Các nước "ráo riết" tìm thủ phạm vụ rò rỉ đường ống Nord Stream
Quốc tế - Ngày đăng : 06:30, 29/09/2022
Theo AFP, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 được phát hiện có 3 vị trí rò rỉ khí đốt vào ngày 26/9/2022, gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Các hình ảnh do quân đội Đan Mạch chụp cho thấy những đám bọt khí có đường kính 200-1.000 m nổi lên mặt nước, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này và Thụy Điển.
Sau các thông báo về vụ rò rỉ và dấu hiệu về những vụ nổ lớn dưới lòng biển được Mạng lưới Địa chấn Quốc gia Thụy Điển ghi nhận, nhiều ý kiến cho rằng đây là hậu quả của hành vi phá hoại. Đức, Đan Mạch lẫn Thụy Điển đều nhận định 2 đường ống hư hại là do hành vi cố ý phá hoại, nhưng không nói họ nghi ngờ thủ phạm là ai.
"Có một số đồn đoán rằng đây là hành động cố tình phá hoại", một nguồn tin an ninh châu Âu nói, nhưng lưu ý còn quá sớm để đưa ra kết luận. "Bạn phải đặt câu hỏi: Ai sẽ hưởng lợi?".
Vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Đồ họa: DW. |
Nga mở cuộc điều tra về "chủ nghĩa khủng bố quốc tế"
Phía Nga ngày 28/9/2022 nói các cáo buộc nước này đứng sau vụ rò rỉ Nord Stream là "ngớ ngẩn". Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, vụ rò rỉ là vấn đề lớn đối với Nga. Theo ông, mọi người "suy nghĩ trước khi đưa ra tuyên bố" và chờ kết quả điều tra, đồng thời kêu gọi các bên đối thoại cùng tương tác nhanh chóng để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.
Dẫn thông tin từ Văn phòng Tổng công tố Nga, Reuters cho biết Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã mở cuộc điều tra về "chủ nghĩa khủng bố quốc tế" sau khi ghi nhận "các hành động cố ý gây hư hại đường ống dẫn khí đốt gần đảo Bornholm... gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho Moskva".
Bên cạnh đó, phía Nga nói rằng Tổng thống Joe Biden phải trả lời liệu Mỹ có đứng sau vụ rò rỉ Nord Stream hay không, đề cập cảnh báo của Washington hồi đầu năm.
"Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/2 nói đường ống Nord Stream 2 sẽ bị chấm dứt nếu Nga tấn công Ukraine. Ông ấy có trách nhiệm trả lời câu hỏi rằng Mỹ có thực hiện lời đe dọa này hay không. Mỹ đã thể hiện ý định và cam kết đi kèm. Họ phải có trách nhiệm với lời nói của mình, châu Âu cần được biết sự thật", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm 28/9.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson sau đó nói yêu cầu của Nga là "lố bịch" và cáo buộc Moskva tung tin giả. Quan chức Mỹ giấu tên cho rằng phát biểu của Tổng thống Biden có nghĩa là Nord Stream 2 sẽ không đi vào hoạt động và "ông ấy đã đúng vì Đức đình chỉ dự án này".
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp về sự cố rò rỉ Nord Stream vào ngày mai, theo yêu cầu từ Nga, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết.
Tàu chuyên dụng tiến hành đặt đường ống cho dự án Nord Stream 2 ở biển Baltic hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters. |
Những tranh cãi về thủ phạm
Nhiều nước khẳng định có hành vi phá hoại trong vụ rò rỉ, nhưng thủ phạm vẫn còn gây tranh cãi. Anders Puck Nielsen - nhà nghiên cứu từ Trung tâm Hoạt động Hàng hải thuộc Đại học Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch, đặt nghi vấn khi các vụ rò rỉ liên tiếp xảy ra vào thời điểm Na Uy khánh thành đường ống Baltic Pipe chuyển khí đốt của nước này đến Ba Lan qua Đan Mạch.
"Có lẽ ai đấy muốn gửi thông điệp rằng điều gì đó cũng có thể xảy ra với đường ống khí đốt của Na Uy", ông nói. Theo Nielsen, sự cố rò rỉ có thể gây xáo trộn thị trường khí đốt châu Âu và đẩy giá năng lượng lên cao. Ông cho rằng bên nhiều khả năng hưởng lợi từ sự việc là Nga - nước đang tìm cách dùng khí đốt để tăng áp lực với phương Tây.
Tuy nhiên, Shen Yi - Giáo sư tại Trường Quốc tế và Quan hệ Công chúng thuộc Đại học Phục Đán, Trung Quốc, không đồng tình với nhận định này. Theo ông, nếu muốn cắt nguồn khí đốt tới châu Âu, Nga chỉ cần đóng van là được, thay vì "thổi tung" đường ống của chính mình, bởi Moskva đang có lợi thế trong xử lý khủng hoảng năng lượng.
"Về mặt kỹ thuật, việc Nga tự phá hoại đường ống mà họ đã tham gia đầu tư, xây dựng ở biển Baltic là không hợp lý", ông nói.
Còn theo Lion Hirth - Giáo sư chính sách năng lượng tại Trường Hertie ở Berlin, rất khó để tiếp cận các đường ống ở độ sâu 70m dưới đáy biển.
"Làm hỏng 2 đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển đòi hỏi nỗ lực rất lớn, nên nó chỉ có thể là hành động của một nhà nước", ông nói, loại trừ khả năng đây là 1 vụ khủng bố hay tấn công tội phạm đơn lẻ.
Đối với một quân đội hiện đại, khu vực này "lý tưởng cho việc triển khai tàu ngầm mini", một quan chức quân sự cấp cao của Pháp nói với AFP. Thợ lặn cũng có thể được điều xuống đáy biển để đặt chất nổ, hoặc thủy lôi tự hành hay thiết bị không người lái từ tàu ngầm cũng có thể thực hiện việc tương tự.
Theo một số chuyên gia Trung Quốc khác, trong vụ rò rỉ Nord Stream, Mỹ mới là bên hưởng lợi. Washington có thể đạt 3 mục tiêu: làm suy yếu ngành xuất khẩu năng lượng Nga để gây áp lực lên nền kinh tế nước này, hạn chế nguồn cung năng lượng tới châu Âu, khiến họ phải mua nhiều nhiên liệu hơn từ Mỹ với giá cao hơn và kiểm soát chặt chẽ nguồn cung năng lượng huyết mạch của các nước châu Âu.
Hiện, các nhà phân tích chỉ thống nhất một điểm rằng cuộc tấn công nhằm vào Nord Stream có liên quan đến xung đột Ukraine. Một điều chắc chắn nữa là các đường ống bị hư hỏng sẽ làm tăng thêm áp lực lên nền kinh tế châu Âu, vốn đã rất khát khí đốt để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga.
Khí đốt rò rỉ từ đường ống Nord Stream 2 ngoài khơi Đan Mạch hôm 27/9. |
Nord Stream 1 và 2 gần đây trở thành tâm điểm trong căng thẳng địa chính trị, khi châu Âu tố Nga cắt nguồn cung khí đốt để vũ khí hóa năng lượng, còn Moskva nói rằng các lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến họ không thể đảm bảo nguồn cung. Là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, Nord Stream 1 dừng hoạt động hoàn toàn từ đầu tháng 9, khi tập đoàn Gazprom của Nga không thể mở lại sau bảo trì vì sự cố kỹ thuật. Trong khi đó, phía Berlin đã hoãn vô thời hạn cấp phép cho Nord Stream 2 trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine 2 ngày. |