Bộ Chính trị yêu cầu mở rộng đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội
Ngày 25/7, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận, trong đó giao nhiệm vụ cho Đảng ủy Chính phủ nghiên cứu, đề xuất và thể chế hóa Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển nhà ở xã hội.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng ủy Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Trước đó, vào tháng 5, Quốc hội đã cho phép các địa phương được quyền xây dựng tiêu chí xét duyệt người được hưởng chính sách nhà ở xã hội, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu thực tiễn tại địa phương.
Cụ thể, nhóm đối tượng có thể được xét duyệt bao gồm: người chưa có nhà ở, người có nhà nhưng không thuận tiện cho việc làm việc hoặc sinh sống (như ở xa nơi làm việc) và những cá nhân chưa từng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Việc xác định cụ thể tiêu chí thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn khi nhiều người lao động tại đô thị hoặc khu công nghiệp đã có nhà ở tại nông thôn nhưng vẫn gặp trở ngại trong việc tiếp cận nhà ở xã hội do quy định về sở hữu nhà ở.

Hiện nay, các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội bao gồm: Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; Hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn và đô thị; Hộ gia đình ở nông thôn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai; Người lao động đang làm việc trong và ngoài các khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công an nhân dân; Công chức, viên chức quốc phòng; Cán bộ, công chức, viên chức nói chung; Người đã trả lại nhà công vụ; Học sinh, sinh viên; Người bị thu hồi đất phải di dời, phá dỡ nhà ở và các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong khu công nghiệp.
Cùng với đó, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ hướng dẫn việc sử dụng kinh phí và bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan hành chính cấp cơ sở; đồng thời ban hành hướng dẫn về tài chính, kế toán và quy trình giao - phân bổ ngân sách cho cấp xã, phường. Bộ cũng cần sớm tổng hợp, đánh giá tình hình quản lý và bàn giao tài sản công, trụ sở chính quyền các cấp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Bộ Nội vụ cùng các địa phương có trách nhiệm rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc và tôn giáo, đặc biệt là những người trực tiếp quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Mục tiêu là bố trí nhân sự đúng năng lực, sở trường và phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm. Đồng thời, Bộ cần ban hành hướng dẫn thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp xã, nhất là các đơn vị cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu công khai đầy đủ thủ tục hành chính đến người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn trong hệ thống pháp luật.
6 bộ ngành chủ chốt gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp hoàn thiện quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực cấp phép xây dựng, kinh doanh rượu - bia - thuốc lá, hành nghề y dược, cũng như chế độ chính sách dành cho người có công.
Riêng Bộ Xây dựng cùng với Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là sau quá trình sắp xếp lại quy hoạch.
Đồng thời, hai bộ cần đánh giá toàn diện việc phân cấp quản lý đất đai từ cấp tỉnh xuống cấp xã, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với nguồn lực và năng lực tổ chức.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ hướng dẫn rõ ràng về thẩm quyền quản lý đối với đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, cần xây dựng tiêu chí cụ thể về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và định mức nhân sự trong ngành giáo dục.