Chiến lược kế tiếp của Nga và Ukraine khi chiến sự qua giai đoạn mới
Quốc tế - Ngày đăng : 05:28, 17/02/2023
Xe tăng Ukraine tiến ra tiền tuyến tại Bakhmut ngày 12/2/2023. Ảnh: AP |
Bình luận về diễn biến cuộc chiến, Josep Borrell - quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), tháng 12 năm ngoái từng nói: "Chúng ta đã chuyển sang một thế giới đa cực hỗn loạn - nơi mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí, từ năng lượng, dữ liệu, cơ sở hạ tầng đến vấn đề di cư".
Thực tế, chiến sự Nga - Ukraine đã làm tăng thế đối đầu trên bàn cờ địa chính trị thế giới, khiến căng thẳng giữa Nga và phương Tây lên cao hơn bao giờ hết và đẩy nhiều quốc gia hướng đến các khối liên kết mới, mà trung tâm là Washington và Bắc Kinh.
Trên chiến trường, Nga những ngày gần đây tăng cường tấn công bằng tên lửa và đã huy động khoảng 300.000 binh sĩ mới trong mùa Đông này, với phần lớn tập trung tại miền Đông Ukraine. Về phần mình, Ukraine yêu cầu được cung cấp đạn và pháo "ngay lập tức", cảnh báo rằng họ đang thiếu nguồn dự trữ để chống lại một cuộc tấn công mới từ Nga mà Kiev lo ngại sắp xảy ra.
Hiện, Kiev đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn sắp xảy ra của quân đội Nga khi Điện Kremlin được dự đoán sẽ cố gắng giành kiểm soát thêm lãnh thổ ở vùng Donbass trước lễ kỷ niệm một năm chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng này. Đây dường như là các dấu hiệu cho thấy cả hai sẽ làm điều gì đó trong những tuần và tháng tới, theo Julian Barnes của tờ New York Times.
Chiến lược tiếp theo của Nga
Về mặt chính trị, Nga được cho là sẽ hướng về Trung Quốc. Dù ủng hộ Moskva, Bắc Kinh vẫn cố gắng tránh các động thái có thể khiến phương Tây xa lánh. Theo Alice Ekman - nhà phân tích châu Á tại Viện Nghiên cứu An ninh EU, "Trung Quốc không tự tách mình mà đang củng cố mối quan hệ gần gũi hơn với Nga".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: AFP. |
Trong một báo cáo thường niên công bố đầu tháng 2/2023, các cơ quan tình báo Estonia cho rằng "còn quá sớm để xem các hỗ trợ hạn chế của Trung Quốc với chiến dịch quân sự của Nga là dấu hiệu xa rời Moskva". Trung Quốc không cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ cho Nga, nhưng "phải nhìn nhận khách quan rằng mối quan hệ kinh tế của hai bên đã được củng cố", Ekman nói. Trên thực tế, chiến sự còn có khả năng làm Moskva phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh.
Cuộc xung đột đã gần một năm trôi qua và rõ ràng nó đã trở nên tệ hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của Moskva. Nga giành được quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine ở phía Đông và Nam nhưng đã bị đẩy lùi ở những nơi khác. Trên thực địa, Nga hy vọng giành một chiến thắng mới trong tuần này với việc giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut, để sử dụng nó làm bàn đạp kiểm soát khu vực Donbass.
Hiện, ông Putin vẫn có lý do để tin vị thế của Nga được cải thiện trong năm nay và có 2 động lực cho điều này. Thứ nhất, lãnh thổ Nga lớn hơn nhiều Ukraine và tài nguyên cũng nhiều hơn. Thứ nhì, kết quả chiến sự quan trọng với Ukraine và Nga hơn là với các đồng minh phương Tây của Ukraine. Điều này rốt cục có thể khiến các đồng minh của Ukraine chậm viện trợ vũ khí và thiết bị quan trọng.
Do đó, chiến lược của ông Putin là chờ phương Tây kiệt quệ, sau đó tiếp tục cố gắng kiểm soát thêm nhiều lãnh thổ và tiêu hao lực lượng Ukraine, đến mức nước này buộc phải đàm phán chấm dứt chiến tranh ở thế yếu và chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky sụp đổ.
Đến giờ, phương Tây phần lớn vẫn thống nhất đứng sau Ukraine, song có lý do để lo ngại rằng sự hỗ trợ sẽ kéo dài trong bao lâu. Đức dường như mâu thuẫn về cách đối đầu mạnh mẽ với Nga, và Thủ tướng Olaf Scholz cũng đã từ chối tuyên bố Ukraine phải chiến thắng. Tại Mỹ, một số thành viên đảng Cộng hòa đã chỉ trích viện trợ quân sự và cho rằng Ukraine không phải vấn đề của Mỹ.
Chiến lược tiếp theo của Ukraine
Với Ukraine, tuy thành phố Bakhmut không còn nhiều ý nghĩa chiến lược, nhưng lực lượng nước này vẫn quyết bám trụ, mà một trong các lý do được cho là để kéo dài thời gian chờ viện trợ vũ khí từ phương Tây. Lý do khác là khi cố thủ tại Bakhmut, Ukraine có thể bào mòn lực lượng Nga trong các trận chiến giằng co.
Theo New York Times, mục tiêu trung hạn lớn nhất của Ukraine là phá vỡ "cây cầu đất liền" được Nga thiết lập giữa vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát ở phía Đông (gồm Donbas) và ở phía Nam trên bán đảo Crimea.
Đạt mục tiêu này sẽ mang lại ý nghĩa quan trọng với Ukraine, khi khiến Nga tốn kém hơn và gây khó khăn trong việc cung cấp tiếp tế cho lực lượng của họ ở cả hai khu vực. Cụ thể hơn, mục tiêu ban đầu của Ukraine trong kế hoạch trên có thể là giành lại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia - nơi cung cấp một lượng điện khổng lồ, nằm bên trong cây cầu đất liền.
Lính Ukraine nạp đạn cho lựu pháo M777 trên chiến trường miền đông Ukraine hồi tháng 11/2022. Ảnh: AFP. |
Dù vậy, cần biết rằng nếu Ukraine tiếp tục thực hiện lối đánh như hiện tại, đối đầu trực diện theo kiểu tác chiến tiêu hao thời Thế chiến I, thì khác biệt giữa về dân số và nguồn lực sẽ quyết định kết quả chiến sự. Với việc nhiều cơ sở hạ tầng ở Ukraine bị tàn phá và hàng triệu người dân nước này đã di tản, một cuộc chiến kéo dài sẽ chỉ kết thúc có lợi cho Nga - nơi sở hữu dân số, tài nguyên lớn hơn.
Theo giới quan sát phương Tây, để thay đổi cục diện đang diễn biến có lợi cho Nga, Ukraine cần có đủ lực lượng để phá thế bế tắc, cản đà tiến của Nga và giành được một thắng lợi quyết định trên chiến trường. Để đạt mục tiêu này, Ukraine sẽ cần thêm các xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo tầm xa, và quan trọng nhất là máy bay chiến đấu từ phương Tây - điều Ukraine đang hy vọng trong đợt trang bị quân sự mạnh sắp tới.
Tóm lại, bước ngoặt của chiến sự hiện phụ thuộc vào hai biến số: viện trợ từ phương Tây kéo dài được bao lâu và kho vũ khí của Nga đủ dùng trong bao giờ.