Doanh nhân hiến kế chặn đà suy giảm kinh tế - Bài 2: Thành phố phải giúp vốn cho doanh nghiệp
Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 10/04/2023
Chấp nhận tăng trưởng thấp làm nền tảng phát triển bền vững
Để đánh giá về tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong quý I/2023, cần phải xem lại việc so sánh với kết quả tăng trưởng năm 2022. Năm 2022, kinh tế tại TP.HCM tăng trưởng tốt, bao gồm cả GRDP và thu ngân sách. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của thành phố có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó có việc một số dịch vụ "bùng nổ" do bị nén trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, khi dịch bị khống chế thì bung ra phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, chiến tranh giữa Ukraine và Nga dù diễn ra từ đầu năm 2022 nhưng chúng ta chưa lường được hết những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, nếu TP.HCM lấy mốc tăng trưởng kinh tế của năm 2022 để làm mục tiêu cho năm 2023 sẽ không phải là yếu tố tăng trưởng bền vững. Về mặt chủ quan, những vấn đề vướng mắc về bất động sản (BĐS) không dễ dàng để tháo gỡ, vấn đề về tài chính, ngân hàng cũng tương tự.
Thời gian qua, Việt Nam đã để mất một số ưu thế. Chẳng hạn, vị trí nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ hai trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu của Việt Nam đã bị thay thế bởi Bangladesh. Cùng với sự suy giảm của đơn hàng do nhu cầu giảm thì nhiều đơn hàng dệt may của DN Việt đã bị thay thế bởi DN Bangladesh. Sở dĩ Bangladesh thay thế vị trí của Việt Nam bởi quốc gia này đã mở nhiều trung tâm sản xuất theo tiêu chuẩn xanh (dán nhãn xanh). Dù xu hướng sản xuất xanh đã đặt ra đối với DN Việt từ 15 năm trước, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ và không theo kịp với tiêu chuẩn cao của thế giới.
Kinh tế TP.HCM có đặc thù tương đối mở so với các địa phương khác, sự tăng trưởng kinh tế tập trung vào nhiều nhóm dịch vụ và các dịch vụ này có mối liên hệ mật thiết với nhau khi ngành này suy giảm thì kéo theo sự suy giảm của ngành khác, trong đó thấy rõ là sự liên hệ giữa dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu.
Về mặt khách quan, TP.HCM đang đối mặt với sự cạnh tranh rất rõ ràng của các địa phương khác. Trước đây, xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh, thành phía Nam hầu hết đi qua TP.HCM, nhưng nay có nhiều cảng mới như cảng Cái Mép.
Đối với một số địa phương, nguồn thu từ đất đai là rất lớn, trong khi đó nguồn thu và tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chủ yếu dựa vào dịch vụ. Do đó, việc tăng trưởng kinh tế của TP.HCM có thể giảm, nhưng thu ngân sách có thể tăng, trong đó có tăng từ dịch vụ, như chứng khoán. Từ những yếu tố này, theo tôi, chính quyền thành phố có thể chấp nhận tăng trưởng thấp nhưng nguồn thu tăng để làm nền tảng tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai gần.
Sử dụng mệnh lệnh hành chính giải quyết những việc cấp bách cho DN
Nỗ lực của chính quyền TP.HCM trong việc cứu DN BĐS hiện nay là cần thiết. Nhưng về lâu dài, thành phố cần có thời gian chấp nhận tăng trưởng thấp để đầu tư vào các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao và có ưu thế. Ví dụ như ưu thế về tài chính (các dịch vụ về tài chính, dịch vụ về đổi mới sáng tạo, cung cấp công nghệ đổi mới sáng tạo cho các tập đoàn phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo).
Nhà nước nên tạo ra những chương trình kinh tế mang tính đột phá và đủ hấp dẫn DN cũng như các thành phần khác tham gia. Khi đó, sẽ có các tổ chức tài chính và các tổ chức liên quan cùng tham gia rót vốn, DN hưởng lợi bởi mang tính dây chuyền. Ví dụ như chương trình Net Zero (giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương).
Chương trình này đã thu hút hàng tỷ USD của DN các nước đổ vào Việt Nam. Trong đó, một số định chế tài chính cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam về vốn để chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Net Zero không đơn thuần là chương trình về môi trường, mà thông qua đó giúp DN tiếp cận phương thức sản xuất xanh. DN cũng nhờ đó tiếp cận tiêu chuẩn xanh cũng như tiếp cận tài chính hỗ trợ cho lĩnh vực này.
Theo tôi, việc cần làm ngay lúc này để giải quyết vấn đề tăng trưởng thấp là tập trung hỗ trợ DN. Điều quan trọng nhất hiện nay để hỗ trợ DN chính là nguồn vốn và lãi suất, nên cần phải phân loại DN ưu tiên hỗ trợ. Lãnh đạo thành phố phải làm việc với ngân hàng và các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để giúp DN tiếp cận vốn với lãi suất thấp. Việc cần làm lúc này là lãnh đạo thành phố có thể sử dụng mệnh lệnh hành chính trong thẩm quyền để giải quyết những việc khả thi và cấp bách để gỡ khó cho DN. Khi DN có vốn thì mới sản xuất được hàng hóa, hàng hóa lưu thông được thì logistics tăng trưởng, các dịch vụ kèm theo cũng phát triển, người dân có việc làm, tăng tiêu dùng.
(*) Giám đốc Công ty CP Công nghệ INNOTEK