Tổng giám đốc Vinacontrol TP.HCM: Mong được cạnh tranh
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 15/07/2022
Tại trụ sở công ty, trong cảnh khách hàng vào ra đông đúc, Tổng giám đốc Vinacontrol TP.HCM Bạch Khánh Nhựt vui vẻ chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn về công việc giám định, thử nghiệm và chứng nhận sản phẩm là hàng hóa, chủ yếu là hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong và ngoài nước tại địa bàn hoạt động của Công ty từ Phú Yên đến Cà Mau. Ông hy vọng đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt nên năm 2022 doanh nghiệp nào cũng làm ăn khấm khá, kinh tế nước nhà phát triển ổn định.
* Đọc báo cáo tổng kết công tác giám định, chứng nhận và thử nghiệm năm 2021 của Vinacontrol TP.HCM, tôi ngạc nhiên vì thấy doanh thu của công ty cao hơn năm 2020, trong khi năm 2021 có mấy đợt dịch Covid-19 bùng phát dữ dội...
- Trước ngày UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 10 siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi tiên liệu sẽ phải giãn cách xã hội triệt để nên ngoài ba chi nhánh trực thuộc là Vinacontrol Nha Trang, Vinacontrol Cần Thơ, Vinacontrol Phú Mỹ, đã bố trí lực lượng giám định viên đến các địa bàn có khách hàng hoạt động thuê nhà ở tại chỗ để giám định và chứng nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tất nhiên anh em được Công ty trang bị đầy đủ đồ bảo hộ phòng dịch và có tiền phụ cấp đặc biệt ngoài lương.
Do không được đi lại, hầu như không có đơn vị cùng chức năng làm việc tại các kho bãi và bến cảng, trong khi chúng tôi cắm sẵn giám định viên nên vừa giúp doanh nghiệp thông quan hàng hóa thuận lợi, vừa góp phần quan trọng vào doanh thu của công ty. Năm 2020, trước khi dịch Covid-19 lan tới châu Phi, có 4 giám định viên của Vinacontrol TP.HCM đang ở bên đó để kiểm định điều thô mà Tập đoàn Tân Long thu mua. Dù đã có những chuyến bay thương mại đưa người Việt Nam về nước, nhưng do Tân Long vẫn cần giám định viên nên cả 4 anh em đều ở lại.
* Sự nhạy bén trong kinh doanh thường mang lại thành quả. Nhưng thưa ông, muốn được vậy thì phải có nguồn nhân lực tốt và tận tâm với công việc?
- Bốn mươi lăm năm qua, dần dần Vinacontrol TP.HCM xây dựng được 9 ban chuyên môn và 3 chi nhánh trong lĩnh vực giám định thương mại, thử nghiệm, chứng nhận và đánh giá chất lượng (gọi chung là đánh giá sự phù hợp) và giám định, chứng nhận hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước, chủ yếu hàng hóa xuất nhập khẩu như nông lâm thủy sản, xăng dầu, cao su, vật liệu xây dựng, phế liệu, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may, giấy, hóa chất, phân bón, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm... trong hàng trăm mặt hàng ấy có 16 mặt hàng chính.
Chúng tôi đã xây dựng được Trung tâm Phân tích và Thử nghiệm 2 đặt tại Khu công nghiệp Tân Thuận với trang thiết bị hiện đại để thử nghiệm các mặt hàng, từ đó đưa ra kết quả giám định trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục công bố chất lượng sản phẩm.
* Ông có thể nói kỹ hơn về nguồn nhân lực của Vinacontrol TP.HCM?
- Vinaconrol TP.HCM là thành viên chiếm đến 50% doanh thu hằng năm của Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol Việt Nam nên có 472 cán bộ, công nhân viên, trong đó 4% có trình độ trên đại học, 70% đại học, còn lại đều có bằng cao đẳng và phổ thông trung học. Tất cả anh chị em đều đồng lòng vì sự phát triển của công ty. Thế mạnh nguồn nhân lực càng khẳng định được thương hiệu nên khối lượng công việc tăng lên, chứng tỏ khách hàng ngày càng tin tưởng vào Vinacontrol TP.HCM và đây vừa là niềm động viên, vừa là thách thức đối với chúng tôi.
* Có phải do đặc thù công việc mà nguồn nhân lực của Vinacontrol buộc phải có học vấn cao?
- Theo tôi biết, trên thế giới không có trường đào tạo giám định viên, ở nước ta càng không. Người làm nghề giám định trước hết phải có trình độ khoa học, kỹ thuật nhất định, do đó chúng tôi chủ yếu tuyển sinh viên vừa ra trường.
Trước đây, Vinacontrol giám định nông sản, thực phẩm là chính nên ưu tiên tuyển sinh viên ngành hóa thực phẩm và ngành nông nghiệp, sau này mở rộng sản phẩm giám định, chúng tôi tuyển người tốt nghiệp một số ngành học khác như kỹ sư hàng hải, cơ khí, điện tử, dầu khí...
* Tuyển hay thi tuyển, thưa ông?
