Ukraine chật vật xoay tiền
Quốc tế - Ngày đăng : 03:26, 15/08/2022
Nếu không tìm được cách khắc phục 'gót chân Achilles' của mình, Ukraine khó có thể giành chiến thắng trước Nga khi tình hình chiến sự tiếp tục kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. |
Theo Wall Street Journal, năng lực quốc phòng của Ukraine đang tăng lên khi lực lượng quân sự ngày một đông đảo với nhiều khí tài hiện đại từ phương Tây, song việc tìm kiếm nguồn tiền để trả lương cho lực lượng này lại là nỗi đau đầu với Bộ trưởng Tài chính Ukarine Sergii Marchenko.
Cuộc chiến trên mặt trận kinh tế
Một bên, vị bộ trưởng phải đối mặt với chiến phí ngày càng tăng và bên còn lại là nguồn thu thuế giảm sút do nền kinh tế bị tàn phá, trong khi nguồn viện trợ từ phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), lại hết sức chậm chạp. "Đêm cũng như ngày, việc này là nỗi đau đầu không dứt đối với tôi", ông Marchenko nói.
Hiện, nguồn thu từ thuế chỉ trang trải khoảng 40% chi tiêu chính phủ, còn chiến phí chiếm tới 60% ngân sách. Trên thực tế, trước khi chiến sự bùng nổ, Ukraine đã là một trong những nước nghèo nhất châu Âu nếu xét theo thu nhập bình quân đầu người. Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây vào cuối tháng 2, sản lượng kinh tế của Ukraine cũng bắt đầu sụt giảm, với GDP hàng tháng giảm gần 50% trong tháng 3.
Dưới các đợt pháo kích của Nga, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, khiến nền kinh tế Ukraine đình trệ, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa và Biển Đen cũng bị phong tỏa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu ngũ cốc. Đầu tháng 6/2022, sau 100 ngày chiến sự, Nội các Ukraine cho biết tổng thiệt hại mà nền kinh tế Ukraine phải gánh chịu do chiến sự đã lên tới 600 tỷ USD.
Đầu tháng 4/2022, để hỗ trợ Ukraine, các chủ nợ nước ngoài đã đồng ý hoãn khoản thanh toán 20 tỷ USD tới năm 2024, cho phép nước này "duy trì ổn định tài chính vĩ mô và tăng cường tính bền vững cho nền kinh tế". Quyết định này cùng một số thỏa thuận tương tự vào tháng trước sẽ giúp Kiev tiết kiệm khoảng 5,9 tỷ USD trong 2 năm tới, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ so với khoản thiếu hụt của Ukraine.
Theo ông Marchenko, dù đã cắt chi tiêu không cần thiết "đến tận xương tủy", nhưng chính phủ Ukraine vẫn cần khoảng 5 tỷ USD/tháng để trang trải chi tiêu phi quân sự. Mặc cho Phương Tây đã cam kết hỗ trợ và cho Ukraine vay khoảng 30 tỷ USD trong năm nay, song nguồn này không đủ đáp ứng nhu cầu của Kiev. Hơn nữa, việc giải ngân lại chậm chạp.
Vào đầu tháng 7 qua, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, số tiền để tái thiết Ukraine lên tới 750 tỷ USD. Trong khi đó, cần biết rằng dù Nga cũng chịu nhiều thiệt hại do chiến sự, song nước này đang kiếm được nhiều tiền hơn từ hoạt động bán nhiên liệu hóa thạch so với trước khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thế nên, thiếu tiền có nguy cơ trở thành "gót chân Achilles" của Ukraine trong cuộc chiến "dài hơi" đã kéo dài hơn 6 tháng với Nga.
Một binh sĩ Ukraine ăn táo tại tuyến phòng thủ bên ngoài Kharkov ngày 3/8. Ảnh: AFP. |
Nỗ lực kiếm tiền ở trong và ngoài nước
Để có kinh phí, Bộ trưởng Tài chính Marchenko đã liên tục thúc giục phương Tây chi tiền nhanh hơn. "Sự hỗ trợ đó mang lại cơ hội chiến thắng, nhưng chúng cần đến tay chúng tôi càng sớm càng tốt. Nếu không có số tiền này, chiến sự sẽ kéo dài hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn với nền kinh tế", ông nói.
