Mối nguy lớn hơn việc Nga bị áp trần giá dầu

Quốc tế - Ngày đăng : 03:00, 06/12/2022

Trần giá dầu 60 USD/thùng không thực sự gây ảnh hưởng đáng kể đến Nga. Mối nguy lớn hơn nước này đang đối mặt đến từ tình trạng thiếu hụt nhân công lan rộng.
Mối nguy lớn hơn việc Nga bị áp trần giá dầu

Trên thực tế, động thái áp trần giá dầu phương Tây áp lên Nga mang nhiều ý nghĩa tượng trưng hơn trừng phạt thực tế và hiệu quả. Ảnh: WSJ

Liên minh châu Âu (EU) cùng các nước G7 đã áp giá trần với dầu thô vận chuyển đường biển của Nga, nhằm hạn chế lợi nhuận của nước này từ hoạt động xuất khẩu. Mức trần 60 USD/thùng cũng là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ 5/12/2022 của EU, ngăn các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô dầu Nga bán với giá cao hơn mức đã định.

Theo Điều phối viên chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, 60 USD/thùng là mức giá "phù hợp" và có thể đạt mục tiêu "cân bằng cung cầu song cũng hạn chế khả năng thu lợi của Nga".

Áp trần giá dầu: Đòn trừng phạt tượng trưng

Dù dầu Nga vận chuyển bằng đường biển chiếm 2/3 lượng nhập khẩu mặt hàng này của EU, việc áp giá trần không thực sự gây ảnh hưởng lớn đến Nga. Giá dầu hiện hơn 80 USD/thùng, nhưng vì Nga bán với chiết khấu 20-30%, nên giá thực tế khoảng 60 USD/thùng.

Bên cạnh đó, cuối tháng 11/2022, Hạ viện Nga đã thông qua ngân sách 2022-2025 với giả định giá dầu 70 USD/thùng cho năm 2022 giảm còn 65 USD/thùng vào năm 2025. Do đó, giá trần của EU sẽ hạn chế lợi nhuận của Nga, nhưng con số đó không đáng kể.

"Con số 60 USD, ở điều kiện thị trường hiện tại, sẽ không gây hại cho Nga. Nó chủ yếu chỉ đáp ứng mong muốn của Mỹ là ngăn giá dầu tiếp tục tăng", Simone Tagliapietra - chuyên gia năng lượng từ viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ), nói. 

Link bài viết

Ông Tagliapietra cho rằng, nếu mức trần xuống 50 USD/thùng, nguồn thu của Nga mới bị hạn chế. Chính phủ Nga cũng sẽ khó cân bằng ngân sách nhà nước do Nga cần giá dầu trong khoảng 60-70 USD/thùng.

Còn theo Robin Brooks - kinh tế trưởng Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, mức trần 30 USD/thùng mới có thể "gây khủng hoảng tài chính với Nga".

Hơn nữa, Nga nhiều lần cảnh báo sẽ không bán dầu cho nước nào áp giá trần. Và, hậu quả của việc này với các khách hàng phương Tây sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Ngoài ra, cần biết rằng OPEC+ trong cuộc họp cách đây 2 ngày đã nhất trí giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (lượng Nga xuất sang châu Âu) từ tháng 11/2022 đến cuối năm 2023 như thỏa thuận ban đầu vào tháng 10.

Chưa kể, Nga và các bên mua dầu vẫn có cách né trừng phạt. Nước này có thể tăng các khoản thanh toán khác, như trả cao hơn cho Nga khi nhập lúa mỳ hay mặt hàng không bị trừng phạt, hoặc bán dầu thô theo giá trần, rồi xử lý hay tinh chế dầu bên ngoài lãnh thổ rồi bán lại với giá cao hơn. Theo hướng dẫn từ Bộ Tài chính Mỹ, nguồn dầu xử lý theo cách này không phải chịu lệnh trừng phạt.

