Chiến sự Nga - Ukraine khó kết thúc trong năm nay
Quốc tế - Ngày đăng : 03:38, 08/09/2022
"Có nhiều lý do để tin chiến sự sẽ không kết thúc vào bất cứ thời điểm nào trong năm nay", Đại tướng Valeriy Zaluzhnyi - Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine và Trung tướng Mykhailo Zabrodskyi - Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo của Quốc hội Ukraine, nhận xét hôm 7/9/2022.
Đề cập tới thách thức quân sự trước mắt của Ukraine, ông Zaluzhnyi và Zabrodskyi cho rằng "đây sẽ là cuộc xung đột kéo dài, gây thiệt hại lớn về người và của mà không đưa tới kết quả cuối cùng rõ ràng". Đồng thời, họ cũng cảnh báo lực lượng Nga vẫn có thể dễ dàng kiểm soát tỉnh Donetsk, các thành phố Mykolaiv và Odessa, thậm chí cả Kiev.
Lính cứu hỏa Ukraine nỗ lực dập tắt đám cháy tại tòa nhà bị phá hủy ở TP Slovyansk, vùng Donetsk, miền đông Ukraine, vào ngày 7-9 - Ảnh: Reuters |
Chưa thấy lối thoát cho xung đột
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đầu tuần này khẳng định nước này muốn kết thúc chiến sự càng sớm càng tốt. "Chúng tôi hiểu rằng thời gian sẽ đứng về phía Nga. Do đó, chúng tôi, cùng với các đồng minh và đối tác của mình, cần cố gắng hết sức để chấm dứt cuộc chiến này càng sớm càng tốt", ông Shmyhal trả lời phỏng vấn của Bloomberg tại Brussels (Bỉ).
Trên thực tế, khi phát biểu trước các lãnh đạo G7 vào ngày 27/6/2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng khẳng định chiến sự phải kết thúc vào cuối năm nay, nói rằng quân đội Ukraine sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi kháng cự Nga trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt.
Do đó, ông Zelensky thúc giục G7 nỗ lực hết sức để chấm dứt xung đột vào cuối năm 2022, cũng như yêu cầu được cung cấp các hệ thống phòng không và đảm bảo an ninh. Theo tờ Politico, mùa đông và thời tiết xấu sẽ bất lợi cho hoạt động quân sự của Ukraine. Ngoài ra, khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng phi mã ở châu Âu khi mùa đông đến có nguy cơ làm giảm hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine.
Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, giới quan sát vẫn chưa thấy lối thoát sớm cho chiến sự Nga - Ukraine. Theo cựu Đại diện đặc biệt của Mỹ về Ukraine Kurt Walker, cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước sẽ tiếp tục kéo dài cho đến mùa xuân năm 2023 hoặc thậm chí là mùa hè. Walker cảnh báo, cả Ukraine, châu Âu lẫn Nga nên chuẩn bị tinh thần cho một mùa đông khó khăn phía trước, bởi chiến sự có thể sẽ tiếp diễn và một cuộc khủng hoảng năng lượng đang rình rập,
Kurt Walker - cựu Đại diện đặc biệt của Mỹ về Ukraine, cho rằng chiến sự Nga - Ukraine có thể kéo dài cho đến mùa xuân năm 2023 hoặc thậm chí là mùa hè. |
Về phần mình, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trung tuần tháng 7 tuyên bố: "Chắc chắn chiến dịch quân sự đặc biệt này sẽ kết thúc sau khi đạt được các mục tiêu đề ra. Chúng tôi không ấn định khung thời gian rõ ràng, mà điều quan trọng nhất là hiệu quả của chiến dịch".
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/8 qua đã ký sắc lệnh tăng quân số lực lượng vũ trang Nga thêm 137.000 người, nâng tổng quân số quân đội Nga lên 1.150.628 người. Theo sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 này, tổng quân số của các lực lượng vũ trang Nga sẽ là 2.039.758, với 1.150.628 là binh lính. Dù Nga không công bố số liệu cập nhật về tổn thất liên quan đến chiến sự ở Ukraine, nhưng với sắc lệnh trên, ông Putin rõ ràng phát đi thông điệp rằng Nga không có kế hoạch rút lui.
