Lợi ích của việc đọc sách từ cá nhân đến doanh nghiệp
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 07:00, 06/12/2021
Lợi ích của việc đọc sách từ cá nhân đến doanh nghiệp
Nói về đọc sách sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…" Đọc sách không chỉ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, nó còn giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức mới, phục vụ cho cuộc sống.
Nếu ví mỗi doanh nghiệp như một đội quân, để xây dựng một đội quân hùng mạnh, ngoài người tướng dũng mãnh thì tất cả binh sĩ đều cần được huấn luyện và đào tạo để đạt được mức năng lực tốt, đủ sức chiến đấu với mọi tình huống xảy ra trên chiến trường. Tuy nhiên, giữa quân đội và doanh nghiệp có sự khác nhau, đó là khi một binh sĩ nhập ngũ sẽ chuyên tâm cho việc luyện binh, ít bị tác động bởi các yếu tố khác.
Còn một người đi làm trong doanh nghiệp thời đại hiện nay, đang phải chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài công việc như gia đình, người thân, bạn bè, thông tin xã hội, dư luận… Những yếu tố này đã tạo nên những màu sắc khác nhau cho mỗi người đi làm trong doanh nghiệp.
Vậy nên, tôi thiết nghĩ các doanh nghiệp sẽ khó có thể xây dựng được một chương trình đào tạo nào phù hợp hết cho tất cả nhân viên để cùng phát triển. Khi một nhân viên gặp vấn đề về công việc chuyên môn, họ có thể tìm đến những đồng nghiệp có kinh nghiệm hoặc cấp trên để xin ý kiến giải quyết vấn đề. Nhưng nếu đồng nghiệp hoặc cấp trên cũng chưa từng gặp phải vấn đề này trước đây, thì sẽ thế nào?
Hoặc khi nhân viên có những khúc mắc trong cuộc sống, về gia đình, về con cái, những vấn đề riêng tư hơn, họ sẽ khó nêu ra với đồng nghiệp hoặc cấp trên để xin ý kiến. Và chúng ta đều biết, những yếu tố này đều gây tác động không tốt đến công việc trong doanh nghiệp.
Phương pháp tốt nhất đó là mỗi cá nhân làm việc trong doanh nghiệp cần phải tự hoàn thiện và tự nâng cao năng lực của bản thân. Chính tại lúc này, lợi ích của việc đọc sách sẽ được phát huy.
Khi mỗi cá nhân trong doanh nghiệp thường xuyên đọc sách, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, tiếp tục và duy trì trong nhiều năm, mang những kiến thức đã đọc được từ các tài liệu, từ sách ứng dụng vào công việc của doanh nghiệp, kết hợp cùng các chương trình đào tạo thực tiễn từ doanh nghiệp, sau một thời gian, mỗi cá nhân sẽ tích lũy được một lượng kiến thức phù hợp nhất cho bản thân, có đủ kiến thức để giải quyết những vấn đề xảy ra trong công việc và cuộc sống, có thêm nhiều ý tưởng mới để áp dụng cải tiến công việc. Mỗi cá nhân phát triển, doanh nghiệp sẽ phát triển.
Tôi tin rằng, rất nhiều người dân Việt Nam đều biết và hiểu được lợi ích của việc đọc sách. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thật sự nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam phát triển được thói quen đọc sách trong doanh nghiệp.
