Sửa đổi một số quy định để thu hút doanh nghiệp FDI
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:00, 13/01/2022
Các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được thực thi là "điểm cộng" để Việt Nam càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù trải qua năm 2021 hết sức khó khăn nhưng theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong số 21 ngành kinh tế quốc dân. Các ngành dẫn đầu trong thu hút vốn ngoại là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, bất động sản, bán buôn, bán lẻ.
Dù vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng nhưng rất ít nhà đầu tư đến từ Mỹ và các nước EU. Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365Group (kinh doanh logistics, xuất nhập khẩu, bất động sản, nhà hàng) cho rằng, chi phí không chính thức chính là rào cản cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của DN FDI mà còn của DN tư nhân trong nước. "Điều ấy phải được xóa bỏ triệt để và nhanh chóng. Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài, biến tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Đinh Vĩnh Cường nói.
Riêng TP.HCM muốn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, cần tiếp tục cải cách thể chế để thu hút vốn FDI vào những ngành có công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ xuất khẩu cao. Những ngành ít vốn, công nghệ thấp thì nên huy động chủ yếu vốn đầu tư trong nước, nếu có liên doanh thì bên Việt Nam là đối tác chính.
Ngoài các hình thức đầu tư FDI theo Luật Đầu tư hiện nay, theo ông Đinh Vĩnh Cường, để tăng cường thu hút FDI hơn nữa, có thể áp dụng hình thức công ty nước ngoài có vốn cổ phần của DN trong nước. Đây là loại hình công ty phổ biến trên thế giới và được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam Á. So với công ty trách nhiệm hữu hạn, loại hình công ty cổ phần có nhiều lợi thế về huy động vốn và giảm rủi ro. Vì vậy, Nhà nước cần có văn bản pháp quy quy định về loại hình DN có thể thu hút FDI này.
Theo các nhà đầu tư, Luật Đầu tư quy định DN liên doanh không được phép huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, chứng khoán là quá cứng nhắc và gây bất lợi cho phía Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước nên có những quy định cụ thể về loại hình này nhằm tạo điều kiện cho DN Việt Nam mua cổ phần, góp vốn vào DN FDI.
Cùng với đó, cần cải tiến quy chế đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) để thu hút mạnh hơn nữa DN FDI. TP.HCM có đến 18 KCX, KCN, khu công nghệ cao và năm 2021 đặt mục tiêu thu hút 500 triệu USD vốn đầu tư FDI vào khu vực này. TP.HCM vẫn đang tập trung vào 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp. Muốn thu hút vốn FDI, TP.HCM cần giảm giá thuê đất trong các KCN, KCX để đảm bảo cho các chủ đầu tư có lợi, thúc đẩy họ đầu tư vào đây.
Một trong những yêu cầu quan trọng nữa đối với nhà đầu tư là TP.HCM phải nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và DN. Trong 4 năm qua, chỉ số PCI của TP.HCM tăng điểm nhưng không nhiều, từ hạng 8 (năm 2016, 2017) lên hạng 10 (năm 2018) và lên hạng 14 vào năm 2019. Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.HCM chưa đủ mạnh, chưa đột phá và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bởi vậy, TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải tiến thủ tục hành chính. Cụ thể là cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, quản lý hành chính và đất đai song song với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, tránh tình trạng qua nhiều khâu làm phát sinh chi phí đối với DN và nhà đầu tư nước ngoài. Song song đó, phải xây dựng ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đơn giản hóa thủ tục hải quan cũng là yếu tố rất cần thiết để thu hút vốn FDI. Theo các chuyên gia kinh tế, phải sửa đổi ngay các thủ tục hải quan và công bố công khai theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho DN và khắc phục các hiện tượng gây phiền hà, tiêu cực...