Putin tiếp tục nêu điều kiện để chấm dứt xung đột tại Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 00:00, 18/03/2022

Các điều kiện này được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 17/3/2022, để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Theo Ibrahim Kalin - phát ngôn viên, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, các điều kiện để chấm dứt xung đột được đề cập trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút chia làm 2 loại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Trong số 4 yêu cầu đầu tiên mà Nga đặt ra, điều kiện trước nhất là Ukraine chấp nhận làm nước trung lập và không xin gia nhập NATO. Ba yêu cầu khác gồm Ukraine cam kết giải trừ quân bị để không trở thành mối đe dọa với Nga, bảo vệ tiếng Nga tại nước này và phải tiến hành "phi phát xít hóa".

Đối với các điều kiện khó khăn hơn cho thỏa thuận hòa bình Ukraine, Tổng thống Putin nói trong cuộc điện đàm rằng ông phải đàm phán trực tiếp với Tổng thống UkraineCác điều kiện "khó khăn" không được tiết lộ cụ thể, chỉ biết rằng chúng liên quan tới tình trạng của vùng Donbass ở miền đông Ukraine và bán đảo Crimea.

Đây đều là các vấn đề Nga và Ukraine chưa tìm được tiếng nói chung, nhưng được giới quan sát đánh giá là điều kiện "không quá khó khăn như một số người lo ngại" để chấm dứt xung đột. Thỏa thuận hòa bình Ukraine có thể mất nhiều thời gian để giải quyết, ngay cả trong trường hợp Moskva và Kiev đã đạt đột phá về lệnh ngừng bắn.

Phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau đó ra thông cáo về cuộc điện đàm, cho hay 2 lãnh đạo đã "đạt đồng thuận về một số vấn đề". Ông Erdogan cũng đề nghị tổ chức hội đàm giữa ông Putin và ông Zelensky tại Istanbul hoặc Ankara.

Link bài viết

Hiện, Moskva và Kiev chưa phản hồi về thông tin này.

Trước đó, sau 10 ngày triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Putin từng nêu điều kiện để chấm dứt hoạt động tại đây cũng trong một cuộc điện đàm với ông Erdogan. 

"Tôi đã nhấn mạnh rằng chiến dịch đặc biệt chỉ được đình chỉ khi Kiev ngừng hoạt động quân sự và thực hiện những yêu cầu do Moskva đưa ra rõ ràng", Tổng thống Nga khi đó nói.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cách đây 2 ngày cho biết Ukraine cần chấp nhận thực tế sẽ không được kết nạp vào NATO, bất chấp các tuyên bố chào đón của liên minh.

"Ukraine không phải quốc gia thành viên NATO. Chúng ta hiểu điều đó. Suốt nhiều năm qua, chúng ta luôn nghe những cánh cửa rộng mở, nhưng cũng phải hiểu rằng Ukraine không thể gia nhập liên minh. Đó là thực tế và cần được chấp nhận", ông Zelensky nói trong cuộc họp trực tuyến với giới chức quân đội hôm 15/3/2022.

Do đó, điều kiện Ukraine trở thành nước trung lập và bỏ ý định gia nhập NATO mà ông Putin nêu trong cuộc điện đàm vừa qua được xem là có thể dễ dàng đạt được.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine hôm 17/3/2022 đồng thời cho biết ông Zelensky và ông Putin có thể sẽ gặp nhau sau khi "hiệp ước hòa bình" được ký kết trong những tuần tới, nhưng thừa nhận hiện cả Ukraine và Nga đều "kiên quyết duy trì quan điểm của mình".

Bảo Quân