Kinh nghiệm thực tế khi Công ty TNHH Học viện VSE đưa chương trình đọc sách vào doanh nghiệp
Theo tinh thần phát triển mỗi cá nhân dẫn đến sự phát triển chung cho toàn doanh nghiệp như đã trình bày tại phần trên, tôi đã ban hành quy định về việc cùng nhau đọc sách cho toàn bộ thành viên Công ty TNHH Học viện VSE (Học Viện VSE) do tôi quản lý như sau:
• Thời điểm bắt đầu: Từ tháng 11/2020 đến nay
• Thời gian: Sáng thứ Hai hằng tuần, từ 9-12 giờ (bắt buộc đọc sách); sáng thứ 5 hằng tuần, từ 9-12 giờ (khuyến khích, không bắt buộc)
Vào hai buổi này, tất cả thành viên công ty có thể mang sách của họ ra để đọc hoặc đọc sách do công ty trang bị (tôi đã cho trang bị một kệ sách với khoảng gần 200 tựa sách tại công ty). Tuy nhiên, khi áp dụng gần hai tháng, tôi cảm nhận là ngoại trừ tôi ra thì phần lớn các nhân viên đều không thoải mái khi đọc sách, tinh thần hăng hái đọc sách ban đầu giảm đi thấy rõ.
Sau khi tìm hiểu, tôi nhận ra hai nguyên do chính như sau:
• Nguyên do thứ nhất: Tiến độ công việc ảnh hưởng. Nhân viên vừa đọc sách nhưng lại vừa lo nghĩ về công việc, về tiến độ hoàn thành, khi dành ra một buổi để đọc sách trên công ty, có nghĩa là về nhà phải làm bù lại một buổi để hoàn tất công việc.
• Nguyên do thứ hai: Chưa thấy được hiệu quả khi đọc. Nhiều nhân viên đã sắp xếp được tốt thời gian đọc sách và hoàn thành tốt công việc nhưng vẫn chưa tìm thấy hiệu quả khi đọc sách, chưa tìm được gì phù hợp trong sách để áp dụng cho công việc hoặc cho bản thân. Dần dẫn đến việc "nản đọc".
Để giải quyết hai vấn đề trên, tôi đã cho thay đổi thời gian đọc sách từ trong tuần, chuyển thành hai buổi cuối tuần: sáng thứ Bảy bắt buộc đọc, sáng Chủ nhật khuyến khích đọc.
Hiệu quả đã có phần cải thiện so với ban đầu. Tuy nhiên, khi nguyên do thứ nhất được giải quyết thì nguyên do thứ hai vẫn còn tiếp diễn. Hiển nhiên việc đọc sách là không thể có ngay hiệu quả sau một vài buổi đọc. Đọc sách là một hành trình tích lũy kiến thức theo thời gian.
Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục dành thời gian đánh giá và tìm hiểu thật kỹ nguyên do là vì đâu, bởi tôi cho rằng nếu nhân viên đọc sách và nhận ra dù chỉ một ý trong sách có thể áp dụng cho bản thân hoặc công việc, thì họ vẫn sẽ có hứng thú để duy trì tinh thần đọc. Khi họ chưa tìm được gì trong sách để phù hợp cho bản thân họ, điều đó có nghĩa là họ đã chọn không đúng tựa sách họ cần. Đây chính là vấn đề cốt lõi.
Giải pháp Công ty TNHH Học viện VSE đã áp dụng
Cuối tháng 10 vừa qua, tôi lần đầu được biết đến danh mục "Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp năm 2021" do Hội đồng Phát triển Sách Doanh nhân bình chọn. Sau khi đã tìm hiểu kỹ về thông tin các tựa sách trong danh mục, vào ngày 28/10/2021, tôi đã liên hệ đơn vị phân phối để đặt toàn bộ 100 quyển sách được để cử này trang bị thêm vào tủ sách của công ty tôi.
Tôi cho rằng, việc đưa danh mục 100 quyển sách này vào tủ sách của công ty tôi sẽ giúp cho các nhân viên không bị bối rối khi tìm sách, vì các tựa sách trong danh mục được phân loại vào các nhóm chủ đề cụ thể phù hợp với từng cấp bậc, từng phòng ban trong công ty, từ nhóm quản trị, lãnh đạo dành cho những người đứng đầu doanh nghiệp, cấp quản lý tham khảo, cho đến các nhóm chủ đề marketing, bán hàng, kỹ năng làm việc dành cho các bộ phận chuyên môn và kể cả các nhóm sách về phát triển bản thân, phong cách sống, về dinh dưỡng, sức khỏe cũng đều có đầy đủ trong danh mục.
