Tính toán của Nga khi tập kích cảng Odessa
Quốc tế - Ngày đăng : 03:30, 26/07/2022
Chưa đầy 12 tiếng sau khi đại diện Nga và Ukraine ngày 22/7 ký thỏa thuận với Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảm bảo hành lang an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen, loạt tên lửa hành trình rơi xuống cảng Odessa, đầu mối xuất khẩu lương thực quan trọng nhất của Ukraine.
Quân đội Ukraine cáo buộc Nga phóng 4 tên lửa hành trình Kalibr vào cảng Odessa, trong đó hai quả bị đánh chặn và hai quả trúng một kho ngũ cốc cùng một trạm bơm nhiên liệu trong cảng. Bản tin về tình hình chiến sự hàng ngày của Bộ Quốc phòng Nga hôm ấy không đề cập đến vụ tập kích. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusai Akar nói Nga khẳng định "không liên quan gì" đến vụ tấn công nhắm vào hạ tầng cảng Odessa.
Nhưng gần 24 tiếng sau, Moskva thừa nhận đã tiến hành vụ tập kích. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga nói tên lửa hành trình được phóng từ chiến hạm trên Biển Đen, "phá hủy một tàu chiến Ukraine và kho chứa tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ viện trợ", đồng thời vô hiệu hóa một âu tàu phục vụ trùng tu và nâng cấp phương tiện quân sự Ukraine.
Giới chức Nga lập luận mục tiêu là "hạ tầng quân sự" trong cảng Odessa và không nằm trong phạm vi thỏa thuận ngũ cốc vừa ký với Ukraine. Theo cam kết được ký ở Istanbul, Nga đồng ý không tấn công ba cảng trên Biển Đen, gồm Odessa, Yuzhne và Chornomorsk. Các bên cũng cam kết đảm bảo an toàn cho tàu hàng chở ngũ cốc đi qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tàu hải quân Nga neo đậu tại một vịnh thuộc cảng Sevastopol trên Biển Đen hồi năm 2014. Ảnh: Reuters. |
Anshel Pfeffer - chuyên gia kỳ cựu về các vấn đề quân sự và quốc tế của tờ Haaretz, nhận định vụ tập kích bất ngờ cho thấy Nga chưa muốn buông tay khỏi hai lá bài mặc cả quan trọng trên bàn đàm phán về tương lai chiến sự Ukraine, gồm sức ép đối với nền kinh tế nước này cũng như áp lực với thị trường lương thực toàn cầu. Vụ tập kích có thể trì hoãn tiến độ nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ Odessa, khiến chính quyền Ukraine tiếp tục tìm cách giải bài toán giải phóng hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt, khi vụ thu hoạch mới đang đến gần.
Trong khi đó, Moskva vẫn hưởng lợi từ thỏa thuận vừa ký. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết không áp lệnh trừng phạt lên các sản phẩm nông nghiệp của Nga nhằm thúc đẩy đàm phán dỡ phong tỏa Biển Đen. Động thái này cho phép Nga nối lại làm ăn với đối tác quốc tế để xuất khẩu nông sản lẫn phân bón mà không bị lưới trừng phạt cản trở.
Thỏa thuận không chỉ khơi thông xuất khẩu cho Nga, mà còn giúp Moskva củng cố uy tín ngoại giao với các nước Trung Đông và châu Á, vốn đang ngày càng lo ngại về nguy cơ khủng hoảng trên thị trường lương thực thế giới. Nga còn được đảm bảo quyền giám sát tàu thuyền ra vào vùng biển, khi thỏa thuận ngũ cốc quy định các tàu hàng không được chở vũ khí, đạn dược đến Ukraine. Nói cách khác, thỏa thuận trao cho Nga "phiếu phủ quyết" đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng biển của Ukraine.
"Vụ tập kích tên lửa nhắm vào cảng Odessa là lời nhắc nhở của Tổng thống Putin rằng ngay khi thỏa thuận Istanbul được thực thi, Nga vẫn có thể chặn tàu thuyền đi qua Biển Đen bất kỳ lúc nào", Pfeffer nhận định.
Đây sẽ là cách Nga duy trì sức ép đáng kể lên nền kinh tế Ukraine, trong khi Kiev khó rút khỏi thỏa thuận đã ký, vì đó là con đường gần như duy nhất hiện nay để họ giải phóng ngũ cốc tồn kho. Nếu rút khỏi thỏa thuận, Ukraine cũng sẽ tự đặt mình vào tình thế bị động, tạo cớ để Nga phủi trách nhiệm trong khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Giới chuyên gia cho rằng kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, chiến dịch phong tỏa Biển Đen là thắng lợi chiến lược rõ ràng nhất mà Nga đạt được, khi các mũi tiến công trên bộ đều gặp nhiều khó khăn. Dù chịu nhiều tổn thất ở Biển Đen, nổi bật nhất là vụ chìm soái hạm Moskva vào tháng 4 và quyết định rút khỏi đảo Rắn hồi tháng trước, hải quân Nga vẫn duy trì thành công gọng kìm bủa vây các cảng xuất khẩu chủ lực của Ukraine, cắt đứt đường giao thương huyết mạch qua Biển Đen.
Chiến dịch phong tỏa Biển Đen đã làm tê liệt nền kinh tế Ukraine và cho phép Nga chi phối một phần giá lương thực toàn cầu. Những lợi ích chiến lược như vậy khiến Moskva khó từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát cục diện hàng hải khu vực, Pfeffer đánh giá. Đòn tập kích vào cảng Odessa là cách để ông Putin nhắc nhở phương Tây rằng ông vẫn nắm trong tay lá bài chiến lược ở Biển Đen.
"Tổng thống Nga biết rằng phương Tây không còn cách nào khác để xuất khẩu hết ngũ cốc của Kiev, do đó thông điệp mà ông ấy đưa ra là đừng chuyển thêm các loại vũ khí hạng nặng tới Ukraine, nếu không thỏa thuận ngũ cốc sẽ đổ vỡ", Pfeffer nhận định.
Những tính toán này của Nga cũng đi kèm với rủi ro mà họ có thể phải đối mặt. Mối lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể thúc đẩy NATO xúc tiến ý tưởng thành lập đội tàu chiến hộ tống tàu chở ngũ cốc rời khỏi Ukraine, điều mà Nga đã quan ngại từ lâu. Nhưng NATO đến nay vẫn e ngại về nguy cơ chạm trán trực diện với hải quân Nga trên Biển Đen nếu triển khai phương án đó. "Khi nỗi e ngại như vậy vẫn còn, Nga vẫn có khả năng gây áp lực với nền kinh tế Ukraine và nguồn cung lương thực toàn cầu", Pfeffer nhấn mạnh.
(Theo VnExpress)