Chào mừng 48 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) - Bài 2: Đội ngũ doanh nhân luôn năng động và đồng hành
Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 28/04/2023
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) chia sẻ, nền kinh tế TP.HCM sau 48 năm giải phóng có bước chuyển mình, thay đổi lớn. Sau giải phóng, kinh tế thành phố chủ yếu tự cung tự cấp, bó hẹp ở thị trường nội địa, 30 năm qua đã dần mở cửa và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Kinh tế TP.HCM được xem là một trong những nền kinh tế có độ mở thị trường lớn nhất.
Nhìn lại chặng đường 48 năm, kinh tế TP.HCM trải qua ba giai đoạn quan trọng, mỗi giai đoạn lại đi vào chiều sâu của sự phát triển. Giai đoạn đầu là bắt đầu hội nhập, kinh tế mở, hàng loạt DN được thành lập và kinh doanh đạt hiệu quả cao. Giai đoạn thứ hai, thành phố thu hút vốn đầu tư vào công nghệ nước ngoài ngày càng cao, DN trong nước được nâng tầm nhân lực, nâng tầm trí tuệ và quản trị. Giai đoạn thứ ba là thành lập trung tâm tài chính quốc tế, hướng tới các nhà đầu tư tài chính, các định chế tài chính lớn.
Kinh tế thành phố phát triển qua ba giai đoạn, theo ông Hòa, vai trò của đội ngũ doanh nhân, lực lượng DN là vô cùng quan trọng. Doanh nhân và DN luôn năng động, vượt khó, nêu cao tinh thần doanh nhân dám nghĩ dám làm, luôn nâng cao năng lực quản trị và tiếp cận, sáng tạo công nghệ mới, tạo ra rất nhiều sản phẩm chất lượng cao không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu với số lượng ngày càng lớn.
Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (sinh tháng 4/1975) cho rằng, từ một thành phố chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, TP.HCM đã vượt lên, phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường với nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Hiện tại, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đây chính là cơ hội để những người lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân cùng tìm nguyên nhân, cách khắc phục để làm cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Nhìn thẳng vào những khó khăn mà TP.HCM đang phải đối mặt, ông Đinh Công Khương - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp thép TP.HCM phân tích, từ năm 1986-2006, kinh tế thành phố phát triển tốt, từ năm 2008, phát triển chậm lại, trong vòng 5 năm trở lại đây, phát triển chậm hơn, nguyên nhân chủ yếu bởi các yếu tố sau:
Thứ nhất, do không ít cán bộ nhà nước mắc sai phạm trong quản lý, điều hành, không mạnh dạn đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, dẫn đến thành phố phát triển chưa xứng tầm với vị thế. Nhiều khu vực "đất vàng" không khai thác được. Những khu vực lý ra phát triển tốt như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thì bị bỏ hoang, thành phố Thủ Đức chưa quy hoạch đúng tầm.
Thứ hai, thủ tục hành chính còn quá nhiêu khê. Đáng chú ý, ở một số lĩnh vực có tác động sâu rộng đến đời sống dân cư, như đất đai, giáo dục, y tế, xuất nhập khẩu... thủ tục hành chính còn rườm rà, gây ra không ít phiền toái cho người dân và DN. Thêm nữa, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm ở một số nơi, gây bức xúc dư luận.
Thứ ba, quá trình khắc phục hệ lụy của dịch Covid-19 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một vài chỉ tiêu kinh tế chính được lãnh đạo thành phố đề ra vào đầu năm dù đã đạt được một nửa nhưng còn nhiều vấn đề tiềm ẩn rủi ro. Các khu vực kinh tế hồi phục không đồng đều. Các gói kích thích kinh tế của quốc gia vẫn chưa được hấp thụ vào nền kinh tế.
Theo ông Hoàng Quốc Thắng - Quản lý Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ (VUS), điều quan trọng để một thành phố phát triển chính là cơ chế, chính sách đúng và thông thoáng. Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo đề xuất của Chính phủ, TP.HCM sẽ được áp dụng 7 nhóm chính sách đặc thù về các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy của TP.HCM và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị khóa XI, TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của TP.HCM vẫn chưa được khai thác hiệu quả, vai trò đầu tàu đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm. Vì thế, việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trong giai đoạn này là vô cùng cấp bách và cần thiết.
----------------------------------------------------------
Doanh nghiệp tại TP.HCM qua những con số:
* Năm 2019: TP.HCM có 239.623 doanh nghiệp, chiếm 31,6% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, tăng 5,0% so với năm 2018.
* Năm 2020: TP.HCM có 254.699 doanh nghiệp, chiếm 31,4% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, tăng 6,3% so với năm 2019.
* Năm 2021: Số doanh nghiệp đang hoạt động là 268.465 doanh nghiệp, chiếm 31,3% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, tăng 5,4% so với năm 2020. TP.HCM có 29,3 doanh nghiệp hoạt động trên 1.000 dân, là một trong 8 địa phương có mật độ doanh nghiệp cao nhất trên cả nước.
* Năm 2022: Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước với khoảng 268.000 doanh nghiệp (tính đến tháng 5/2022), chiếm 31%. Tính đến ngày 20/12/2022, TP.HCM đã có 44.369 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 472.559 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tăng 42,3%, vốn đăng ký giảm 4,9%.
* Năm 2023: Từ ngày 1/1 - 20/3/2023, TP.HCM đã cấp phép thành lập 9.788 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 88.856,2 tỷ đồng, tăng 7,0% về giấy phép và giảm 39,1% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 7.254 doanh nghiệp thành lập, tăng 8,4% so với cùng kỳ và chiếm 74,1% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập; vốn đăng ký đạt 61.304 tỷ đồng, giảm 41,3%.TP.HCM đang tính toán xây dựng nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu thành phố để hỗ trợ phát triển.