TP.HCM: 4 dự án trọng điểm kết nối vùng Đông Nam Bộ
Bất động sản - Ngày đăng : 06:00, 01/03/2023
Về dự án Vành đai 4 TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, các địa phương sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2023 theo chương trình làm việc của Quốc hội. Cụ thể, quyết định chủ trương đầu tư vào quý II/2023; quyết định đầu tư quý IV/2023; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án quý IV/2024; bàn giao mặt bằng từ quý IV/2024, hoàn thành trong quý 1/2026; thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật toàn tuyến (tháng 12/2027); đưa dự án vào khai thác, thu phí (quý I/2028).
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật; chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An rà soát, điều chỉnh hướng tuyến Vành đai 4 trên địa bàn của mỗi địa phương (nếu cần), trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường Vành đai 4 và làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lập, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Về cơ chế về vốn cho dự án, qua nghiên cứu sơ bộ, dự án cần có sự tham gia vốn của ngân sách nhà nước thì phương án tài chính của dự án mới có tính khả thi (tỷ lệ tham gia vốn nhà nước vào các dự án khác nhau tùy theo lưu lượng và chi phí đầu tư của từng dự án). Do vậy, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và cơ chế về sự tham gia vốn của Trung ương cho dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.
Với dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dự kiến hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào năm 2023, hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2024, khởi công năm 2025 và đưa dự án vào khai thác năm 2027. Theo đó, với trường hợp đầu tư công, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí vốn ngân sách trung ương thực hiện dự án hoặc bố trí kết hợp vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương tham gia dự án. Trường hợp đầu tư theo hình thức PPP, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu dự án.
Với dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ Nút giao An Phú đến đường Vành đai 2), dự kiến lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào quý III/2024, đấu thầu vào quý II/2025, thi công hoàn thành và bàn giao công trình năm 2027. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thống nhất phạm vi đầu tư, quy mô và tiến độ hoàn thành dự án này để TP.HCM có cơ sở xây dựng tiến độ triển khai nghiên cứu dự án đảm bảo đồng bộ và phát huy hiệu quả đầu tư các dự án trên tuyến.
Với dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hiện nay, dự án này do Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện việc thực hiện đang rất chậm so với tiến độ yêu cầu hoàn thành của dự án. Do đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC nghiên cứu thực hiện các nội dung nêu trên và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này để đáp ứng nhu cầu giao thông đang tăng nhanh trong khu vực, giảm tải cho tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian tới (Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Quốc lộ 50...).