Liệu pháp tinh thần cho startup thất bại
Sống khỏe - Ngày đăng : 06:00, 29/07/2022
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000-40.000 người, trong đó phần lớn xuất phát từ những áp lực, khó khăn và sự thất bại khi khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (28 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Sài Gòn Pride bật mí cho biết: “Với tôi, điều khó khăn nhất trong quá trình khởi nghiệp đó là giới hạn về kiến thức, cũng như những áp lực khi phải đảm nhận quá nhiều công việc ngoài sức chịu đựng. Tôi phải thức nhiều đêm liên tục để tìm ra giải pháp cân bằng tốt hơn, chính vì vậy sức khỏe tôi tuột dốc và áp lực căng thẳng ngày một tăng, mọi thứ tồi tệ kinh khủng, đôi khi tôi muốn từ bỏ kể cả mạng sống của mình”.
Chị Lê Việt Nga - người sáng lập page Be My Coffee chia sẻ: “Từ khi bắt đầu xây dựng Be My Coffee đến giờ, có lẽ việc tìm kiếm nội dung để có thể thu hút người xem và duy trì được lượng tương tác ổn định là điều gây cho tôi nhiều áp lực cũng như khó khăn nhất. Có những khoảng thời gian kênh giảm tương tác, bài viết không đáp ứng được tiêu chí đã đặt ra với khách hàng, tôi đã rất lo lắng, phải đối mặt với cảm xúc tự ti, thiếu niềm tin vào khả năng của bản thân. Tôi nghĩ liệu mình có tiếp tục được hay không, những áp lực đó khiến tôi rất mệt mỏi và chán nản”.
Tình trạng áp lực căng thẳng kéo dài trong quá trình khởi nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Nó gây nên tâm lý tự xem thường, đánh giá thấp bản thân. Tinh thần luôn trong trạng thái chán chường, bất lực và tuyệt vọng. Điều này rất dễ gây ra việc từ bỏ ý định khởi nghiệp. Đặc biệt với những người trẻ khi khởi nghiệp thất bại, trạng thái tâm lý này càng nặng nề, dẫn đến việc họ mất niềm tin và sợ hãi không dám có ý định khởi nghiệp thêm một lần nữa.
Bác sĩ, nhà tâm lý và tâm thần học Michael A. Freeman (thuộc Đại học California) - người từng là doanh nhân khởi nghiệp cho rằng, điều quan trọng nhất là nên dành thời gian cho những người thân yêu. “Khi phải chiến đấu với chứng trầm cảm thì các mối quan hệ với bạn bè và gia đình có thể là vũ khí mạnh mẽ”.
Nguyễn Thành Gia - một startup trẻ chia sẻ: “Mỗi lần gặp áp lực, tôi luôn tìm về gia đình, bạn bè và chia sẻ với họ. Vì nơi đó luôn khiến tinh thần ta an yên hơn, sẽ tháo gỡ giúp mình. Còn bạn bè, họ cũng là điểm tựa, giải tỏa bớt áp lực cho mình”.
PGS-TS. Trần Thu Hương - Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: “Buông bỏ sự cố chấp là một trong nhiều cách thức giúp chúng ta cân bằng đời sống tinh thần, tự tháo gỡ từng lớp phòng vệ để sống thực với con người mình, sẽ giúp cá nhân tránh được nhiều nguy cơ, bao gồm cả trầm cảm”. Đề ra những mục tiêu phù hợp hơn với năng lực của bản thân là một giải pháp hiệu quả để giảm áp lực cũng như gánh nặng công việc.
Thế nên, theo anh Hiếu, lúc mà đang ở đáy vực của tinh thần thì anh sử dụng phương pháp buông bỏ có chủ đích. Cụ thể, anh chia sẻ bớt công việc cho nhân viên. Anh không cố chấp gồng gánh quá nhiều việc ngoài khả năng của mình. Mỗi người một ý tưởng sáng tạo, và năng lực phát triển đa dạng thì công việc sẽ dễ dàng và chính xác hơn.
Làm theo sở thích của bản thân là một phương pháp hiệu quả để giải tỏa những áp lực tâm lý. Michael A. Freeman cũng đề xuất rằng nên tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc. Điều này cũng giúp tinh thần thoải mái hơn.
Khi gặp các vấn đề về tâm lý, hãy đảm bảo chăm sóc cơ thể luôn khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc. Ưu tiên các loại thực phẩm lành mạnh giàu carbohydrate sẽ là nhiên liệu để bộ não của chúng ta tập trung tốt hơn. Ngoài ra, hạn chế đồ uống chứa caffeine như cà phê, soda dễ gây ra tình trạng mất ngủ. Đồng thời, nên hạn chế các sản phẩm chứa nicotine bởi đây là chất làm gia tăng trạng thái lo âu, căng thẳng.