TPHCM: Đề án 06 là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao chất lượng cải cách hành chính

Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 15/08/2022

Đề án 06 của Chính phủ được triển khai trong bối cảnh TP.HCM quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, đưa vào vận hành kho dữ liệu dùng chung.
TPHCM: Đề án 06 là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao chất lượng cải cách hành chính

Đề án 6 là viết tắt của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022.

Sau hơn 6 tháng triển khai Đề án 06, TP.HCM đã có những kết quả bước đầu, trong đó đáng chú ý là việc TP.HCM chuẩn bị triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của TP.HCM. Dự kiến, hệ thống sẽ hoàn thành trong tháng 10/2022. Việc này nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện Đề án 06. Hệ thống hoạt động với nguyên tắc không yêu cầu người dân khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi người dân chỉ dùng một tài khoản định danh thống nhất để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của TP.HCM sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với thủ tục hành chính đủ điều kiện. Trong đó có 403 dịch vụ công trực tuyến  mức độ 3, mức độ 4 đủ điều kiện của TP.HCM; 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Link bài viết

TP.HCM sẽ đảm bảo 100% thủ tục hành chính (1.733 thủ tục) sẽ được thiết lập trên một cửa điện tử, để sở, ban ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, việc triển khai hệ thống này vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị theo Đề án 06 vừa là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao chất lượng cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, chính quyền số của UBND TP.HCM.

Liên quan đến việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, TP.HCM cũng đang tích cực triển khai các công việc liên quan. Với các thủ tục như đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, chỉ riêng thủ tục đăng ký kết hôn không thực hiện qua cổng dịch vụ công, các dịch vụ còn lại sẽ thực hiện trực tuyến mức độ 3.

Một nội dung rất được người dân quan tâm thời gian qua là việc dùng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip để khám chữa bệnh. Hiện nay, do hệ thống chưa được liên thông đồng bộ nên đa số thẻ CCCD chưa tích hợp thông tin bảo hiểm y tế của bệnh nhân.

Hệ thống chỉ có thông tin bảo hiểm y tế của người dân chuyển đổi từ CCCD thường qua CCCD gắn chip. Còn với trường hợp chuyển từ chứng minh nhân dân qua CCCD gắn chip, hiện vẫn chưa có thông tin trên cổng thông tin. Các bệnh viện cũng chưa chuẩn bị đủ các thiết bị cần thiết và cập nhật hệ thống phần mềm bệnh viện để truy cập được thông tin trên thẻ CCCD gắn chip.

Thực tiễn thực hiện Đề án 06 cũng phát sinh một số trở ngại. Chẳng hạn, việc đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ công hiện nay yêu cầu người đăng ký phải sử dụng sim điện thoại là thuê bao chính chủ. Trong khi đó, hiện nay nhiều người dân vẫn dùng thuê bao không chính chủ, dẫn đến hạn chế đăng ký tài khoản dịch vụ công.

Tại nhiều sở, ngành, hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính một cửa chưa được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì thế, nhiều đơn vị chưa có dữ liệu để điền thông tin vào biểu mẫu điện tử. Bên cạnh đó, đường truyền hiện chưa ổn định, thường bị gián đoạn, mất kết nối, trong khi chưa có cơ quan chuyên môn để xử lý kỹ thuật. Do vậy, khi gặp trục trặc, các cơ quan thường mất nhiều thời gian khắc phục, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

P.V