Xu hướng làm việc mới sau đại dịch là lợi thế của thế hệ Z
Trong nước - Ngày đăng : 08:00, 07/01/2022
Các diễn giả chia sẻ với sinh viên trong ngày hội việc làm JOB FAIR ONLINE 2022. Ảnh: BTC |
Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút hơn 3.000 sinh viên và hơn 150 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ tham gia.
Nhu cầu tuyển dụng gồm cả những nhân sự chưa có kinh nghiệm
Mở đầu sự kiện, ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở Lao Động TP.HCM) cho biết sẽ không thiếu việc làm cho người lao động cũng như có nhiều cơ hội cho sinh viên mới ra trường.
Theo đó, năm 2022 có 2 kịch bản về thị trường lao động. Trong kịch bản thứ nhất, dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến cần khoảng 255.000 – 280.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 71.500 – 78.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 59.600 – 65.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 60.600 – 66.500 chỗ làm việc và quý IV là khoảng 63.300 – 69.500 chỗ làm việc.
Ở kịch bản thứ 2, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 280.000 đến 310.000 người. Nhu cầu nhân lực tập trung nhiều nhất ở khu vực thương mại – dịch vụ, chiếm 65,41%; khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 33,63%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%.
Các ngành nghề được dự báo cần thiết nhất sau đại dịch là thương mại, công nghệ thông tin, y học và giáo dục…
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hoài Linh – Giám đốc nhân sự Công ty CP Navigos Group cho biết, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng cùng giãn cách xã hội kéo dài khiến nền kinh tế đi vào khủng hoảng. Thực trạng này khiến nhiều DN phải đóng cửa, nhiều người mất việc làm. Tuy nhiên, trong quý IV/2021 hầu hết DN đã mở cửa lại và bắt đầu đợt tuyển dụng nhân sự mới.
Ngay tại chính Navigos cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân sự và đặc biệt có nhiều vị trí tuyển dụng sinh viên mới ra trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Chủ tịch tập đoàn IMG Group chia sẻ, công ty đang tuyển nhiều vị trí trong lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, pháp lý, công nghệ blockchain… Định hướng của IMG là tuyển dụng sinh viên mới ra trường để đào tạo và công ty sẵn sàng trả lương cho sinh viên vẫn đang học năm cuối.
Về vấn đề kinh nghiệm hay kỹ năng làm việc, bà Hiền khẳng định công ty không đòi hỏi. Điều chắc chắn là sinh viên sẽ không có nhiều kinh nghiệm lẫn kỹ năng thực tế. Yếu tố mà IMG hay DN tuyển dụng sinh viên mới ra trường đánh giá cao là ứng viên hiểu ban thân mình muốn gì, muốn làm việc ở đâu và có sự nhiệt huyết, xông pha trong công việc. Ngoài ra, khả năng thích ứng linh hoạt cũng là một ưu điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Xu thế làm việc online và cơ hội cho thế hệ Z
Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã làm biến đổi hình thái làm việc truyền thống và để duy trì hoạt động sản xuất, môi trường làm việc truyền thống đã được thay thế bằng làm việc online. Các nhà tuyển dụng cho rằng đây sẽ là hình thái làm việc phổ biến sau đại dịch.
Các diễn giả chụp hình lưu niệm sau khi kết thúc phần Talk Show. Ảnh: BTC |
Ông Triết nhận định, xu hướng làm việc online và sử dụng các phương tiện CNTT để liên lạc thực ra là xu hướng tất yếu trong tương lai. Đây là sự phát triển tự nhiên của hình thái lao động trong kỷ nguyên số, "có kinh tế số, có DN số tất nhiên sẽ có người làm việc số". Dịch Covid-19 chỉ là tác nhân thúc đẩy xu hướng này phát triển nhanh hơn.
Các nhà tuyển dụng cho rằng, xu hướng làm việc online gây khó khăn cho những thế hệ lao động cũ nhưng là lợi thế cho thế hệ trẻ mà gần nhất là thế hệ Z. "Hiện, xu hướng của nhà tuyển dụng rất ngại tuyển ứng viên có kinh nghiệm, vì thường họ có cái tôi quá lớn, ngại học hỏi, ngại thay đổi tư duy làm việc lỗi thời. Trong khi đó với thế hệ Z, các bạn như những tờ giấy trắng, khả năng thích ứng với hình thái làm việc mới, tiếp cận với công nghệ hiện đại nhanh hơn và tất nhiên sẽ dễ dàng đào tạo hơn trong mắt nhà tuyển dụng", bà Hiền nói.
Bà Linh cho biết thêm, dịch Covid-19 làm cho nhiều người mất việc trong đó có người có năng lực rất tốt, do đó sẽ tạo ra nhiều sự cạnh tranh hơn cho cùng một vị trí. Thị trường việc làm dành cho những bạn trẻ, những người sắp sửa tốt nghiệp và chuẩn bị bước chân vào lập nghiệp cũng vì thế mà khắt khe hơn.
"Tuy nhiên, các bạn đừng tự ti rằng mình chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ năng lực để cạnh tranh với lao động có tay nghề, có kinh nghiệm. Nhà tuyển dụng bây giờ sẽ không để ý quá nhiều đến câu chuyện bạn đã có gì, mà là tâm thế của bạn như thế nào? Bạn có sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng trải nghiệm và sẵn sàng đi cùng với DN trong những lúc khó khăn hay không? DN hiện tại cần sự gắn kết của người lao động và tinh thần học hỏi của các bạn nhiều hơn là kinh nghiệm", bà Linh khẳng định.