Làm gì để văn hóa đọc "ăn sâu bén rễ" trong doanh nghiệp?

Đời thường - Ngày đăng : 06:00, 06/12/2021

Nên làm gì để văn hóa đọc lan sâu trong doanh nghiệp? Từ thực tế của nghề xuất bản, cũng như quan sát thị hiếu độc giả các giới hiện nay với sách, chúng tôi có một số đề xuất đối với vấn đề này mang tính gợi mở.
Làm gì để văn hóa đọc

Hằng năm, vào ngày 13 tháng 10, giới doanh nhân lại nô nức với ngày của mình. Riêng ở TP.HCM, kể từ năm 2020, giới doanh nhân thành phố còn có hoạt động rất ý nghĩa liên quan đến văn hóa đọc, đó là Tuần lễ Doanh nhân và Sách với ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng giới doanh nhân có trí - tâm - tài - tín.

Năm nay, Tuần lễ Doanh nhân và Sách với chủ đề “Văn hóa đọc trong doanh nghiệp” là một hoạt động thiết thực hướng tới sự tạo nền, phát triển văn hóa đọc trong các doanh nghiệp, một hoạt động rất có ý nghĩa và nên làm với doanh nghiệp Việt hiện nay.

Vậy nên làm gì để văn hóa đọc lan sâu trong doanh nghiệp? Từ thực tế của nghề xuất bản, cũng như quan sát thị hiếu độc giả các giới hiện nay với sách, chúng tôi có một số đề xuất đối với vấn đề này mang tính gợi mở.

Trước hết, phải thấy được văn hóa đọc trong doanh nghiệp, hay nói dân dã một chút là việc đọc sách, thói quen đọc sách trong doanh nghiệp có tác dụng, ý nghĩa gì? Về đối tượng đọc, phải xác định rõ là gần như toàn thể lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp. Việc đọc sách chính là việc bồi bổ tri thức cho bản thân, giúp làm đầy kiến thức, bổ sung những kỹ năng mềm cần thiết trong công việc, tạo sự tự tin trong giao tiếp, ứng xử, cũng như cư xử nhã nhặn, có văn hóa… Đó chỉ là điểm qua một vài tác dụng hiện hữu có thể thấy được cụ thể từ việc đọc sách.

Để văn hóa đọc trong doanh nghiệp giữ được lửa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chúng tôi có vài góp ý gợi mở như sau:

Hoạt động nêu gương như “ăn cơm, uống nước”

Để văn hóa đọc lan tỏa trong doanh nghiệp, điều cần nhất đầu tiên chính là ở tính nêu gương của lãnh đạo. Khi các sếp dù bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn có thể dành ra trong khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi những giờ phút thư giãn bên trang sách, thì hành động này như một động lực tự nhiên để đội ngũ nhân viên thấy được một hoạt động giải trí bổ ích, lành mạnh của người lãnh đạo. Từ đó, hoạt động đọc sách mới có sự lan tỏa như một hiệu ứng tốt và tự nhiên chứ không cưỡng ép.

Ở đây, cũng cần phải nói tới tầm nhìn của người lãnh đạo. Khi người lãnh đạo thấy được công dụng của sách bồi bổ cho bản thân những kỹ năng lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp, kiến thức chuyên môn… thì việc tìm đến với sách từ chính những sếp lớn ấy là một điều rất thiết thực và có ý nghĩa. Bởi chính bản thân người lãnh đạo nhận thấy được ý nghĩa của sách quan trọng như thế nào đối với công việc, với cuộc sống, thì lúc đó họ mới có thể thực hành văn hóa đọc trong doanh nghiệp cho đội ngũ nhân viên của mình. Chính vì thế, đọc sách bắt nguồn từ sếp, là hoạt động tối cần thiết.

Xây dựng “giờ thư thái tâm hồn”

Với các doanh nghiệp hiện nay, giờ hành chính làm việc được tính là 8 giờ trong ngày. Lãnh đạo và nhân viên ngoài giờ làm việc sẽ có những giây phút nghỉ ngơi giữa giờ hoặc giữa trưa. Thời gian nghỉ có thể giới hạn 1-2 giờ. Hoạt động thường thấy của họ khi nghỉ ngơi là gì? 

Link bài viết

Hoạt động thường thấy của dân công sở, văn phòng có thể là tranh thủ giờ nghỉ để ngủ trưa, tụ tập uống cà phê, đặt hàng online, gặp khách hàng ăn trưa bàn việc, xem phim, lướt máy tính, điện thoại xem tin tức, giải trí… Nên chăng ở các doanh nghiệp, thay thế cho những hoạt động giải trí trên, hoặc khiêm tốn hơn là bổ sung sự đa dạng cho hoạt động giải trí, thư giãn, nên xây dựng “giờ thư thái tâm hồn” với kệ sách, tủ sách ở không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt chung.

