Việt Nam phấn đấu có 10 tuyến cáp quang biển từ năm 2025

Công nghệ - Ngày đăng : 00:31, 12/02/2023

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển, nâng tổng số tuyến cáp quang biển lên khoảng 10 tuyến, đồng thời sẽ có những tuyến do nước ta làm chủ.
Việt Nam phấn đấu có 10 tuyến cáp quang biển từ năm 2025

Hiện nay, Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển, gồm AAG, APG, IA, SMW-3 và AI. Theo quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển mới, đến năm 2030 thêm 4-6 tuyến. Gần nhất trong năm 2023 sẽ có thêm 2 tuyến cáp quang biển mới đưa vào sử dụng là SJC 2 và ADC cập bờ tại trạm Quy Nhơn (Bình Định), do Viettel và VNPT tham gia phát triển.

Bên cạnh việc tham gia vào liên minh xây dựng các tuyến cáp quang biển, Việt Nam hướng tới việc thúc đẩy nhanh thêm các tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối đi quốc tế. Từ đó, bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam, trong bất kỳ phương án nào (có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài), doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bảo đảm giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới.

Sau gần 30 năm kết nối Internet, Việt Nam hiện có hơn 72 triệu người dùng mạng, đạt tỷ lệ hơn 73% dân số và đứng thứ 12 trên thế giới về số lượng người sử dụng mạng. Internet Việt Nam đang kết nối với thế giới qua ba con đường chính là cáp quang biển, cáp đất liền và vệ tinh, trong đó các đường cáp quang biển thường chịu tải đến 99% lưu lượng xuyên lục địa. 

Link bài viết

Những năm gần đây, các tuyến cáp quang biển quốc tế của Việt Nam thường xuyên gặp sự cố với tần suất khoảng 10 lần/năm. Tuy nhiên, ngay trong tháng đầu của năm 2023, có tới 4/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam cùng lúc bị sự cố. Tình trạng hy hữu này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng truy cập internet trong nước đi quốc tế, nhất là ở những khung giờ cao điểm, nhu cầu người dùng tăng đột biến. Khi tuyến cáp quang biển gặp sự cố, nhà mạng đã phải thực hiện các phương án ứng cứu như cân bằng tải, tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, điều tiết dung lượng và bổ sung tài nguyên qua hệ thống cáp trên đất liền... 

Việc các tuyến cáp quang biển của Việt Nam gần đây gặp sự cố một phần hoặc toàn phần là sự cố nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Internet Việt Nam đi quốc tế, trong đó các dịch vụ quan trọng như Gmail, YouTube, Facebook. Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sự cố cáp quang biển lần này khiến 75% dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế qua cáp quang biển bị ảnh hưởng ở thời điểm nghiêm trọng nhất.

Theo Cục Viễn thông, tất cả doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi sự cố này, không riêng gì Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực châu Á cũng đều bị ảnh hưởng. Sự cố lần này khá đặc biệt. Trong 4 tuyến này, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 vẫn còn 1 phần đang hoạt động. Thời điểm hiện tại, còn tuyến SMW-3 đi Hồng Kông và Singapore vẫn đảm bảo kết nối 100%, tuyến AAE-1 đi Singapore đảm bảo 100% và tuyến IA đi Hồng Kông đảm bảo 100%.

Theo kế hoạch được ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế công bố, lỗi trên nhánh S6 của cáp quang APG sẽ được sửa chữa từ ngày 22-27/3/2023. Lỗi trên nhánh S9 của tuyến cáp này dự kiến được sửa chữa từ 5 đến 9/4. Cáp quang AAG dự kiến lịch sửa chữa từ ngày 30/3 và kết thúc vào ngày 4/4. Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa từ ngày 5/4 - 13/4/2023.

HT