng đặt ra nhu cầu cung cấp thông tin, tăng cường kiến thức đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố nhằm hướng đến việc phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.

Link bài viết

Để đáp ứng yêu cầu trên, thời gian qua, TP.HCM đã chú trọng nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc cho các đối tượng người dân, nhất là thanh niên, công nhân, lao động tại các nhà máy, xí nghiệp có đặc thù về giời làm việc, không có điều kiện tiếp cận với các loại hình văn hóa, giải trí. Ngoài việc phát huy hiệu quả hoạt động các thư viện, phòng đọc, nhà văn hóa quận, huyện, thành phố tổ chức các không gian kết nối và phát triển văn hóa đọc như Lễ hội đường sách Tết, Hội sách TP.HCM, Ngày sách Việt Nam (21/4) và những hoạt động sách kỷ niệm ngày lễ lớn trong năm; tạo điều kiện hoàn thiện hệ thống phát hành sách trên địa bàn thành phố; đầu tư phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc sách, tủ sách cơ sở ở các phường, xã, thị trấn; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về sách, các hoạt động liên quan đến văn hóa đọc tại thành phố, đóng góp tích cực trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh những mặt tích cực của việc phát triển văn hóa đọc nêu trên, chúng ta cũng phải thừa nhận, sự lan tỏa văn hóa đọc của thành phố nói chung và tại các doanh nghiệp nói riêng còn có những mặt hạn chế nhất định như chưa xây dựng được chiến lược, kế hoạch phát triển văn hoá đọc trên phạm vi thành phố, nhằm liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng của văn hóa đọc, đáp ứng yêu cầu của một thành phố là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước.

Thời gian qua, việc TP.HCM triển khai thực hiện các chương trình sách như chương trình Sách Quốc gia; dự án xây dựng Tủ sách pháp luật; chương trình đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước; đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn; thực hiện hỗ trợ các đầu sách có giá trị giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua đánh giá, các chương trình phát triển văn hóa đọc còn có những giới hạn, chưa bao quát các nội dung và hướng đến mọi đối tượng người đọc ở hầu hết lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của cuộc sống gắn với yêu cầu nhiệm vụ lớn của đất nước trong thời kỳ mới.

Sự phân bổ tài liệu đọc giữa các quận, huyện, các đối tượng thụ hưởng chưa cân đối, đôi chỗ chưa phù hợp nhu cầu; hệ thống thư viện công cộng chưa phát huy hết công năng; công tác xuất bản mặc dù có nhiều cố gắng cho ra đời nhiều thể loại sách, tuy nhiên số lượng xuất bản/đầu sách còn hạn chế dẫn đến giá sách khá cao so với thu nhập trung bình của người lao động…

Công tác tuyên truyền, lý luận phê bình sách chưa được đẩy mạnh; các hình thức giới thiệu, quảng bá, trao đổi về sách trong tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng chưa thường xuyên, chưa hấp dẫn và đa dạng, thậm chí một số nơi không quan tâm, dẫn đến chưa tạo được sự lan tỏa niềm đam mê đọc... Hơn nữa, thực tế cho thấy rằng, đọc sách đã bị chi phối bởi các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội. Một bộ phận người dân chạy theo những thông tin giật gân, mua vui, giải trí đơn thuần, vô bổ; thậm chí một số độc giả có nguy cơ “tự diễn biến” trước các thông tin xấu, độc tràn ngập trên mạng xã hội.

Do điều kiện khó khăn nhất định của thành phố, một số nhu cầu đầu tư, hỗ trợ mở rộng không gian dành cho phát triển văn hóa đọc tại cộng đồng, doanh nghiệp cũng chưa được đáp ứng đầy đủ. Điều này cũng làm trở ngại chủ trương phát triển văn hóa đọc của thành phố.

Top10-2616-1638609971.jpg

2. Một số giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp

2.1. Về công tác quản lý nhà nước

- Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí vai trò của phát triển văn hóa đọc, các chính sách của Nhà nước về đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển sự nghiệp phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố.

- Xây dựng và triển khai có hiệu quả chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển văn hóa đọc; Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chủ trì, tăng cường phối hợp, lồng ghép các nội dung chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa của thành phố với phát triển văn hóa đọc.

