Phát triển kinh tế xanh: Yếu tố quan trọng thu hút vốn FDI
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 15/02/2022
Năm 2021, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước, thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó có rất nhiều dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn quy mô hàng tỷ USD của những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Tháng đầu tiên của năm 2022, thu hút FDI vào Việt Nam tiếp tục khởi sắc khi thu hút được 2,1 tỷ USD của các dự án FDI đăng ký mới, dự án tăng thêm và dự án góp vốn, mua cổ phần; tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, vốn tăng thêm của các dự án điều chỉnh đạt 1,27 tỷ USD, tăng gấp 2,69 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về triển vọng thu hút FDI trong năm 2022, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sau hai năm bị hạn chế di chuyển, hoạt động đầu tư do dịch Covid-19, cuối năm 2021, dòng vốn FDI bắt đầu quay trở lại Việt Nam với rất nhiều dự án lớn được cấp phép. Dự báo, năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh có lãi tại Việt Nam trong năm 2021 là 54,3%, cao hơn so với kết quả của năm 2020 với khoảng 50%; 56,2% doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho biết, lợi nhuận năm 2022 sẽ cải thiện so với năm trước; 55,3% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 1-2 năm tới, tăng 8,5 điểm so với năm 2021… Với những kết quả trên, JETRO cho rằng Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn trong giai đoạn tới.
Một cơ hội nữa giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đó là Quốc hội đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 15,4 tỷ USD để phục hồi kinh tế. Đây được đánh giá là "nền móng" giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt hơn trong tương lai, tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.
Mặc dù có những cơ hội tích cực, song theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để tăng trưởng kinh tế và thu hút được dòng vốn FDI bền vững, hiệu quả, Việt Nam nên chú trọng đầu tư chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy sẽ giúp quản lý tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc chuyển hướng sang phát triển xanh sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra những tuyên bố khá tham vọng tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu, giúp Việt Nam cải thiện tăng trưởng, cải thiện thu hút đầu tư, bởi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang ngày càng lo ngại về vấn đề xả thải carbon tại các nhà máy ở Việt Nam.
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tiêu dùng của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay đã thay đổi, họ không chỉ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến vấn đề phát thải khí nhà kính ở những nước sản xuất. Theo đó, những sản phẩm may mặc, thiết bị điện, thực phẩm sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường sẽ được quan tâm nhiều hơn. Do đó, phát triển nền kinh tế xanh cũng trở thành yếu tố quan trọng để Việt Nam cạnh tranh thu hút đầu tư.