- Chọn được người phải tổ chức thi tuyển, trong đó rất chú trọng đến tiếng Anh, rồi đào tạo nghiệp vụ giám định. Qua khóa đào tạo, học viên trở thành giám định viên tập sự, được phân công đi hiện trường cùng với giám định viên. Sau ba năm, nếu hoàn thành tốt công việc được giao thì giám định viên thực tập dự thi lý thuyết và vấn đáp do Tập đoàn Vinaconrol tổ chức, nếu đỗ sẽ được cấp chứng chỉ giám định viên. Khó nhất là thi vấn đáp, bởi hội đồng thi sẽ đưa ra những tình huống giả định sát thực tế, buộc thí sinh phải nhanh trí xử lý.
Trong quá trình làm việc, anh chị em nào thấy tiếng Anh chưa vững thì công ty tạo điều kiện đi học thêm. Có một thuận lợi là nhiều kiểm định viên làm việc trực tiếp với khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài nên tiến bộ rất nhanh khi nghe và nói tiếng Anh. Chúng tôi quan tâm đặc biệt đến vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên, phân tích - thử nghiệm viên.
Cụ thể hằng năm, công ty đều tổ chức các khóa đào tạo, kiểm tra nghiệp vụ, hội thảo chuyên ngành về lĩnh vực giám định, phân tích, thử nghiệm cũng như các lĩnh vực liên quan, đảm bảo tất cả cán bộ, công nhân viên được cập nhật những kiến thức mới nhất phù hợp với lĩnh vực được giao. Mặt khác, chúng tôi tạo ra quy trình chuẩn, thống nhất, bắt buộc mọi giám định viên phải làm việc như nhau, luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giám định của khách hàng vào bất cứ thời gian, địa điểm nào. Đó cũng là một khía cạnh thể hiện tính chuyên nghiệp và góp phần tạo thành thương hiệu của công ty.
* Xin lỗi, có khi nào ông phải ký một quyết định kỷ luật cấp dưới...
- Đáng mừng là chưa. Mặc dù khi thi tuyển người, chúng tôi khó mà biết đạo đức của họ, nhưng hầu hết họ vừa tốt nghiệp đại học, chứng tỏ đó là những người chịu học, mà đã chịu học thì ít khi sa ngã trước diễn biến phức tạp của đời sống xã hội. Vả lại, anh chị em có thu nhập khá tốt nên yên tâm làm việc, khó bị ai đó "chung chi" để bỏ qua lỗi sản phẩm. Có người nói làm việc theo nhóm thì không xảy ra tiêu cực vì phải kiểm soát lẫn nhau.
Theo tôi thì không hẳn, bởi thực tế đã chứng minh một nhóm mươi người cũng có thể "móc ngoặc" được, miễn là "chia chác" sòng phẳng. Giám định viên của Vinacontrol TP.HCM phải trung thành với nguyên tắc hoạt động "Độc lập - trung lập - khách quan" và tuân thủ phương châm phục vụ "Chính xác - trung thực - kịp thời". Ai không chấp hành nguyên tắc và phương châm ấy sẽ bị loại.
Công ty đã thiết lập những kênh liên lạc, tạo group điện thoại để khách hàng, góp ý về quá trình làm việc của giám định viên. Khi doanh nghiệp phản ánh hành vi làm việc không được chuẩn mực, có thể không đúng quy trình của một giám định viên nào đó, ngay lập tức Công ty tiến hành kiểm tra, nếu thấy phản ánh là có cơ sở, chúng tôi thay ngay giám định viên.
* Như ông chia sẻ, kinh doanh trong lĩnh vực giám định không dễ, nhưng tại sao vẫn có nhiều công ty ra đời?
- Dịch vụ giám định rất đặc thù nhưng nếu tổ chức kinh doanh tốt vẫn có lãi, dù không cao như nhiều ngành khác. Ngoài những công ty giám định trong nước, hiện nay đã có không dưới 10 công ty giám định nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.
* Nhiều như thế chắc là phải cạnh tranh quyết liệt?
- Cạnh tranh là thuộc tính của kinh tế thị trường. Càng cạnh tranh thì sản phẩm và dịch vụ càng tốt, người tiêu dùng càng được hưởng lợi. Vinacontrol TP.HCM mong muốn được cạnh tranh, nhưng phải cạnh tranh lành mạnh.
* Ông có thể chia sẻ cách cạnh tranh không lành mạnh trong ngành giám định?
- Nhu cầu kiểm định, thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp của hàng hóa phát triển tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế mà nhiều công ty kiểm định nổi tiếng thế giới đã kinh doanh hay lập văn phòng tại Việt Nam. Không phải vì muốn độc quyền mà tôi cho rằng hiện nay ngành kiểm định cung đã vượt cầu. Cung vượt cầu thì dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không sòng phẳng. Trong ngành kiểm định thường có ba cách cạnh tranh không lành mạnh.