- Chỉ đạo các nhà xuất bản nâng cao chất lượng xuất bản phẩm; đa dạng nội dung và hình thức xuất bản phẩm phục vu nhu cầu nghiên cứu, học tập của mọi tầng lớp nhân dân; chú trọng hỗ trợ, đầu tư khuyến khích sáng tác, xuất bản sách của danh nhân đúc kết từ thực tiễn phục vụ nghiên cứu, sản xuất của doanh nghiệp; phát triển đa dạng hình thức sách (sách bỏ túi, sách nói, sách điện tử) có nội dung phong phú dành cho các nhóm đối tượng, tập trung vào các nội dung phổ cập kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng làm việc.

- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung địa chỉ, đối tượng nhận xuất bản phẩm của các dự án sách từ nguồn kinh phí nhà nước là doanh nghiệp, công nhân, người lao động (có quy định về quy mô hoạt động của đơn vị).

- Chỉ đạo việc hiện đại hóa thư viện, xây dựng cơ chế phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để phát triển thư viện và văn hóa đọc; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thư viện (hiện đại hóa thư viện, xây dựng thư viện số, số hóa tài liệu), xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện liên thông theo quy định của pháp luật và phù hợp với nhu cầu, điều kiện của thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia các hoạt động xây dựng, hỗ trợ cho thư viện và các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp và cộng đồng; nghiên cứu xây dựng giải thưởng phát triển văn hóa đọc thành phố.

2.2. Về phía tổ chức, doanh nghiệp

- Cần nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển văn hóa đọc gắn với lợi ích lâu dài, bền vững của đơn vị. Bên cạnh phương thức đào tạo nhân lực phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, văn hóa đọc được xem là một hoạt động quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần áp dụng và xây dựng thành văn hóa doanh nghiệp đặc trưng. Tùy tính chất, yêu cầu công việc, ngoài những cuốn sách thuộc kiến thức chung, trong doanh nghiệp nên xây dựng những tủ sách, danh mục sách cần đọc, nên đọc và đặt tại văn phòng với những đề tài, nội dung đa dạng phù hợp với mọi đối tượng nhân viên để họ có thể chủ động tìm đọc, kích thích thói quen đọc ngay trong môi trường làm việc nhằm giúp cho nhân viên tự đào tạo, phát triển tư duy, giải trí lành mạnh, kích thích sáng tạo… Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phát triển văn hóa đọc tại đơn vị, doanh nghiệp cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, phù hợp để duy trì, củng cố thực hiện và quan trọng là tạo điều kiện và môi trường đọc cho người lao động.

- Tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia tuyên truyền thực hiện xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong doanh nghiệp gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần bồi dưỡng nhân cách, trình độ của người lao động nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Tổ chức, phối hợp thực hiện đẩy mạnh các hình thức khuyến đọc thông qua việc tổ chức các hoạt động liên quan đến sách như Hội sách định kỳ, Ngày sách. Tại các doanh nghiệp tổ chức các hình thức như tuần lễ sách, tháng đọc sách, thi kể chuyện theo sách; chia sẻ về sách, phong trào trao đổi sách, tặng sách… Mục đích nhằm xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách và tôn vinh những người viết sách, làm sách, những người đọc sách, từ đó hình thành tình yêu đối với sách. Phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành để đặt hàng, tuyển chọn những cuốn sách theo chủ đề, theo yêu cầu học tập, nghiên cứu của người lao động trong doanh nghiệp từng giai đoạn. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có được những xuất bản phẩm, đúng mục đích, chất lượng và chính sách giá tốt nhất.

- Khuyến khích cá nhân tham gia phát triển văn hóa đọc như phát hành sách, các dự án sách, giải thưởng sách… biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Phát triển văn hóa đọc luôn có ý nghĩa quan trọng, tác động đến việc nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập. Khi mỗi tổ chức, cá nhân đã xác định định tầm quan trọng của văn hóa đọc song hành cùng các chương trình đào tạo, sẽ giúp chúng ta có thể tự trau dồi các kiến thức, kỹ năng phục vụ công việc và hoàn thiện bản thân mình trong cả sự nghiệp và cuộc sống. Sự tham gia chủ động, trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động vào việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc tại đơn vị và cộng đồng sẽ tạo động lực, sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong phát triển văn hóa đọc của thành phố, góp phần vào việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển văn hóa đọc của thành phố, rất cần sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác có liên quan tại địa phương, gia đình, cộng đồng, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc. Xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp, ngoài yếu tố quyết định là sự tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm của chính doanh nghiệp và người lao động, cần tăng cường cơ chế, chính sách gắn với các giải pháp phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP.HCM.

(*) Phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

KB (*)