Nên khi một nhân viên cần giải quyết vấn đề trong công việc, trong cuộc sống, hoặc muốn tìm đọc sách để phát triển thêm cho bản thân thì rất dễ dàng chọn được tựa sách phù hợp, với nội dung đã được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi những thành viên trong Hội đồng Phát triển Sách Doanh, họ là doanh nhân, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam.
Còn một điểm đáng lưu ý mà tôi cho rằng danh mục sách này sẽ mang lại hiệu quả tốt cho việc phát triển văn hóa, thói quen đọc sách trong doanh nghiệp, chính là nhóm các tựa sách do doanh nhân Việt viết cũng được tuyển chọn đưa vào danh mục. Khi đọc một quyển sách do người Việt Nam viết, chúng ta sẽ có sự cảm thụ hoàn toàn khác với khi đọc quyển sách được dịch từ tác giả nước ngoài. Người đọc sẽ tiếp thu nội dung từ sách tốt hơn khi văn phong, ngữ cảnh, tình huống, vấn đề, xã hội… được nêu ra trong sách là do người Việt Nam viết cho người Việt Nam đọc.
Vậy nên, tôi cho rằng các nhân viên trong công ty tôi đang có thêm niềm hứng thú với việc đọc sách khi cầm trên tay một quyển sách do chính doanh nhân Việt là tác giả. Đến nay, dù chỉ một tháng sau khi trang bị danh mục này vào tủ sách của công ty, tôi đã nhận được những tín hiệu khả quan khi nhận thấy các nhân viên đã có hứng thú nhiều hơn với sách, nhiều người đã dành cả thời gian nghỉ trưa để đọc sách. Tôi tin đây là những tín hiệu rất tốt cho việc duy trì và phát triển văn hóa đọc trong công ty tôi.
Kiến nghị
"Đọc những quyển sách hay như trò chuyện cùng những bộ óc vĩ đại từ các thế hệ trước", triết gia René Descartes từng nói. Từ thói quen đọc sách đến việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp là một hành trình cần được lan tỏa từ những người lãnh đạo doanh nghiệp đến mọi thành viên trong doanh nghiệp.
Qua những đánh giá về công tác đưa chương trình đọc sách vào Công ty TNHH Học viện VSE do tôi đang vận hành, tôi xin có những kiến nghị như sau về việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp:
• Kiến nghị thứ nhất: Mỗi doanh nghiệp nên sắp xếp một không gian và khung thời gian riêng, phù hợp cho việc đọc sách, kết hợp thường xuyên tổ chức những chương trình thảo luận, đàm luận về sách trong nội bộ doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp cho các thành viên trong công ty có một môi trường cùng nhau đọc sách, cùng nhau chia sẻ và phát triển.
• Kiến nghị thứ hai: Mỗi doanh nghiệp nên trang bị những tựa sách được đề xuất bởi các cơ quan, tổ chức có cùng góc nhìn, tương tự như danh mục "Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp năm 2021". Tôi cho rằng chỉ cần với 100 tựa sách trong danh mục này đã đủ cho phần lớn các thành viên trong mỗi công ty cùng đọc trong vòng một năm. Việc này giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc chọn sách, giúp nhân viên tăng thêm hứng thú, nâng cao tinh thần đọc sách. Tạo được văn hóa đọc sách trong doanh nghiệp còn giúp cho tất cả thành viên thêm gắn kết cùng nhau, thêm tin yêu vào công ty, khi họ cảm nhận được rằng công ty không chỉ là nơi làm việc, còn là nơi giúp phát triển tri thức, lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Tôi hy vọng chương trình phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp năm nay sẽ thúc đẩy và lan tỏa nhiều hơn tinh thần và thói quen đọc sách trong doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực cho từng cá nhân trong doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển trực tiếp cho mỗi doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước Việt Nam.
(*) Kỹ sư xây dựng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Học viện VSE