Mối nguy lớn hơn từ tình trạng nhân công

Hai tháng sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh động viên một phần vào cuối tháng 9/2022, tình trạng thiếu hụt nhân công kỷ lục đang nhanh chóng lan khắp nước Nga - nơi gặp khó khăn do dân số già đi và bị thu hẹp. Một nghiên cứu từ Viện Gaidar ở Moskva hồi tháng 11 cho biết, tới 1/3 ngành công nghiệp Nga có thể sẽ đối mặt với tình trạng thâm hụt nhân lực do lệnh tuyển quân.

-1346-1670307434.jpg

Tình trạng thiếu hụt lao động sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ. Trong đó, nhân viên cổ cồn xanh là lực lượng đặc biệt cần thiết sau lệnh động viên quân của Nga vào tháng 9/2022. Ảnh: Bloomberg/HeadHunter

Irina Khmelevskaya - Trưởng bộ phận tuyển dụng ở Agrokomplex, một công ty nông nghiệp lớn ở miền Nam nước Nga, cho biết cô đang phải vật lộn để tìm công nhân lái máy kéo và các công nhân khác, cũng như chuyên gia trong các lĩnh vực như nông học mà vốn từ lâu đã khó tìm. Theo Khmelevskaya, lệnh huy động quân là một phần nguyên nhân cho việc này.

Việc huy động 300.000 quân dự bị, cùng làn sóng di cư thậm chí còn lớn hơn mà nó gây ra, sẽ làm giảm 2% lực lượng lao động nam ở Nga. Đây là một trong các lý do lớn khiến Bloomberg Economics dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Nga chỉ ở 0,5% - một nửa so với mức trước chiến sự.

Tại Novosibirsk - thành phố đông dân nhất Siberia, giới chức cho biết phải "cố lắm" mới có thể bố trí 50% số nhân viên cần thiết để dọn tuyết trên đường phố, khi rất nhiều người lao động thời vụ từ nông thôn đã bị động viên.

Theo một khảo sát, 1/3 công ty đã mất một số nhân viên vì lệnh tuyển quân và gần 1/5 nói họ chưa tìm được người thay thế. Trong số các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng, đại đa số gặp tình trạng thiếu lao động có trình độ và dự báo việc này sẽ trở nên tồi tệ hơn trong các quý tới.

HeadHunter Group - công ty cung cấp nền tảng tìm kiếm việc làm trực tuyến lớn nhất Nga, nói hồ sơ xin việc của công dân Nga tràn ngập các nước hậu Xô Viết và Thổ Nhĩ Kỳ sau đợt gọi nhập ngũ. Trong đó, chuyên gia công nghệ thông tin chiếm 20%.

-2688-1670307434.jpg

Ngày càng nhiều công dân Nga tìm việc tại các nước láng giềng, và số đơn xin việc tăng mạnh vào tháng 10/2022. Trong đó, Kazakhstan là nước có số đơn xin việc từ công dân Nga tăng hơn 80%. Ảnh: Bloomberg/HeadHunter

Theo số liệu chính thức công bố tuần trước, dòng người di cư vẫn đang tiếp tục kể từ đầu năm, với số người rời Nga 9 tháng đầu 2022 tăng gấp đôi, và tăng hơn 323.000 người.

Tình trạng thiếu lao động có thể trở thành lỗ hổng lớn trong bối cảnh nền kinh tế Nga đứng trước nguy cơ suy thoái có thể kéo dài sang năm tới, đặc biệt khi các bộ phận khác của phải chịu áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Gần 50% công ty được Viện Gaidar khảo sát nói tình trạng thiếu nhân viên sẽ khiến họ không thể tăng sản lượng cả khi có đủ nhu cầu.

Evgeny Kogan - Giáo sư tại Trường Kinh tế Đại học Moskva, bình luận: "Nỗi sợ và sự không chắc chắn gây ra tình trạng dòng vốn và chất xám chảy khỏi đất nước rất nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhiều lĩnh vực. Nếu tiềm năng phát triển to lớn này ở bên ngoài đất nước, nó sẽ dẫn đến sự suy giảm lớn trong tương lai của nền kinh tế".

Khởi Vũ