Thực hiện những đầu sách theo nhu cầu để từ lãnh đạo đến nhân viên, có thể dành ra ít nhất khoảng 30 phút cho việc đọc sách trong ngày. Thậm chí, “giờ thư thái tâm hồn” nên đưa vào hoạt động thường xuyên, được quản lý mềm bởi Đoàn thanh niên hoặc Công đoàn nếu có những tổ chức này và có giải thưởng bằng sách với những thành viên tích cực.

Hoạt động “giờ thư thái tâm hồn” thực ra là một hoạt động khuyến đọc nhẹ nhàng và cần có biện pháp duy trì, để đọc sách dần trở thành thói quen cho doanh nghiệp, nhất là với những người trưởng thành nhưng bị mất gốc về thói quen đọc sách (thói quen, văn hóa đọc nên bắt đầu từ tuổi nhỏ khi trẻ bắt đầu biết đọc, biết viết).

Bên cạnh “giờ thư thái tâm hồn”, nếu có thể thì theo tháng hoặc quý, lãnh đạo có thể mời những người đã thành công từ sách, tỷ phú viết sách hoặc chính người làm sách từ nhà xuất bản, công ty sách đến nói chuyện, chia sẻ về sách qua những chủ đề, thông điệp nhẹ nhàng tùy vào thực tế từng doanh nghiệp.

Lập tủ sách, hướng tới chủ đề cụ thể

Xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là việc mua sách, làm đầy giá, kệ hay tủ sách ở cơ quan, công ty hay xí nghiệp. Việc làm đó chỉ là “lấp chỗ trống” cho có mà thôi. Muốn cho văn hóa đọc thực sự ăn sâu, bén rễ trong doanh nghiệp, thì tủ sách của cơ quan, công ty, xí nghiệp rất cần có sự chọn lọc phù hợp. Làm được điều này, cần có một sự phối hợp nhịp nhàng và đầy chuyên môn.

Top10-3319-1638779171.jpg

Top 10 quyển sách đáng đọc nhất năm 2021

Đối với từng doanh nghiệp cụ thể, tùy theo tính chất công việc, theo giới, theo phân tầng lao động… sẽ có những nhu cầu về sách rất khác nhau. Trước hết, người lãnh đạo với tầm nhìn, phải thấy được doanh nghiệp mình cần mảng sách gì. Nếu việc này khó, nên có sự tư vấn từ nhà chuyên môn, những chuyên gia về sách, các nhà xuất bản, công ty phát hành.

Nên làm phiếu tham vấn xem người lao động mong muốn được đọc loại sách gì mà họ cần. Đừng chỉ giới hạn sách cần chỉ là cần cho hoạt động doanh nghiệp mình. Nghĩ thế sẽ là sự ràng buộc, hạn chế chính mình. Nhiều khi người lao động như lao động nữ, có thể họ cần sách về nữ công gia chánh, về chăm sóc sắc đẹp, về dinh dưỡng xanh… cũng là một gợi mở rất nên lưu ý. Vì khi họ cần, tức là có nhu cầu tìm hiểu, như sách chăm sóc sắc đẹp cũng là cách để làm cho bản thân họ đẹp hơn, sang trọng, lịch sự hơn nơi công sở, sách nữ công gia chánh giúp họ thực hiện chức năng nội trợ ở gia đình tốt hơn. Và khi việc nhà chu toàn tốt sẽ có ảnh hưởng tích cực tới năng lượng làm việc, sáng tạo của họ nơi công sở…

Chính vì thế, tủ sách doanh nghiệp nên có những loại sách thiết yếu là những sách liên quan tới kỹ năng mềm, giao tiếp, ứng xử, hoạt động, làm việc nhóm; sách kiến thức chuyên môn liên quan đến doanh nghiệp; sách liên quan đến giới, đặc biệt là nữ giới; sách luật…

Sách cần “thức nhiều, ngủ ít

Đó là cách nói văn hoa cho vui. Cụ thể hơn là làm sao để khi có tủ sách trong doanh nghiệp rồi, thì những cuốn sách đó không phải là vật trang điểm, mà phải làm cho nó không “ngủ yên” được lâu, nếu thường xuyên “thức”, được người đọc sử dụng càng tốt.

Tủ sách của doanh nghiệp đã có, “giờ thư thái tâm hồn” được thực hiện tốt vẫn chưa đủ. Hãy biến nó thành thư viện mini, để ngoài giờ hành chính ra, từ lãnh đạo tới nhân viên, có thể mượn những cuốn sách mình cần, những cuốn sách đang đọc dở muốn đọc tiếp, thậm chí là những cuốn sách có thể phù hợp cho người thân, con cái họ mà họ chưa kịp mua, thì có thể mượn từ sách của chính doanh nghiệp mình mang về để đọc tiếp. Được như thế, sách luôn “thức” và văn hóa đọc, không chỉ giới hạn trong phạm vi doanh nghiệp nữa, mà dần tỏa ra tới tận gia đình của lãnh đạo, nhân viên.

(*) Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM

KB (*)