Nga tiếp tục cắt khí đốt để 'nắn gân' châu Âu
Quốc tế - Ngày đăng : 08:00, 26/07/2022
Cụ thể, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hôm nay thông báo từ ngày mai - 27/7/2022, sẽ cắt lượng khí đốt cung cấp hằng ngày qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu xuống còn 33 triệu m3, tương đương 20% công suất đường ống. Được biết, công suất vận chuyển tối đa của Nord Stream 1 là hơn 160 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, từ khi mở lại đường ống sau thời gian bảo trì, Nga chỉ vận hành Nord Stream 1 ở 40% công suất.
Một cơ sở trong hệ thống đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức ngày 8/3. Ảnh: Reuters. |
Theo Euro News, Nord Stream 1 vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm. Lý do liên tục giảm công suất chuyển khí đốt cho châu Âu được Gazprom đưa ra là "vấn đề kỹ thuật" liên quan đến tuabin tại trạm nén khí Portovaya.
Dù vậy, giới chức châu Âu bác bỏ lời giải thích này, cáo buộc Moskva chỉ muốn "vũ khí hóa khí đốt" để gây áp lực lên phương Tây. "Dựa trên thông tin của chúng tôi, không có lý do kỹ thuật nào dẫn đến việc giảm lưu lượng nguồn cung khí đốt", Bộ Kinh tế Đức cho hay.
Phản ứng của châu Âu
Trên thực tế, châu Âu có quyền nghi vấn về động cơ của Moskva sau quyết định giảm khí đốt, khi ông Putin tuần trước tuyên bố Nga sẽ thực hiện đầy đủ cam kết cung cấp khí đốt cho châu Âu, song cảnh báo dòng chảy qua Nord Stream 1 có thể sớm bị hạn chế nếu các lệnh trừng phạt từ phương Tây ngăn họ bảo trì, sửa chữa bộ phận trong hệ thống.
Về phần mình, Bộ trưởng các nước EU trong hôm nay dự kiến sẽ thông qua kế hoạch cùng cắt giảm tiêu thụ khí đốt trong mùa đông, để giảm tác động từ nguồn cung của Nga. Theo dự thảo kế hoạch dự kiến thông qua, các thành viên sẽ đồng lòng giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt tới cuối tháng 3/2023, để sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung từ Nga bị cắt.
EU có thể áp ngoại lệ cho một số thành viên như Ireland, Cyprus hay Malta và các nước không kết nối với mạng cung cấp khí đốt của châu lục. Kế hoạch này được 'manh nha' hồi tuần trước, khi Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi thành viên EU tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt để chống lại 'đòn tống tiền' từ Nga.
"Nga đang tống tiền chúng ta. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí, vì vậy trong bất cứ trường hợp nào, dù phải cắt phần lớn hay toàn bộ khí đốt Nga, châu Âu cần phải sẵn sàng", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói với các phóng viên hôm 20/7/2022.
EU cáo buộc Nga tống tiền và đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. |
Theo AFP, biện pháp mang tính ràng buộc nói trên nhằm bảo vệ Đức - đầu tàu kinh tế châu Âu và cũng là nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga để phục vụ công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha.
Các nhà ngoại giao EU sau đó đã xem xét và sửa đổi đề xuất với kỳ vọng đạt thỏa thuận chung trong phiên họp hôm nay. Đề xuất mới quy định Hội đồng Liên minh châu Âu - đại diện cho 27 chính phủ thành viên, chứ không phải EC, mới là cơ quan có quyền quyết định về cách thức thực thi các mục tiêu mang tính ràng buộc.
Mục tiêu cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình mỗi nước nhờ hàng loạt điều khoản miễn trừ, tính toán mức dự trữ năng lượng cũng như quốc gia đó có đường ống dẫn khí hay không.
Đòn 'nắn gân' gây tác động mạnh
Vì nhiều nước châu Âu phụ thuộc vào dòng khí đốt Nga vận chuyển qua Đức, nên nếu nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 không ổn định hoặc cạn kiệt, phần lớn châu lục sẽ lập tức cảm nhận tác động của đòn 'nắn gân' này.
Theo EC, khối này phụ thuộc vào 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập từ Nga, song từ sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nguồn cung này ngày càng giảm.
Tổ chức Gas Infrastructure Europe cho biết, các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU hiện mới được lấp đầy khoảng 32%. Con số này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 80% mà EU đặt ra cho các thành viên vào tháng 11/2022.
Hiện, Nga đã ngừng vận chuyển khí đốt đến ba nước vùng Baltic, Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria, cũng như giảm nguồn cung tới Đức và Italy. Theo EC, dòng chảy khí đốt từ Nga sang EU trong tháng 6 thấp hơn 30% so với trung bình giai đoạn 2016-2021. Năm ngoái, châu Âu nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt Nga và tiêu thụ khoảng 400 tỷ m3 khí đốt trong 1 năm bình thường.
Do đó, nếu không trữ đủ khí đốt trong những tháng mùa đông tới, chính phủ châu Âu có thể sẽ buộc phải phân bổ khí đốt theo định mức, với ưu tiên cho hộ gia đình, bệnh viện. Các cơ sở công nghiệp tiêu thụ nhiều khí đốt đứng trước nguy cơ bị cắt nguồn cung, dẫn đến đình trệ sản xuất.
Nếu kịch bản này xảy ra, nền kinh tế của châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái. Theo cơ quan quản lý năng lượng liên bang Đức, nước này sẽ đối mặt rất nhiều thách thức khi thực hiện mục tiêu lưu trữ khí đốt với lưu lượng qua đường ống Nord Stream 1 bị giới hạn ở mức 40%, chứ chưa nói đến 20%. Trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt, Đức có thể cần sự giúp đỡ từ các nước láng giềng.
Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu |
Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Berenberg, châu Âu có thể cầm cự đến mùa thu năm sau, trước khi bắt đầu cạn kiệt khí đốt nếu Nga cắt nguồn cung. Trong khi đó, nếu Nord Stream 1 bị khóa hoàn toàn và mùa đông sắp tới trở nên khắc nghiệt hơn, khí đốt dự trữ của châu Âu có thể cạn vào cuối tháng 2/2023. Nhu cầu sưởi ấm sẽ giảm vào mùa hè tới, nhưng châu Âu vẫn phải tiếp tục chạy đua dự trữ khí đốt cho những tháng mùa đông sau đó.