Người dân khắp thế giới 'đau đầu' vì giá cả tăng cao
Quốc tế - Ngày đăng : 02:30, 06/06/2022
Anh: Nhiều gia đình trung lưu có thể rơi vào nghèo đói
Theo Keith Baker - nhà nghiên cứu về chính sách năng lượng và nghèo đói tại Đại học Glasgow Caledonian, các gia đình trung lưu ở Anh đang có nguy cơ rơi vào ngưỡng nghèo đói do giá hàng hoá, điện, nước tăng và khủng hoảng phí sinh hoạt. Để giảm tác động từ việc này, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã thông báo một gói hỗ trợ cho khoảng 8 triệu gia đình nghèo nhất nước, trong đó có khoản trợ cấp 650 GBP (816 USD) cho mỗi gia đình.
Tuy nhiên, Baker cho rằng biện pháp này không thực sự tác động đến một lượng lớn người dân đang rơi vào cảnh nghèo đói nghiêm trọng nhất. Hơn nữa, nhà nghiên cứu cảnh báo nguy cơ bạo loạn do nhiều người bị nghèo đói khi chi phí năng lượng tăng, đặc biệt là giai đoạn bước vào mùa Đông.
Chi phí năng lượng tăng dẫn đến lương thực, giá tiêu dùng thực phẩm cao hơn. Ảnh: AFP. |
Tháng 4/2022, mức trần giá năng lượng ở Anh tăng từ 1.277 GBP/năm lên 1.971 GBP/năm, tạo ra gánh nặng tài chính cho khoảng 22 triệu người tiêu dùng. Theo Cơ quan quản lý năng lượng của Anh, mức trần giá năng lượng có thể tiếp tục tăng lên khoảng 2.800 GBP/năm vào tháng 10/2022.
Theo đó, Baker lo ngại nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn ở Anh có thể rơi vào cảnh nghèo đói trầm trọng và một số hộ gia đình sẽ phải chật vật trang trải phí sinh hoạt lẫn tiền thuê nhà, hoặc phải chạy vạy để không phải bán nhà. Theo Baker, ước tính khoảng 40% dân số Anh sẽ phải rất vất vả để thanh toán được hóa đơn năng lượng vào cuối năm và đây là số liệu gây sốc.
Mỹ: Người dân thắt lưng buộc bụng vì giá cả tăng cao
Dẫn một báo cáo mới từ công ty nghiên cứu thị trường The NPD Group, CNN đưa tin, cứ 10 người tiêu dùng thì hơn 8 người đang có kế hoạch tính toán lại, hoặc giảm chi tiêu trong 3-6 tháng tới. Theo báo cáo, quý I năm nay, người tiêu dùng Mỹ mua ít mặt hàng phổ biến hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, tại cuộc họp tháng trước, Walmart thừa nhận lạm phát đã thay đổi cách mua sắm của người tiêu dùng. Cụ thể, họ chuyển sang các sản phẩm sữa và thịt của thương hiệu tư nhân rẻ tiền hơn, mua ít hơn trong mỗi lần tới siêu thị và không còn mua sắm tùy hứng.
Rival Target cũng cho biết khách hàng đang hạn chế mua hàng gia dụng, đồ nội thất, TV và thiết bị nhà bếp không cần thiết. Ngay cả các cửa hàng giá rẻ cũng nói khách hàng của họ đang cảm thấy bị vắt kiệt ví tiền bởi lạm phát tăng nóng. Mới đây, Dollar General cho biết khách hàng đang mua sắm "có chủ đích" hơn và chuyển qua sản phẩm giá rẻ.
"Những thương hiệu tư nhân đã được ưa chuộng hơn trong vài tuần qua. Đó là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận được sức ép từ lạm phát", CEO Dollar General Todd Vasos bình luận.
"Khách hàng đã chi tiêu tùy ý hơn sau khi nhận được những gói hỗ trợ từ chính phủ trong thời đại dịch. Hiện, điều đó đã thay đổi đáng kể. Người tiêu dùng phải điều chỉnh lại hành vi mua hàng", chuyên gia Marshal Cohen tại NPD nhận xét. Theo ông, người tiêu dùng sẽ tiếp tục cắt chi tiêu trong năm nay, từ hạn chế ăn ngoài, tới phòng gym cho đến làm móng.
Theo một nghiên cứu, ngày càng nhiều người tiêu dùng Mỹ tính toán loại hoặc cắt giảm các khoản chi tiêu. |
Nga: Thực phẩm đắt hơn, nhưng tiền lương không tăng
Tại Nga, các hộ gia đình là đối tượng "đau đầu" nhất vì chi phí sinh hoạt do loạt trừng phạt của phương Tây, khi họ phải mua thực phẩm đắt hơn, trong khi tiền lương không tăng. Theo số liệu của chính phủ Nga, giá đường tăng hơn 65% so với 1 năm trước, rau quả đắt hơn 30% và giá thực phẩm tổng thể tăng 20%. Dữ liệu thống kê cho thấy mì ống tăng giá gần 30% so với 1 năm trước, giá ngũ cốc và đậu tăng 35%.
Tác động của lệnh trừng phạt trở nên nặng nề hơn với các gia đình Nga vì phần lớn ngân sách gia đình của họ dành cho thực phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thực phẩm chiếm gần 29% chi tiêu trung bình của các hộ gia đình Nga năm 2020, so với 7,1% ở Mỹ và 9,4% ở Anh.
