Sự lệ thuộc vào các đại gia công nghệ
Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 14/03/2023
Web 2.0 miễn phí đã kết thúc
Khi mới tiếp cận Internet, nhiều người rất hào hứng bởi cho rằng hoàn toàn miễn phí. Hiện nay, họ đã nhận ra nó không hề miễn phí, ai sử dụng cũng phải trả phí thụ động hoặc chủ động. Mọi hành động trực tuyến đều được ghi lại dưới dạng dữ liệu đang được rao bán trên mạng với giá rẻ, hoặc được bán trực tiếp cho các tập đoàn để làm mồi quảng cáo.
Theo TS. Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm chuyên ngành kinh doanh ứng dụng Blockchain và người điều hành RMIT Fintech-Crypto Hub, các đại gia công nghệ đang dùng công nghệ để thao túng người dùng. Apple, Google, Facebook hoặc Amazon đang khai thác dữ liệu người dùng trong nhiều thập niên mà không phải lúc nào cũng xin phép. Trong khi đó, dữ liệu người dùng lại là một loại tài sản lớn.
"Tại sao dữ liệu được người dùng tạo ra như hình ảnh trên Facebook, video trên YouTube và những dữ liệu khác về người dùng lại thuộc về những công ty công nghệ lớn?", TS. Bình bức xúc chỉ ra nền kinh tế số đang phụ thuộc vào chỉ một vài doanh nghiệp.
Không chỉ sở hữu dữ liệu để cập nhật công nghệ mới, tính năng mới, các công ty công nghệ lớn còn đem bán tài sản dữ liệu của người khác. Meta đã chấp thuận bồi thường 725 triệu USD vì đem dữ liệu của hơn 87 triệu tài khoản người dùng bán cho Cambridge Analytica. Nhưng công ty này chỉ chi trả sau 4 năm trời người dùng kiện tập thể. Năm 2019, Facebook phải trả 5 tỷ USD để giải quyết vụ điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và 100 triệu USD để dàn xếp cáo buộc từ Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) liên quan đến Cambridge Analytica. Số tiền khổng lồ để chi trả cho bê bối này đã chứng tỏ độ lớn của doanh thu từ dữ liệu miễn phí của người dùng.
Đừng bán rẻ và mua lại giá đắt
Không chỉ người dùng cá nhân lệ thuộc, các công ty của Việt Nam cũng phải trút hầu bao cho các đại gia công nghệ. Ông Huy Nguyễn - đồng sáng lập kiêm CEO Kardia Chain, người đã có 10 năm làm việc tại Thung lũng Silicon và từng là một trong những quản lý trẻ nhất tại Google nhận định: "Ở mảng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nếu Việt Nam không có cơ sở hạ tầng cho tài nguyên dữ liệu, nguy cơ tài nguyên bị chuyển ra nước ngoài rất cao và làm giàu cho hạ tầng ở nước khác. Chúng ta sẽ phải mua lại tài nguyên giá đắt từ người mình đã từng bán dữ liệu giá rẻ".
Các đại gia công nghệ hiểu tâm lý thích dùng đồ miễn phí đã ào ạt tung ra khuyến mãi để kéo người dùng về. Khi người dùng đã lệ thuộc thì họ mới tung ra các gói cước phí đắt đỏ. OpenAI ra giá thuê bao ChatGPT Plus là 20 USD/tháng sau vài tháng miễn phí. Nhưng phí không chỉ có vậy.
Quân Nguyễn của UpBase - người từng thực tập tại OpenAI - kể rằng nhiều dự án khởi nghiệp cộng sinh với OpenAI đã sụp đổ vì cách tính phí của đại gia công nghệ mới nổi này: "Dù sử dụng miễn phí thông tin trên mạng nhưng OpenAI sẽ tính thêm phí theo số lượng chữ khi trả kết quả thông tin về cho khách hàng. Trong khi các startup cộng sinh với OpenAI lại tính phí khách hàng chỉ với giá thuê bao. Người dùng chat với robot càng nhiều thì startup càng vỡ nợ".
OpenAI đâu chỉ lấy đi dữ liệu miễn phí có sẵn trên mạng, người dùng trong đó có nhiều công ty công nghệ đang bỏ sức huấn luyện dữ liệu miễn phí cho hãng này. Người dùng Việt Nam càng hồ hởi sử dụng thì ChatGPT càng "khôn lên" trong mảng thông tin tiếng Việt. Rồi robot sẽ tính tiền người từng huấn luyện mình. Cách tính phí dĩ nhiên luôn có lợi cho các đại gia.
Các đại gia công nghệ thừa sức mạnh độc quyền để chèn ép thị trường đã lệ thuộc mình đủ kiểu. Meta thu về 116 tỷ USD trong năm 2022 từ quảng cáo trên các mạng xã hội. Nhưng đại gia này vẫn thấy chưa đủ mà còn yêu cầu người dùng trả 12-15 USD để nhận được tích xanh. Amazon thì đang bị một công ty Việt là Gilimex Inc. kiện vì yêu cầu công ty mở rộng quy mô để đáp ứng thị trường rộng lớn của Amazon. Khi đơn hàng giảm mạnh, Amazon quay lưng với nhà cung cấp, để mặc họ trong đống nợ. Sàn thương mại điện tử này còn bị nhiều nhà cung cấp khác cáo buộc giấu đơn hàng để tự bán hàng do Amazon sản xuất.
Tin tức về các vụ khách hàng, đối tác kiện Amazon |
Sống cùng đại gia công nghệ
Công nghệ hóa, hiện đại hóa nền kinh tế rất cần thiết, nhưng phải có chiến lược để tránh bị công nghệ "hút máu". Thế giới đang cạnh tranh để xuất khẩu số giá trị cao trong những thập niên tới từ Internet of Value. TS. Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Việt Nam có thể sản xuất quần áo số cho thế giới mạng (metaverse) hoặc game và bán ra thế giới mà không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics như sản xuất hàng may mặc.
Nhà máy để tạo ra những tài sản số giá trị cao đã tồn tại lâu nay, đó là vi tính và điện thoại. Còn hệ thống logistics của tài sản số đơn giản là Internet of Value. Ổn định tài chính số sẽ mang lại sự sáng tạo và phát triển những sản phẩm mới trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, cần bảo vệ người dùng và nhà đầu tư khi phát triển Internet giá trị.
"Chính phủ đã có sự mở cửa nhất định đối với các lĩnh vực công nghệ cao như AI và Blockchain. Nhưng đi đôi với các chính sách, cần có hỗ trợ pháp lý để thu hút được vốn đầu tư, cơ sở vật chất và nhân tài trong lĩnh vực này. Hiện tại, chất xám trong nước vẫn đang "chảy máu". Các startup công nghệ thành công vẫn đặt văn phòng ở nước ngoài", ông Huy Nguyễn nhận định. Cơn lốc ChatGPT sẽ qua đi rất nhanh và chẳng đọng lại gì cho nền kinh tế số, nếu Việt Nam không tạo ra những thử nghiệm, tài nguyên thông tin từ những cơn sốt công nghệ mà cứ để nó trôi tuột đi.