Từ người dọn dẹp khách sạn đến tỷ phú tự thân mới nhất Hàn Quốc
Chân dung - Ngày đăng : 07:00, 10/06/2022
Lee Su-jin - nhà sáng lập Yanolja, tỷ phú tự thân mới nhất của Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Khi thế giới mở cửa lại, giúp các ngành từ du lịch đến khách sạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, siêu ứng dụng Hàn Quốc Yanolja công bố doanh số quý I tăng trưởng mạnh. Công ty này đang chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán và với số cổ phần mà bản thân đang nắm giữ tại Yanolja, nhà sáng lập Lee Su-jin đã chính thức vào nhóm tỷ phú thế giới.
Tỷ phú 44 tuổi này là CEO và cổ đông lớn thứ hai của Yanolja, nắm 16,54% cổ phần. Vợ và hai con gái của ông mỗi người sở hữu 5,18% cổ phần. Cổ đông lớn nhất là Vision Fund 2 của SoftBank. Quỹ này đã mua 25,23% cổ phần của Yanolja vào tháng 7 năm ngoái với giá 1,7 tỷ USD, định giá công ty 6,7 tỷ USD. Với mức định giá đó, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của Lee và gia đình là 2 tỷ USD. (Forbes áp dụng chiết khấu 10% cho việc định giá công ty tư nhân).
Hướng đi mới cho ngành khách sạn
Được thành lập vào năm 2005, Yanolja - có nghĩa là "Nào, cùng chơi" trong tiếng Hàn. Trước khi khởi nghiệp, Lee từng làm nhân viên cho một nhà nghỉ tình yêu tại Hàn Quốc. Nhiệm vụ của ông là thay ga trải giường và dọn dẹp phòng sau khi các cặp vợ chồng đã sử dụng cho những giây phút riêng tư. 16 năm sau, Lee đã tận dụng kiến thức tích lũy được để thay đổi để thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp này.
Ban đầu, vị tỷ phú phát triển ứng dụng Yanolja để giúp đặt phòng ngắn hạn tại các nhà nghỉ ở Hàn Quốc, với mục tiêu là thuyết phục các chủ khách sạn, nhà nghỉ xóa bỏ hình ảnh khiếm nhã, đồi trụy liên quan đến tình dục, các hoạt động ngoại tình hoặc tự tử và nâng cấp cơ sở vật chất để có thể nâng cao sức hút đối với nhiều doanh nhân, gia đình và du khách.
Nhà sáng lập Yanolja phát biểu tại một sự kiện |
Tại văn phòng ở khu phố sang trọng Gangnam của mình, Lee từng cho biết: "Nếu các nhà nghỉ hoạt động chỉ dựa vào nhu cầu tình yêu của các cặp đôi, chắc chắn họ sẽ sớm phá sản".
Được biết, công ty của Lee thu hút khách hàng nhờ cắt giảm chi phí đặt phòng và kiếm lời từ quảng cáo cũng như khoản thanh toán từ các nhà nghỉ. Mức hoa hồng mà Yanolja hưởng dao động từ 0% (tại các khu hẻo lánh, ít dân cư) cho đến 10% (tại các đô thị sầm uất).
Bên cạnh đó, công ty cũng nhận tiền bản quyền từ các chủ khách sạn khi họ đồng ý sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Yanolja cũng như từ hoạt động tư vấn, trao đổi kinh doanh với những khách sạn đó.
Byun Jung-woo - Giảng viên mảng kinh doanh khách sạn và du lịch tại Đại học Kyung Hee, Seoul nhận xét: "Yanolja đã biến một ngành công nghiệp mờ nhạt với nhiều thành kiến thành một lĩnh vực được đón nhận rộng rãi trong cộng đồng, và đang trực tiếp đe dọa rất nhiều khách sạn khác.
Các khách sạn này hiểu rằng họ sẽ không thể sống sót được khi cạnh tranh với một ứng dụng có quá nhiều tính năng đặt phòng thú vị như vậy. Vì thế, đa số họ đều chuyển sang phương án hợp tác với Yanolja".
Hiện, công ty đã mở rộng mô hình kinh doanh từ khách sạn lưu trú ngắn ngày sang vận chuyển và gần đây là phần mềm điện toán đám mây giúp các khách sạn cùng công ty du lịch số hóa quy trình kinh doanh, giúp quản lý việc đặt phòng và phân tích dữ liệu lớn để dự đoán hành vi khách hàng.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh đám mây đóng góp 20,5% vào tổng doanh thu của Yanolja trong quý I, tăng từ 8,5% vào năm 2021. Theo Yanolja, doanh thu quý I/2022 tăng 19% so với cùng kỳ lên 100,5 tỷ KRW (80 triệu USD); lợi nhuận ròng giảm từ 9 tỷ KWR xuống 8,8 tỷ KWR.
Tháng 4 năm nay, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Yanolja có kế hoạch niêm yết trên sàn NASDAQ vào quý III tới. Bên cạnh SoftBank, các nhà đầu tư khác của Yanolja còn có quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, công ty du lịch trực tuyến Booking.com và SkyLake Investment - một công ty cổ phần tư nhân của Hàn Quốc do cựu CEO Samsung Electronics Chin Dae-je lãnh đạo.
Tuổi trẻ khó khăn và con đường kinh doanh sáng tạo
Giống như nhà sáng lập Kakao Kim Beom-su - tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc năm 2022 của Forbes, Lee là một tấm gương đáng ngưỡng mộ và đầy cảm hứng về quyết tâm vượt lên chính mình để thoát nghèo.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, Lee đã phải nương tựa rất nhiều vào họ hàng của mình cho đến năm 23 tuổi. Khi đó, ông quyết định làm công việc dọn vệ sinh ở một khách sạn tình yêu vì mức lương ổn định, gần trung tâm thành phố và bao chỗ ở.
"Ngày qua ngày, tôi cảm thấy mình không được may mắn và rất mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng bám trụ. Bây giờ thì công việc của tôi cứ như một giấc mơ vậy", Lee tâm sự. Được biết, vị tỷ phú trẻ có bằng cử nhân kỹ thuật tại Đại học Quốc gia Kongju.
Với số tiền tích lũy từ công việc lao công, Lee đã đầu tư vào chứng khoán và bắt đầu kinh doanh salad, nhưng không thành công. Điều này buộc ông phải trở lại với công việc cũ. Từ đó, Lee quyết định sẽ sử dụng kiến thức, kinh nghiệm đã học để đưa ngành công nghiệp nhà nghỉ, khách sạn vươn lên. Theo Bloomberg, Lee đã tận dụng mối quan hệ với các nhà cung cấp giấy vệ sinh và chủ khách sạn để thành lập Yanolja
Lee Su-ji trong căn phòng mô phỏng theo nhà nghỉ nằm trong trụ sở của Yanolja ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Seongjoon Cho/Bloomberg |
Sau thời gian xây dựng và phát triển cộng đồng, gồm các nhà cung cấp hàng tạp hóa như giấy ăn, khăn lau và cả những chủ khách sạn lớn nhỏ, đến năm 2005, ông thành lập một website chính thức và cho phép mọi người xem trước hình ảnh phòng mà họ định đặt.
Trên thực tế, việc thuyết phục các nhà đầu tư, chủ khách sạn cho phép hiển thị công khai hình ảnh thực của các phòng nghỉ là điều hiếm khi xảy ra tại thời điểm đó. Năm 2011, ứng dụng Yanolji phiên bản smartphone ra mắt và đến nay đã sở hữu 8 triệu lượt đăng ký.
Với khách hàng mục tiêu là các cặp đôi trẻ, đa số đang thất nghiệp hoặc chỉ mới bắt đầu đi làm với nhu cầu sử dụng phòng từ 1-3 lần/tháng, Lee đã cho chạy rất nhiều quảng cáo được thiết kế để thu hút thanh thiếu niên Hàn Quốc - những người đã chán ngán khi phải nghe bài ca "cô/cậu cần làm việc chăm chỉ mọi lúc mọi nơi". Thậm chí, ông còn mời chàng rapper đình đám Loco tham gia chiến dịch của mình với câu khẩu hiệu: "Cuộc đời chẳng mấy chốc, hãy cùng chơi nào".
Ngoài ra, Lee còn tổ chức một chương trình giáo dục về các phương pháp giúp chủ khách sạn phòng tránh, đối phó với khách hàng vô đạo đức khi cố ý cài camera quay trộm trong phòng của họ. Hơn nữa, để thúc đẩy sự thay đổi, Yanolja còn thành lập, vận hành và tân trang lại một số khách sạn để chúng trở nên sạch sẽ và hiện đại hơn. Bên dưới văn phòng của mình, ông Lee còn thành lập một "phòng thí nghiệm" để theo dõi các căn phòng được trang bị nội thất hiện đại và các công nghệ Internet mới nhất.