Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất từ doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần vốn và chính sách
Trong nước - Ngày đăng : 03:44, 17/02/2023
Từ những con số
Tại hội nghị, Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan đã chia sẻ, năm 2022, GRDP đã đạt 9,03% cao hơn chỉ tiêu thành phố đặt ra là 6-6,5% và cao hơn GRDP trung bình cả nước là 6%. Cùng với đó những chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm an sinh xã hội đều đạt hiệu quả cao. Để có thể đạt được hiệu quả này, thành phố ghi nhận sự tham gia đồng bộ, nhịp nhàng có trách nhiệm của các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.
Thế nhưng từ cuối năm 2022 tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thông tin không khả quan đã được gửi đến chính quyền thành phố, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp tháo gỡ, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng của TP.HCM.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) cho biết, từ quý IV/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó. Về lực lượng lao động, một số doanh nghiệp đang cho người lao động làm việc thay phiên hoặc nghỉ tết dài ngày. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ.
Bên cạnh đó, khảo sát của HUBA cũng chỉ ra rằng, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% của quý này.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý IV/2022 và quý I/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35-50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất từ cuối năm 2022.
Cũng theo ông Hòa, hiện có một số ngành đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Trước hết là ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI). Thực tế ghi nhận cho thấy, chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.
Đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Hiện thị trường này đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng và có khả năng kéo dài…. Sự ngưng trệ của thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan, chẳng hạng như ngành vật liệu xây dựng. Hiện giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội.
Ngoài ra, do biến động trái phiếu và việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế thiếu tính thanh khoản; nhà đầu tư có dấu hiệu bị suy giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm. Chính sách điều hành và kiểm soát rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mang tính “giật cục”. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.
Thực tế tồn động, HUBA kiến nghị
Tại hội nghị, ông Hòa đã thay mặt các doanh nghiệp thành phố đã gửi đến thành phố nhiều kiến nghị cần thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, về chính sách của nhà nước, cần hỗ trợ vốn, tín dụng. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay. Ngoài ra, nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Với thị trường trái phiếu và tài chính, kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Theo đó các trái phiếu của tài sản đảm bảo và có kỳ hạn 1 năm trở xuống được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm trở lên được gia hạn 18 tháng. Do niềm tin của các trái chủ bị lung lay nên kiến nghị nhà nước cần ban hành chính sách trên giúp ổn định thị trường tài chính.
Cùng với đó, về chính sách hỗ trợ về thuế, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện miễn giảm và gia hạn nộp thuế đối với thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất. Tuy nhiên, chưa thực hiện ưu đãi thuế TNCN đối với người làm công ăn lương, là những cá nhân và gia đình ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19 vừa qua... Vì vậy, việc miễn giảm thuế TNCN trong năm 2023 là cần thiết.
Đồng thời, để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Các loại thuế khác (thuế thu nhập doanh nghiệp tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn doanh nghiệp và khuyến khích phát triển kinh tế trong thị trường cạnh tranh quốc tế khó khăn hiện nay. Chính phủ cần thực hiện luật thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu sửa đổi một cách triệt để. Không để tình trạng nhập nguyên thiết bị máy móc thì thuế nhập khẩu 0%-10% hoặc miễn thuế, trong khi chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng thì có thuế nhập khẩu lên đến 15% như hiện nay. Ngoài ra, nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển.
Doanh nghiệp có nguy cơ "bán mình"
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã “than” với lãnh đạo TP.HCM, hiện nay là vay vốn vẫn khó khăn cộng với lãi suất lên quá cao khiến khó duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ “bán mình” vì khát vốn.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM: Hiện lãi suất vay vốn doanh nghiệp phải trả trên 10%. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp lo lắng nhất. Bởi nếu tính chung lãi suất vay trên 10%, cộng với giá điện nước, nguyên liệu đang tăng khiến tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp cực thấp, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đuối sức. Chưa dừng lại đó, hiện đang có tình trạng doanh nghiệp vừa và lớn đã có thương hiệu, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, cần chính sách hỗ trợ toàn diện về lãi suất, chính sách vốn, đầu tư, vùng nguyên vật liệu... để doanh nghiệp gia tăng nội lực sản xuất
Còn theo bà Đặng Minh Phương - Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM: Logictics là ngành lợi nhuận thấp nhất nhưng vốn đầu tư và chi phí vận hành rất cao. Trên thực tế, hạ tầng giao thông thành phố chưa tăng kịp theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế gây ùn tắc giao thông, nhất xung quanh khu vực cảng, làm phát sinh chi phí vận hành lớn cho ngành. Ví dụ, tại cảng Cát Lái quy hoạch tiếp nhận 3 triệu tiêu nhưng thực tế tiếp nhận là 5 triệu TEU, và trong xu hướng gần là lên đến 8 triệu TEU. Do vậy mà tình trạng giao thông quanh khu vực cảng luôn trong tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp logictics, giảm năng lực cạnh tranh của ngành...
Bà Phương kiến nghị, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành logictics phát triển, đề xuất thành phố cần có chính sách giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% phí hạ tầng đường bộ, phí cảng biển. Về quy định PCCC, cần xem xét lại tiêu chí vì tiêu chí này đang cao hơn Mỹ. Với tiêu chí này buộc doanh nghiệp phải tăng thêm 30%/tổng chí phí xây dựng, gây ảnh hưởng rất lớn cho nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bà Phương cũng kiến nghị thành phố sớm đưa vào vận hành hệ thống đường cao tốc, đường trên cao, kết hợp xây dựng đường thủy nội địa kết hợp xây dựng bến bãi, cụm cảng nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí vận hành cho ngàn
Còn theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM , nhiều doanh nghiệp đã được thành phố phê duyệt hỗ trợ lãi suất nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Thậm chí, có hội viên chia sẻ họ phải bán nhà trả nợ cho ngân hàng, để doanh nghiệp không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Bên cạnh đó, có công ty khác đang đàm phán để bán luôn cho các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Từ đó cũng khiến cho các đơn vị khác e ngại, không dám đầu tư khiến ngành công nghiệp hỗ trợ vốn được xem là nền công nghiệp cơ bản của thành phố khó phát triển....
Ở góc độ thành phố, nhiều doanh nghiệp đề nghị thành phố cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó tập trung giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ; thực hiện thiết chế pháp lý để giảm khoản chi phí không chính thức. Cần xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ chương trình kích cầu đầu tư để chương trình có hiệu quả lan tỏa và doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.
Cùng với đó, thành phố cần tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng (thuê hoặc mua), hoàn công để doanh nghiệp, người dân có chủ quyền đất thế chấp vay ngân hàng đưa vào sản xuất kinh doanh. Thành phố xem xét việc cấp phép xây dựng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chấn chỉnh tình hình kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều tiêu cực hiện nay.
Đồng thời, thành phố xem xét lại chính sách cho thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay ngân hàng, từ đó khuyến khích doanh nghiệp ở lại thành phố thay cho xu hướng chuyển dịch về các tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh…) như hiện nay.