“Gen” văn hóa “giải mã” doanh nghiệp
Xu hướng - Ngày đăng : 05:00, 18/08/2022
Theo PGS-TS. Dương Thị Liễu - Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi của doanh nghiệp, chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được chia sẻ bởi các thành viên và tạo nên bản sắc riêng của doanh nghiệp.
Trong cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể hay kỹ năng quản lý. Nhưng robot không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối…
“Ngay cả trong lĩnh vực nhân tài, cũng có thể tận dụng trí tuệ và kỹ năng của những người giỏi nhất thế giới để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Nhưng duy chỉ trừ một thứ duy nhất không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Điều này cho thấy, văn hóa doanh nghiệp là bộ gen giải mã bản sắc riêng và là nguồn cội tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh nhấn mạnh.
Từ những năm 1970, khái niệm kinh doanh bền vững đã bắt đầu xuất hiện ở các nước phát triển. Ngày nay, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm đang và sẽ là hệ giá trị mới trong phát triển doanh nghiệp của thời đại mới. “Đây chính là giấy thông hành để mỗi doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam tiến sâu và xa hơn vào thị trường toàn cầu”, PGS-TS. Dương Thị Liễu nói.
Trong đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đã thực hiện tốt kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh vì cộng đồng. Các doanh nghiệp Việt, dù quy mô lớn hay nhỏ, đã đóng vai trò tích cực, chung tay cùng nhà nước và các tổ chức cộng đồng để giảm thiểu tác động của đại dịch này.
Cụ thể, đối với người lao động, cùng cả nước chống dịch, tất cả doanh nghiệp đều nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hướng dẫn người lao động tuân thủ các quy trình về sức khỏe và các quy định khác của Bộ Y tế. Nhiều cơ chế khác nhau được áp dụng như làm việc tại nhà, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, áp dụng nghỉ phép có lương, chế độ ốm đau cho người lao động cùng với các quyền lợi chăm sóc sức khỏe và các chương trình cứu trợ khác.
Nhiều doanh nghiệp dành sự ưu tiên đặc biệt tới việc chăm lo đời sống người lao động. Đối với khách hàng, người tiêu dùng, trong thời điểm dịch bệnh, khách hàng, bao gồm cả các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong cộng đồng, phụ thuộc vào các nhà sản xuất và nhà cung cấp những thứ cơ bản thiết yếu cho cuộc sống như thực phẩm, thuốc men và hàng hóa khác.
Hầu hết doanh nghiệp đã nỗ lực, tiếp tục công việc, làm việc từ nhà, tại văn phòng, trong phòng thí nghiệm, trong nhà máy hoặc một địa điểm phù hợp để đảm bảo cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh cho khách hàng theo yêu cầu.
“Chính trong bối cảnh đại dịch Covid 19 các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng đã được kích hoạt, các doanh nghiệp đã có rất nhiều hành động thiết thực có ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng xã hội”, PGS-TS. Dương Thị Liễu nói. Đứng trước cơn bão Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh vì cộng đồng, mang lại lợi ích cho xã hội thông qua các hoạt động tự nguyện của mình, một mặt, thu hút sự chú ý của xã hội, từ đó đem lại hình ảnh, uy tín cho doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển lâu dài, bền vững của doanh nghiệp.
“Đồng thời giúp doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh của thời đại mới, thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới, một nền kinh tế chuyển đổi đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà còn là giá trị và trách nhiệm”, PGS-TS. Dương Thị Liễu bày tỏ.
(Theo Diendandoanhnghiep.vn)