Một là nhái logo. Logo của Tập đoàn Vinacontrol là hình chiếc cân như loại cân thuốc bắc xưa, giữa đòn cân có vòng tròn, bên dưới chữ Vinacontrol có chữ Since 1957, nếu là thành viên của Vinacontrol Việt Nam thì thêm tên công ty như Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh, Vinacontrol Hà Nội, tất cả là màu xanh lá cây. Nhiều logo nhái cơ bản giống logo của Vinacontrol Việt Nam, chỉ thêm một vài chi tiết nhỏ, cũng là màu xanh lá cây nhưng độ đậm nhạt khác nhau, nên nếu khách hàng mới thì rất khó phân biệt đâu là logo "chính hãng".
Thứ hai là giảm giá, có thể 5-7%, có thể trên dưới 10%. Nghe có vẻ không nhiều nhưng nếu giám định với số lượng lớn thì số tiền không nhỏ. Tiền chỉ là một phần, giảm giá để giành khách hàng gây thiệt hại kép, làm rối loạn mặt bằng giá cả và chất lượng dịch vụ. Tác hại nhất của việc giảm giá để giành khách hàng là khi giám định hàng hóa ở nước ngoài. Chẳng hạn doanh nghiệp điều Việt Nam mua điều thô ở một số nước châu Phi cần phải có giám định viên Việt Nam kiểm định chất lượng từ kho đến khi hàng đóng vào container, lên tàu, giá thuê một giám định viên, ngoài vé máy bay, thông thường 70 USD một ngày, nhưng có công ty hạ xuống còn 40-50 USD.
Có công ty còn lấy giá "không đồng" để "làm quen" khách hàng. Tiền nào của nấy, giá gần như phải bù lỗ hoặc bù lỗ như vậy thì ắt giám định qua loa, thậm chí làm thiệt hại không ít cho bên thuê khi hạt điều thô về đến Việt Nam, như lẫn nhiều tạp chất, thậm chí mốc meo do độ ẩm quá cao. Thứ ba, dìm nhau bằng cách nói sai lệch với khách hàng về chất lượng dịch vụ của công ty đối thủ, của đồng nghiệp ở công ty đối thủ. Điều đó càng chứng minh "văn hóa làm việc nhóm" của người Việt mình còn thấp.
* Trong Đại hội Hiệp hội Điều Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đầu năm nay, ông được bầu làm Phó chủ tịch thường trực VINACAS. Liệu công việc ấy có trái ngành đối với ông?
- Vinacontrol TP.HCM tham gia giám định điều thô, điều nhân từ đầu những năm 1990. Đến mùa thu hoạch điều ở Cote dIvoire (Bờ Biển Ngà), Guinea-Bissau, Tanzania, Benin, Mozambique, chúng tôi còn lập một đơn vị trực thuộc ở châu Phi, gọi là Vinacontrol châu Phi, giám định viên có đợt đến 30 người để giúp doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) giám định nguyên liệu thu mua đầu nguồn. Vinaconrol TP.HCM chiếm khoảng 80% thị phần giám định cả điều nhân xuất khẩu và điều thô nhập khẩu.
Do đó, dù không kinh doanh điều - một ngành mỗi năm có kim ngạch xuất khẩu trên dưới 3,5 tỷ USD, cao nhất thế giới, tôi vẫn hiểu rõ ngành này. Tham gia VINACAS, phải làm thêm nhiều việc nhưng tôi sắp xếp được thời gian để cùng doanh nghiệp phát triển ngành điều, nhất là chế biến sâu để tăng giá trị hạt điều nhân. Vừa qua, cũng nhờ hiểu biết khách hàng ngành điều mà tôi đã góp phần cùng VINACAS và các cơ quan có chức năng chặn được vụ lừa đảo 74 container điều nhân xuất qua Ý. Qua cách giải quyết vụ lừa đảo rất lớn này, tôi càng thấy vai trò quan trọng của hiệp hội ngành hàng.
* Vinacontrol TP.HCM có gần 4.000 khách hàng là doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông lại kiêm nhiệm công việc ở VINACAS, như vậy thì thời gian riêng quá eo hẹp...
- Chúng tôi có 9 ban chuyên trách và 3 chi nhánh, một trung tâm đều có giám đốc chịu trách nhiệm trực tiếp trước tổng giám đốc, nên một tháng tôi nhận báo cáo và họp giao ban một lần, còn phần lớn thời gian là trực tiếp với khách hàng. Tôi công tác ở Vinacontrol TP.HCM 30 năm mới được tập đoàn bổ nhiệm làm tổng giám đốc nên nắm rất chắc hoạt động của công ty, vì thế cũng dễ điều hành.
Chắc nhà báo biết, để giữ quan hệ, doanh nhân Việt Nam thường phải "cụng ly" với chủ khách hàng, với lãnh đạo chính quyền các cấp, khi thì mình mời, khi thì họ mời. Vì thế mà càng nhiều khách hàng, nếu không khéo thì càng ít có bữa cơm với gia đình, chưa nói ăn nhậu nhiều không tốt cho sức khỏe, không có thời gian hoạt động thể chất. Tôi đang cố gắng khắc phục "nhược điểm" ấy để thêm thời gian thiền định, chơi thể thao và đọc sách.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!