Xuất khẩu hoa và lá cây mang về hơn 43 triệu USD cho Việt Nam
Mặc dù không nằm trong nhóm nông sản xuất khẩu chủ lực, ngành hàng hoa tươi và lá cây vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực khi đóng góp hơn 43 triệu USD cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 đến hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hoa tươi đạt gần 38 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhóm sản phẩm lá cây, vốn ít được chú trọng, cũng mang về hơn 5,2 triệu USD, tăng trưởng hơn 36%.
Trước đây, thị trường hoa trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, hoa trồng tại Đà Lạt đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Australia. Một doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM cho biết, mỗi tuần đơn vị này đều đặn gửi hàng nghìn cành hoa sang các thị trường quốc tế theo các đơn hàng luân phiên, không bị gián đoạn.
“Hoa Việt Nam có độ bền cao, màu sắc tươi sáng và cánh hoa dày, nhờ đó rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, rào cản lớn nhất hiện nay chính là vấn đề bản quyền giống hoa, khiến việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều hạn chế.

Trong cơ cấu mặt hàng hoa xuất khẩu, hoa cúc đang giữ vai trò chủ lực với mức tăng trưởng hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các loại hoa khác như cẩm chướng, hồ điệp, cát tường cũng ghi nhận mức tăng từ 6 - 11%.
Ở lĩnh vực xuất khẩu lá cây, sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, từ căn bếp của cộng đồng người Việt hải ngoại cho đến các nhà hàng Á tại châu Âu. Nổi bật nhất là lá nguyệt quế, loại gia vị phổ biến trong các món súp và cà ri ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng tới 142%, trở thành điểm sáng của nhóm sản phẩm này. Bên cạnh đó, lá tre và lá chuối cũng tăng trưởng hơn 52%.
Các chuyên gia đánh giá, dư địa phát triển của nhóm sản phẩm hoa và lá cây còn rất lớn, trong bối cảnh ẩm thực châu Á và cộng đồng người Việt ngày càng có mặt rộng khắp toàn cầu.
Hướng đến chiến lược phát triển bền vững và chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng, cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã khuyến khích việc hợp tác với Trung tâm Thương mại và Đấu giá Hoa Quốc tế Côn Minh (KIFA) - đơn vị có khối lượng giao dịch hoa lớn nhất châu Á và đứng thứ hai toàn cầu.
Ông Tào Vinh Căn - Đại diện KIFA cho biết, ông đã hai lần sang Việt Nam khảo sát và đánh giá cao tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng cũng như hệ thống canh tác hiện có. KIFA bày tỏ mong muốn được hợp tác toàn diện với Việt Nam trong các khâu từ cung ứng giống, kỹ thuật trồng trọt, tiêu thụ sản phẩm đến việc xây dựng một sàn đấu giá hoa quốc tế ngay tại Việt Nam.
Theo ông, việc hình thành một chuỗi cung ứng khép kín sẽ không chỉ gia tăng năng lực xuất khẩu hoa của Việt Nam, mà còn đưa quốc gia này vươn lên trở thành trung tâm giao dịch hoa lớn của khu vực.