Kỳ vọng từ bước ngoặt Trung Quốc nới lỏng Zero Covid
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 08/12/2022
Bước ngoặtsau 3 năm
"Người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể cách ly tại nhà, đồng thời tăng cường theo dõi sức khỏe và có thể chuyển tới bệnh viện được chỉ định để điều trị kịp thời trong trường hợp trở nặng", Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo trong chỉ thị ngày 7/12/2022.
Theo TheGuardian, chỉ thị trên có hiệu lực toàn quốc và các ca mắc Covid-19 không triệu chứng sẽ cách ly tại nhà 7 ngày, thay vì phải tới nơi điều trị tập trung. Người tiếp xúc gần được cách ly tại nhà trong 5 ngày. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng sử dụng bộ test nhanh thay cho xét nghiệm PCR - phương pháp giờ sẽ chỉ thực hiện với người ở khu vực có nguy cơ cao và người tự nguyện thực hiện.
NHC cũng yêu cầu giới chức các cấp ngừng tùy tiện áp lệnh phong tỏa tạm thời, chấm dứt yêu cầu về xét nghiệm và mã y tế với người đi lại giữa các tỉnh. Theo đó, người dân sẽ không còn phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc mã y tế để vào các nơi công cộng hoặc phương tiện giao thông, trừ phi vào bệnh viện, trường học hay nhà dưỡng lão.
Người dân xếp hàng tại điểm xét nghiệm Covid-19 ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc ngày 7/8. Ảnh: AFP. |
Hơn 3 năm kể từ khi phát hiện trường hợp ca Covid-19 đầu tiên tại Vũ Hán, chỉ thị nói trên từ NHC là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu nới lỏng chính sách Zero Covid. Trước đó, Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan - người lãnh đạo công tác ứng phó dịch bệnh của Trung Quốc 3 năm qua, ngày 30/11/2022 đã ra thông báo mới về việc thay đổi chính sách chống dịch của nước này.
Trong bối cảnh khả năng lây lan của virus suy yếu và việc tiêm chủng phổ biến hơn, bà Lan cho biết chính sách chống dịch của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới. Theo SCMP, điểm nổi bật là thông báo của bà không đề cập đến "chính sách Zero Covid linh động" - một nội dung cố định trong các báo cáo chính thức về dịch bệnh trong năm qua.
Mở đường cho sự phục hồi
Theo ông Zhiwei Zhang - kinh tế trưởng tại Công ty Quản lý Tài sản Pinpoint (Hồng Kông), "sự thay đổi chính sách của Trung Quốc trong công tác chống dịch là một bước tiến lớn". "Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tái mở cửa hoàn toàn biên giới trước giữa năm 2023", ông Zhang nói.
Trên thực tế, giới chuyên gia từ lâu đã xem việc bỏ các biện pháp phòng Covid-19 nghiêm ngặt là chìa khoá để nền kinh tế số hai thế giới phục hồi hoàn toàn. Do đó, việc Bắc Kinh nới lỏng Zero Covid là điều mà cả người dân nước này lẫn cộng đồng quốc tế mong đợi.
Tuy nhiên, đây không phải chiếc đũa thần hóa giải tất cả khó khăn mà nền kinh tế này đang đối mặt. Các nhà phân tích cho rằng, dù Bắc Kinh đã đạt một số bước tiến trong việc tái mở cửa, con đường phục hồi sẽ diễn ra chậm chạp và gian nan khi số ca nhiễm tăng cao trong vài tháng tới.
Trao đổi với SCMP, ông Lu Ting - kinh tế trưởng của Nomura về thị trường Trung Quốc, nhận định: "Chúng tôi e rằng con đường để Trung Quốc tiến tới 'sống chung với virus' vẫn sẽ diễn ra chậm chạp, tốn kém và gập ghềnh". Theo đó, Goldman Sachs và UBS dự báo GDP Trung Quốc tăng khoảng 4,5% năm 2023, trong khi Morgan Stanley dự báo 5%, còn Nomura thận trọng hơn với 4%.
Kỳ vọng với Việt Nam và thế giới
Với tư cách là nước nhập khẩu (XNK) hàng đầu của Việt Nam, việc Trung Quốc tái mở cửa có thể giúp cải thiện một phần tình trạng tăng trưởng xuất nhập khẩu đang chậm dần của Việt Nam. Trong đó, nhóm ngành tiêu dùng, lương thực, chăn nuôi có thể hưởng lợi nhờ xu hướng giảm của chi phí vận chuyển khi việc tắc nghẽn tại các cảng Trung Quốc được giải quyết.
Ngoài ra, doanh nghiệp có doanh thu xuất sang Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể khi nhu cầu tăng lại, đặc biệt là nhóm xuất khẩu lúa gạo khi đây là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 Việt Nam, với 14% thị phần về giá trị trong 9 tháng 2022.
Các "đại gia" hàng không cũng sẽ hưởng lợi, do các đường bay quốc tế phục hồi bởi Trung Quốc là thị trường hàng không lớn nhất đến Việt Nam. Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán BSC, sản lượng du khách từ Trung Quốc hiện chiếm 32% tổng lượng khách quốc tế trước dịch.
Bên cạnh đó, bước ngoặt nới lỏng Zero Covid cũng có tác động tích cực với ngành cá tra của Việt Nam, do Trung Quốc luôn thuộc nhóm thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất và việc tiêu dùng bị thắt chặt trong gần 3 năm qua khiến nhu cầu bị kiềm nén trong khi tồn kho ở mức thấp.
Đối với thị trường thế giới, các thông tin về việc Trung Quốc tiến tới mở cửa lại đều có thể khiến giá dầu tăng.
Với kịch bản Trung Quốc sớm tái mở cửa, Goldman Sachs dự báo điều này có thể khiến mục tiêu của giá dầu là 116 USD/thùng và việc mở lại toàn bộ quốc tế sẽ đưa mục tiêu giá dầu lên 125 USD/thùng trong năm 2023.
"Chúng tôi tin rằng, các câu chuyện kỳ vọng mở cửa gần đây của Trung Quốc đơn giản là đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn chuẩn bị nhiều tháng cho việc mở cửa lại. Họ đã duy trì trường hợp cơ sở hiện tại là mở cửa lại vào quý II/2023 sau khi mùa cúm mùa đông trôi qua", các chiến lược gia tại Goldman Sachs nói.
Ngoài ra, sự suy yếu của đồng USD có khả năng xảy ra nếu Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế hoàn toàn, điều này có thể thúc đẩy giá dầu vì sức mạnh hàng năm của đồng bạc xanh đã đóng vai trò như một cơn gió chướng với giá hàng hóa.