Theo giới chức Ukraine, Mỹ và Anh cũng đang thực hiện các cam kết viện trợ tài chính, song họ đồng thời cũng bày tỏ nỗi thất vọng vì việc giải ngân của EU chậm trễ do tranh cãi nội bộ giữa Đức và Ủy ban châu Âu (EC). Đến nay, Ukraine mới nhận được 1 tỷ trong số 9,2 tỷ USD cam kết của EU. Đức đã chuyển cho Ukraine 1 tỷ USD khoản tài trợ song phương cách đây 2 tháng, nhưng phản đối kế hoạch cung cấp các khoản vay lãi suất thấp của EU cho Kiev.
Rostyslav Shurma - cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine, cho biết nước này không có thời gian chờ đợi cuộc tranh luận kéo dài của EU. "Nếu chúng tôi cũng hành động chậm chạp như vậy, người Nga giờ đây đã ở biên giới Ba Lan. Vấn đề là EU không cảm thấy sức nóng của chiến tranh. Điều duy nhất họ cảm thấy là vật giá leo thang", ông Shurma nói.
Dù vậy, khó trách các lãnh đạo phương Tây, khi 'nỗi mệt mỏi mang tên Ukraine' đang dần xuất hiện, trong bối cảnh bài toán lợi ích và viện trợ ngày một đè nặng lên nơi này. Không phải vì cử tri phương Tây hối hận về việc giúp đỡ Ukraine, mà là vì họ bắt đầu nhận thấy các vấn đề khác ở trong nước vốn cần ưu tiên lại đang không được quan tâm thoả đáng.
Theo Wall Street Journal, để bù đắp thiếu hụt, chính phủ Ukraine đã phát hành trái phiếu chiến tranh cho người dân, nhưng khoản tiết kiệm của họ cũng có hạn. Nhiều người Ukraine đang phải sống bằng tiền tiết kiệm, trong đó có hàng triệu người tị nạn. Ngân hàng Quốc gia Ukraine đang tìm mọi cách bù đắp khoản thiếu hụt bằng cách in thêm tiền để trả lương cho binh sĩ và mua vũ khí, đạn dược.
Từ năm 2015, Ngân hàng Quốc gia Ukraine đã tăng cường tính độc lập về chính trị của mình và áp dụng chính sách chống lạm phát theo yêu cầu cải cách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhưng từ khi xung đột bắt đầu, ngân hàng này đứng trước 2 lựa chọn, hoặc duy trì chính sách cũ, hoặc in thêm tiền để cứu chính phủ khỏi phá sản.
"Đó là một quyết định rất đau đớn. Chúng tôi không còn cách nào khác, nếu không nền tài chính công sẽ sụp đổ", Sergiy Nikolaychuk - Phó thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine, nói.
Người dân xếp hàng bên ngoài ngân hàng để rút tiền ở trung tâm thành phố Kramatorsk ngày 11/7. Ảnh: AFP. |
Ngân hàng in thêm tiền và mua trái phiếu chính phủ, tùy vào lượng viện trợ tài chính phương Tây gửi mỗi tháng. Nhưng, điều này làm suy yếu đồng tiền quốc gia, đẩy lạm phát lên cao và dấy lên lo ngại nền kinh tế Ukraine có thể làm suy yếu năng lực quân sự trong xung đột.
Theo ông Nikolaychuk, nếu phương Tây giải ngân khoảng 3 tỷ USD/tháng, Ngân hàng Quốc gia Ukraine có thể kiểm soát được mức độ in tiền. Ngân hàng cũng thúc giục chính phủ tăng thuế và cắt chi tiêu để bảo vệ ổn định tài chính, nhưng Nikolaychuk cho rằng phương án này không khả quan.
"Đôi khi, chúng tôi có quan điểm khác với Ngân hàng Quốc gia. Chúng ta phải quan tâm tới việc giành chiến thắng. Thà chấp nhận lạm phát cao, còn hơn không thể trả lương cho binh sĩ", ông Marchenko nói. Vị Bộ trưởng Tài chính Ukraine đang cố gắng tính đường xa, khi phải tìm cách trang trải chiến phí nếu xung đột tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới.
"Đây là một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, một cuộc đua marathon, buộc bạn phải tính tới những gì sẽ xảy ra trong năm nay và năm sau", ông nhấn mạnh.