Điểm cốt lõi, nói như Dara Massicot - nhà nghiên cứu chính sách cấp cao từ tổ chức tư vấn RAND Corporation (Mỹ), thì: "Đây không phải động thái bạn thực hiện khi tin có thể nhanh chóng kết thúc chiến dịch quân sự. Đây là điều bạn làm khi lên kế hoạch cho một cuộc chiến kéo dài".
Bước ngoặt của chiến sự khi nào đến?
Theo Đại tướng Valeriy Zaluzhnyi và Trung tướng Mykhailo Zabrodskyi của Ukraine, bước ngoặt của chiến sự sẽ chỉ diễn ra khi Ukraine nâng được tầm bắn của các hệ thống vũ khí, giúp cân bằng hỏa lực với Nga và đẩy lùi trọng tâm tác chiến của đối thủ. Đây là lý do Zaluzhnyi và Zabrodskyi cho rằng Ukraine cần thêm vũ khí tầm xa để đối đầu với Nga.
"Nếu Ukraine nhận được vũ khí thích hợp, triển vọng chiến dịch và chiến lược năm 2023 sẽ khác. Mối đe dọa từ việc quân đội Ukraine sử dụng các vũ khí có uy lực cao và tầm bắn thích hợp sẽ buộc Nga phải xem xét lại bản chất, diễn biến và kết quả của cuộc đối đầu", hai vị tướng đánh giá.
Dẫn chứng các cuộc tập kích vào căn cứ Nga tại Crimea, họ nói: "Điều này được thực hiện bằng các vụ tập kích tên lửa thành công vào căn cứ không quân của đối phương ở Crimea, trước hết là sân bay Saki. Nhiệm vụ của quân đội Ukraine năm 2023 là tiến hành các cuộc tập kích sắc bén hơn, gây thiệt hại hữu hình hơn với Nga, cũng như các khu vực khác họ kiểm soát, bất chấp khoảng cách rất lớn".
CNN dẫn lời ông Zaluzhnyi và Zabrodskyi cho rằng việc tiếp nhận vũ khí uy lực hơn từ đồng minh nước ngoài chỉ có thể là giải pháp chuyển tiếp và Ukraine phải thúc đẩy năng lực sản xuất quốc phòng trong nước.
Theo hai vị tướng Ukraine, từ khi chiến sự với Nga bắt đầu, có 2 yếu tố cản trở Ukraine nhận vũ khí từ các đồng minh là "quan niệm sai lầm về quy mô của chiến sự" và "nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một số trường hợp nhất định", đe dọa toàn bộ châu Âu.
Chiến sự càng kéo dài, tình hình càng bất lợi cho ông Zelensky nói riêng và Ukraine nói chung. Ảnh: Reuters |
Hơn nữa, mùa đông sắp tới cũng sẽ là phép thử đối với sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine, góp phần tạo ra bước ngoặt của chiến sự. Bên cạnh chi phí kinh tế và quân sự, thời tiết khắc nghiệt trong vài tháng tới sẽ buộc người dân và chính phủ châu Âu lựa chọn giữa thực phẩm và năng lượng sưởi ấm, mà nguyên nhân là chi phí sinh hoạt ngày một tăng.
Bên cạnh đó, việc dân số ở các nước châu Âu tăng đáng kể sau khi tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn Ukraine cũng khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn. Và, bản thân các quan chức cũng lo ngại rằng chiến lược trang bị vũ khí cho Ukraine của phương Tây đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn: một cuộc chiến không có điểm kết thúc rõ ràng, thêm một yếu tố khiến phương Tây nản lòng.
Theo các nguồn tin của CNN, giới chức phương Tây lo ngại rằng vào một thời điểm nào đó, các lãnh đạo sẽ nhận thấy một thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine là điều tốt nhất, và sẽ quay lưng với Ukraine, vốn nhiều lần thể hiện mong muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ.
"Ở một số nơi, ngày càng có nhiều lo ngại rằng nếu Ukraine thất thế trước Nga, điều này có thể thúc đẩy phương Tây tăng sức ép buộc Kiev thương lượng với Moscow", Theresa Fallon - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga-Âu-Á, nói với CNN.