Trong khi đó, tiền lương của người Nga không theo kịp đà tăng giá, khiến thu nhập khả dụng thực tế 3 tháng đầu năm thấp hơn 1,2% so với năm ngoái. Khi kinh tế Nga được dự đoán suy giảm khoảng 10% năm nay, người lao động khó có khả năng được tăng lương.
Phần lớn ngân sách gia đình người Nga chi tiêu cho thực phẩm. Ảnh: Shutterstock. |
Giá cả hàng hoá tăng cao khắp châu Á
Hiromichi Akiba - chủ một chuỗi cửa hàng siêu thị tại Tokyo, đã luôn theo phương châm "bán thực phẩm tươi, ngon với giá rẻ cho khách hàng" trong gần 30 năm qua. Tuy nhiên, suy nghĩ này giờ đang đứng trước thách thức lớn, khi chi phí tăng nhanh do đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến sự Nga - Ukraine và sự sụt giảm nhu cầu của người dân sau 2 năm Covid-19.
Akiba cho biết đang phải thanh toán thêm chi phí nhiên liệu cho đội ngũ 20 xe vận tải, trong khi chi phí điện và khí đốt leo thang. Mỗi tháng, ông phải trả thêm gần 1 triệu Yen (8.300 USD), tương ứng mức tăng 2%. Hiện, chi phí lao động tại Nhật cũng tăng nhanh khi tỷ lệ dân số còn trong độ tuổi lao động đang giảm, giá bán buôn thực phẩm tăng do phí hậu cần và các chi phí khác tăng. Các yếu tố này đang khiến ông Akiba đối mặt với rủi ro lạm phát chi phí.
Tại Thái Lan, giá cả hàng hoá tăng cao cũng khiến người dân lo lắng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Thái Lan Pornsilp Patcharintanakul, việc tăng chi phí chăn nuôi đã làm tăng giá sản xuất thịt gà và thịt heo. Giá ngô (bắp) hiện đã tăng gần 20% từ năm ngoái, trong khi đậu tương là 25%.
"Giá thịt heo, trứng gà tăng, thậm chí cả những sản phẩm giá rẻ như mì ăn liền cũng trở nên đắt đỏ hơn, tôi không biết cuộc sống sẽ ra sao khi mọi thứ ngày càng khó khăn", Somchai Bua-gnern - một lái xe tuktuk 39 tuổi tại Thái Lan, nói.
Trong khi đó, ông Ma Hong - chủ một chuỗi nhà hàng lẩu cay tại Trung Quốc, cho biết lợi nhuận của nhà hàng đã giảm 1/5 kể từ khi mở cửa hàng ở Bắc Kinh vào năm ngoái, do giá thịt bò tăng gấp rưỡi và các nguyên liệu khác cũng đội giá.
"Chúng tôi không tăng giá món ăn. Ai cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch. Tại Bắc Kinh cũng vậy. Chúng tôi không phải nhà hàng duy nhất chịu thiệt hại", ông Hong nói với Reuters.
Thói quen ăn uống thay đổi vì vật giá leo thang
Ở Ấn Độ, người dẫn cũng đang gặp nhiều khó khăn về lương thực. Tại quầy hàng rau củ của mình, Dnyaneshwar Uttam Sante ở ngoại ô Mumbai đã đóng gói một túi rau trộn cho khách với giá 450 rupee, tương đương gần 6 USD, cao hơn khoảng 80% so với một vài tuần trước. "Tôi cũng hết cách", Sante nói khi khách phàn nàn về giá "không thể tin được", bởi một bình gas nấu ăn đã tăng gần 30% lên 960 rupee (hơn 12 USD).
Một số nhà hàng đối phó với áp lực giá cả hàng hoá bằng cách cắt giảm khẩu phần. Tại một trong những góc ẩm thực đường phố ở Jakarta, người bán nasi goreng Syahrul Zainullah đã giảm khẩu phần cơm thay vì tăng giá hoặc sử dụng các nguyên liệu thấp cấp hơn. Còn bà Choi Sun-hwa - một chủ cửa hàng kim chi ở Hàn Quốc, cho biết chỉ mua được 7 cây cải thảo với mức giá mà bà từng mua 10 cây.
Kim chi truyền thống vốn được phục vụ như món ăn phụ miễn phí trong các bữa ăn ở nhà hàng Hàn Quốc, nhưng giờ nó cũng trở thành món xa xỉ. Seo Jae-eun - một khách hàng tại cửa hàng của bà Choi, nói vui rằng kim chi nên được gọi là "keum-chi", theo tiếng Hàn có nghĩa là "vàng". Tôi không thể xin nhà hàng cho thêm kim chi, giá rau cũng quá đắt để tự làm ở nhà nên phải đi mua", cô nói.
Vì giá cả tăng cao, kim chi giờ được gọi vui là "keum-chi", theo tiếng Hàn có nghĩa là "vàng" |
Anh Mohammad Ilyas, một đầu bếp tại cửa hàng cơm trộn biryani ở Karachi (Pakistan), cho biết giá 1 kg gạo trộn đủ ăn cho 3-4 người đã tăng gấp đôi lên 400 rupee Pakistan (2,20 USD). "Bây giờ, giá gạo và gia vị tăng quá cao đến nỗi người nghèo không đủ tiền để ăn cơm", anh nói. Bên cạnh đó, Người dân Sri Lanka đang đối mặt tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men khi nước này phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Trước khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, người dân nhiều nước đã "đau đầu" vì giá cả hàng hoá tăng cao. Giờ, họ lại càng phải "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa.