Chiến lược khiến Tổng thống Ukraine rơi vào 'hố cát lún'
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 14/06/2022
Tổng thống Zelensky trả lời báo chí tại thị trấn Bucha, Ukraine. Ảnh: AP |
"Hố cát lún" vừa nêu, theo Shannon Vavra - bình luận viên về an ninh quốc gia của chuyên trang chính trị, truyền thông TheDaily Beast, là trạng thái mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và giới lãnh đạo bị mắc kẹt giữa các tính toán về chính trị với thực tế trên chiến trường.
Thời gian gần đây, ông Zelensky và các cố vấn liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẽ không nhượng bộ bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Nga. Đây được coi là động thái khích lệ tinh thần của quân đội và người dân Ukraine, trong bối cảnh tình hình chiến sự gặp nhiều khó khăn, khi lực lượng Nga đẩy mạnh tiến công ở vùng Donbass.
Dù cho biết quân đội Ukraine đang hứng tổn thất kinh hoàng ở Severodonetsk, ông Zelensky vẫn nhấn mạnh rằng quân đội nước này sẽ đánh bại lực lượng Nga ở miền Đông Ukraine, tái kiểm soát các thành phố miền Nam Mariupol, Kherson, Melitopol từ lực lượng Nga và các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass cùng bán đảo Crimea.
"Tôi yêu cầu tất cả ai có cơ hội tiếp xúc với người dân ở khu vực đang bị kiểm soát tại miền Nam nói với họ rằng sẽ có giải phóng. Hãy nói điều đó với Gorlovka, Donetsk, Lugansk. Hãy nói với họ rằng quân đội Ukraine chắc chắn sẽ đến. Tất nhiên, chúng ta cũng sẽ giải phóng Crimea. Hãy để mọi quan chức Nga chiếm giữ mảnh đất quý giá Crimea nhớ rằng đây không phải vùng đất mà họ sẽ có hòa bình", ông Zelensky nói.
Quan điểm và những lời tuyên bố quyết liệt của Tổng thống được hưởng ứng rộng rãi trong công chúng và quân đội Ukraine - những người luôn tin vào chiến thắng cuối cùng trước Nga.
Theo một khảo sát vào tháng 5 của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, 82% người Ukraine được hỏi phản đối bất cứ động thái nhượng bộ lãnh thổ nào với Nga.
Hố cát lún của ông Zelensky và giới lãnh đạo
Tuy nhiên, theo Vavra, chiến lược này có thể đẩy ông Zelensky và giới lãnh đạo Ukraine rơi vào "hố cát lún". Trong khi đó, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Steven Pifer cho rằng, dù ông Zelensky tuyên bố binh sĩ Ukraine có khả năng đẩy lùi lực lượng Nga, nhưng nếu ông cùng các cố vấn một ngày nào đó phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến và phải ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp chấm dứt xung đột, thì những tuyên bố này có thể kéo ông đến bờ vực bất ổn chính trị.
Phát biểu tại Đối thoại Kultaranta ở Phần Lan hôm 12/6/2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ám chỉ khả năng Ukraine sẽ phải tính toán đến phương án nhượng bộ lãnh thổ để đi đến giải pháp hòa bình. "Hòa bình là khả thi, nhưng câu hỏi duy nhất là bạn sẵn sàng trả cái giá nào cho hòa bình? Bạn sẵn sàng hy sinh bao nhiêu lãnh thổ, bao nhiêu độc lập, chủ quyền vì hòa bình", Stoltenberg nói.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trong cuộc hội đàm với ông Stoltenberg cũng nhận xét rằng việc đẩy lùi lực lượng Nga khỏi tất cả những vùng đang kiểm soát ở Ukraine "không phải là điều khả thi vào thời điểm này".
"Ông Zelensky sẽ phải đưa ra một số quyết định thực sự khó khăn giữa loại nhượng bộ nào nên đưa ra để không vi phạm lập trường mang tính nguyên tắc cũng như để công chúng Ukraine có thể chấp nhận được. Đó sẽ là điều vô cùng khó khăn khi họ bước vào đàm phán", Pifer nói.
Cục diện chiến trường đông Ukraine. Đồ họa: BBC. |
Trên thực tế, Tổng thống Zelensky tuần trước tuyên bố xung đột sẽ được định đoạt trên chiến trường, nhưng cuối cùng thừa nhận sẽ tìm cách đàm phán một lần nữa với Nga. "Chiến thắng phải đạt được trên chiến trường, nhưng bất kỳ cuộc chiến nào cũng nên kết thúc tại bàn đàm phán", ông nói.
Trong giai đoạn đầu xung đột, các quan chức Ukraine đã tham gia một số vòng đàm phán với Nga để xem có thể đạt thỏa thuận nào để giảm căng thẳng hoặc chấm dứt chiến sự hay không. Tuy nhiên, quan điểm đàm phán với Nga khi đó đã vấp phải một số phản ứng từ nội bộ Ukraine. Đến tháng 4, đàm phán song phương đình trệ cho đến nay.
Khi giao tranh dữ dội hơn và người dân Ukraine chịu nhiều thiệt hại hơn, quan điểm không nhượng bộ càng trở nên quyết liệt. "Thái độ đã trở nên cứng rắn hơn ở Ukraine, cả trong chính phủ lẫn công chúng. Nên, cả khi Tổng thống Zelensky nhắc lại những nhượng bộ đã đề cập cách đây 10 hoặc 11 tuần, tôi không chắc người dân sẽ chấp nhận", Pifer nói.
Hệ quả kéo theo
Giao tranh nổ ra đã giúp Tổng thống Ukraine xây dựng tốt hình ảnh cá nhân, khi trở thành một "Tổng thống thời chiến" tập hợp được sự ủng hộ của người dân thông qua các phát ngôn quyết liệt. Song, câu hỏi hiện được đặt ra là không rõ hào quang "người hùng" ấy sẽ kéo dài bao lâu, đặc biệt khi ông bắt đầu phải đưa ra các quyết định chính trị đầy khó khăn.
Theo Orysia Lutsevych - người đứng đầu Diễn đàn Ukraine thuộc Chương trình Nga và Á - Âu tại Viện nghiên cứu Chatham House, nếu Zelensky chấp nhận ngồi đàm phán với Nga trong tình hình hiện nay, tương lai chính trị của ông có thể sụp đổ. "Tín nhiệm của Zelensky có thể lao dốc nếu ông ấy thảo luận các điều khoản với Nga", Lutsevych nói.
Phó giáo sư khoa học chính trị và an ninh quốc gia tại Đại học New Haven (Mỹ) Olena Lennon cũng cho rằng tham gia đàm phán với Nga bây giờ sẽ là "tự sát về mặt chính trị" đối với Zelensky. "Nếu nhượng bộ, ông ấy chắc chắn biết rõ dư luận sẽ phản ứng dữ dội thế nào. Đó sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông ấy. Một phong trào xã hội lớn sẽ bùng lên chống lại ông nếu chính phủ Ukraine chấp nhận bất cứ nhượng bộ nào", Lennon nhận xét.
Binh sĩ Ukraine trên thiết giáp di chuyển ở khu vực gần Severodonetsk và Lysychansk ngày 1/6. Ảnh: NY Times. |
Hơn nữa, cần biết rằng thế khó của Zelensky còn ở chỗ ông không thể trông cậy vào các đồng minh trong vấn đề này, khi Washington đã khẳng định sẽ không can thiệp vào quyết định liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. "Chúng tôi sẽ không thúc ép Ukraine nhượng bộ và chúng tôi đã tuyên bố nhất quán rằng các nước có quyền lựa chọn liên minh và tự quyết định về an ninh của họ", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố
"Chúng tôi tin Ukraine phải tự xác định những gì họ coi là thành công. Chúng tôi chỉ tập trung vào việc giúp Ukraine có vị thế lớn hơn trên chiến trường và trên bàn đàm phán", vị này nói thêm.
Theo Andrew Lohsen - cựu giám sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống Ukraine hiện vẫn an toàn về mặt chính trị, bởi các cuộc thảo luận về việc nhượng bộ chưa diễn ra.
"Nhưng khi quân đội Ukraine bước đến giai đoạn đối mặt với các vấn đề hậu cần ngày một nghiêm trọng trước đà tấn công dữ dội của Nga, hoặc không còn khả năng triển khai lực lượng phòng thủ đủ mạnh, họ lúc đó sẽ phải nói nhiều hơn về phương án nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt chiến sự", Lohsen nói.