Mark Zuckerberg: Mạng xã hội để xây dựng mối quan hệ, không phải để "cuộn" xem nội dung

Quốc tế - Ngày đăng : 01:28, 07/09/2022

Nếu bạn ngồi đó và cuộn màn hình chỉ để xem nội dung, điều đó không hẳn là xấu nhưng nhìn chung nó không mang lại lợi ích tích cực từ mạng xã hội vốn được tạo ra để xây dựng mối quan hệ.
Mark Zuckerberg: Mạng xã hội để xây dựng mối quan hệ, không phải để

Tập trung xây dựng mối quan hệ

Có mặt với tư cách khách mời trong một chương trình podcast gần đây mang tên Joe Rogan Experience, Mark Zuckerberg - CEO Tập đoàn Meta cho biết ông nghĩ rằng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram… có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần của người dùng nhưng chủ yếu chỉ khi họ sử dụng để kết nối với người khác. "Nếu bạn ngồi đó và cuộn màn hình chỉ để xem nội dung, điều đó không hẳn là xấu nhưng nhìn chung nó không mang lại lợi ích tích cực từ mạng xã hội vốn được tạo ra để xây dựng mối quan hệ", tỷ phú công nghệ nói.

Hầu hết mọi người đều biết câu chuyện về sự ra đời của mạng xã hội Facebook ở phòng ký túc xá. Mark Zuckerberg cho biết nền tảng để tạo ra Facebook ban đầu vào năm 2004 không phải là vì mình bỏ học đại học hay do từ bỏ bất kỳ sở thích nào khác. Thay vào đó, CEO của Meta cho biết đó là do những mối quan hệ cá nhân mà ông đã tạo ra khi còn đi học.

Link bài viết

Theo Zuckerberg, giao lưu với ai tại trường đại học "là quyết định quan trọng nhất" mà một sinh viên có thể đưa ra, vì "bạn sẽ trở thành người giống như những người xung quanh bạn". Tỷ phú công nghệ nói: "Tôi cho rằng, nhìn chung nhiều người đang quá tập trung vào mục tiêu mà không đầu tư đủ nhiều cho các mối quan hệ mà họ đang gây dựng".

Vào đầu những năm 2000, Mark Zuckerberg đã gặp Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Andrew McCollum khi cả 5 người đang là sinh viên tại Đại học Harvard. Dự án khởi nghiệp của các nhà đồng sáng lập Facebook (nay đổi tên thành Meta) đã cách mạng hóa mạng xã hội và trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay. Tính tới tháng 7/2022, Meta có vốn hóa thị trường khoảng 562 tỷ USD.

Mặc dù nhóm các nhà sáng lập chia tay không mấy êm đẹp, nhưng đến nay Mark Zuckerberg cho biết vẫn giữ quan điểm ưu tiên tập trung xây dựng các mối quan hệ hơn là tập trung vào các mục tiêu. Ông áp dụng điều này cả khi tuyển dụng.

Mark cho biết, khi đánh giá một ứng viên, ông tưởng tượng sẽ thế nào nếu làm việc cùng người ấy, thay vì chỉ là ông chủ. Chiến lược để tạo ra môi trường làm việc vừa gắn kết vừa hiệu quả, theo CEO Meta là làm việc cùng những người có chung quan điểm giá trị trên bình diện con người. Như vậy, bạn sẽ có khả năng đạt được các mục tiêu trong công việc hơn. Điều quan trọng không phải là chọn bạn bè hay đối tác, mà là tìm kiếm sự phù hợp.

Mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích khi được sử dụng đúng mục đích

Theo thông tin được tiết lộ, mặc dù Mark Zuckerberg dành phần lớn thời gian của mình trên mạng xã hội, nhưng ông không lướt một cách vô thức. Đó là bởi vì Zuckerberg cho rằng mạng xã hội tốt nhất khi được sử dụng để giao tiếp.

Mark Zuckerberg cũng không phải là người duy nhất không khuyến khích việc sử dụng mạng xã hội quá mức. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng ở một số người dùng. Các chuyên gia cho rằng, điều đó chỉ xảy ra nếu người dùng đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để chỉ "cuộn" màn hình xem nội dung, thay vì tương tác với người khác.

-7612-1662522270.jpg

Việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên vào các mục đích chẳng hạn như "phản hồi nội dung mà người khác chia sẻ" hằng ngày thực sự có liên quan đến tâm lý tích cực và sức khỏe tâm thần tổng thể của người dùng, một nghiên cứu năm 2019 do các nhà khoa học của Đại học Harvard thực hiện cho thấy.

Tuy nhiên, điều ngược lại sẽ trở thành sự thật khi mọi người quá phụ thuộc vào mạng xã hội hoặc kết nối một mối quan hệ không lành mạnh. Nếu mọi người chỉ "kiểm tra ứng dụng quá mức" vì sợ bỏ lỡ điều gì đó, cảm thấy thất vọng hoặc cảm thấy mất kết nối với bạn bè thì không nên đăng nhập vào mạng xã hội, điều đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ, Mesfin Awoke Bekalu - một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu giải thích.

Trong thực tế, Mark Zuckerberg là đối tượng của rất nhiều lời chỉ trích về chủ đề này. Các nhà phê bình cho rằng, Facebook và Instagram là "chất gây nghiện" và có hại, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và trẻ em. Để đáp lại những lập luận đó, các nền tảng này đã tung ra tính năng đồng hồ đo thời gian người dùng dành cho các ứng dụng mạng xã hội, hiển thị thông báo nhắc nhở hoặc thậm chí buộc đăng xuất sau một khoảng thời gian nhất định.

Đó là lý do tại sao Mark Zuckerberg tuyên bố mục tiêu của Facebook và mô hình vũ trụ ảo metaverse trong tương lai không phải là khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn trên Internet. Thay vào đó là để làm cho thời gian của mọi người trên Internet trở nên hấp dẫn hơn và đầy tính tương tác.

Zuckerberg nói: "Tôi không nhất thiết muốn mọi người dành nhiều thời gian trên màn hình máy tính. Tôi chỉ muốn thời gian mà mọi người dành cho mạng xã hội trở nên tốt hơn".

Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên trong đại dịch Covid-19

Theo một báo cáo được công bố vào năm 2021 bởi Common Sense Media về tác động của mạng xã hội đối với thanh thiếu niên, khoảng một nửa trong số 1.500 thanh thiếu niên được khảo sát cho biết mạng xã hội rất quan trọng đối với họ để nhận được hỗ trợ và lời khuyên, cảm thấy bớt cô đơn và thể hiện bản thân một cách sáng tạo, cũng như để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội. 43% nói rằng sử dụng mạng xã hội giúp họ cảm thấy tốt hơn khi bị trầm cảm, căng thẳng hoặc lo lắng.

Mặt khác, báo cáo cũng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mạng xã hội và thanh thiếu niên cảm thấy chán nản. Thanh thiếu niên có các triệu chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng cho biết họ sử dụng mạng xã hội gần như liên tục cao gấp đôi: 1/3 thanh thiếu niên bị trầm cảm cho biết thường xuyên sử dụng mạng xã hội, so với 18% thanh thiếu niên không có triệu chứng trầm cảm. Hơn nữa, các triệu chứng của họ càng nghiêm trọng, càng cảm thấy lo lắng, cô đơn và trầm cảm sau khi sử dụng mạng xã hội. Rõ ràng, mạng xã hội không giúp ích gì cho những thanh thiếu niên đang cảm thấy chán nản và dường như góp phần vào cách nhìn tiêu cực của họ.

HT