Thời điểm vàng để TP.HCM tăng tốc hình thành khu thương mại tự do tầm khu vực
Sau sáp nhập địa giới hành chính, TP.HCM sở hữu lợi thế hiếm có, mở ra cơ hội vàng để trở thành trung tâm thương mại, logistics cấp vùng và vươn tầm quốc tế. Phóng viên Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Dũng - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) về vấn đề này.
* TP.HCM hội tụ đủ điều kiện để hình thành khu thương mại tự do (FTZ) cấp vùng và vươn tầm quốc tế, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để biến tiềm năng thành hiện thực?
- Hiện nay, dù chưa có FTZ chính thức, TP.HCM vẫn giữ vai trò là trung tâm logistics lớn của khu vực. Tuy nhiên, nếu FTZ được hình thành, Thành phố sẽ có thêm cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển hệ thống logistics hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và trở thành “đòn bẩy” chiến lược giúp Việt Nam tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về việc thành lập FTZ, ngay cả trước khi sáp nhập, TP.HCM cũ và các địa phương lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đã có đầy đủ điều kiện để hình thành FTZ tại những vị trí chiến lược. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), từ năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, trong đó nêu rõ định hướng hình thành FTZ gắn với cảng Cái Mép Hạ. Chính phủ sau đó cũng đã ban hành chương trình hành động triển khai cụ thể Nghị quyết này. Tại TP.HCM (cũ), khi có quyết định xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào năm 2024, Thành phố cũng đã nêu rõ dự kiến gắn mô hình FTZ với cảng này.
Sau sáp nhập, TP.HCM mới có quy mô địa lý lớn hơn, hội tụ đủ điều kiện về hạ tầng, cảng biển, logistics và kết nối vùng - đây là tiềm năng vô cùng lớn, hoàn toàn phù hợp để phát triển mô hình FTZ thế hệ mới.

* Vậy theo ông, đâu là rào cản lớn nhất khiến TP.HCM chậm chân trong quá trình hiện thực?
- Những hạn chế cả về thể chế lẫn điều kiện thực tiễn là nguyên nhân chính khiến Thành phố chậm chân, dù tiềm năng rất rõ ràng. Trong đó, rào cản lớn nhất là thiếu khung pháp lý cho mô hình FTZ. Đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” - như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói. Hầu hết các “điểm dừng” trong các đề án phát triển các FTZ là “chưa có khung pháp lý”. Từ đó dẫn tới lúng túng trong đề xuất vị trí, quy mô, mô hình tổ chức quản lý, cơ chế ưu đãi…
Thứ hai, cần nhìn nhận rằng trước khi sáp nhập, TP.HCM thường gặp nhiều khó khăn khi triển khai các đề án cần diện tích đất lớn, do rất khó tìm được quỹ đất đủ rộng tại các vị trí phù hợp.
* Với việc sở hữu các phân khu chức năng đa dạng như khu công nghệ cao tại Bình Dương, cụm cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và trung tâm tài chính - tiêu dùng tại đô thị lõi, TP.HCM (mới) nên định hình khu FTZ theo mô hình nào để phù hợp? Mô hình đó có cần tạo ra sự khác biệt so với các tỉnh thành lân cận, thưa ông?
- TP.HCM có thể phát triển nhiều khu FTZ với mô hình linh hoạt, phù hợp đặc thù từng khu vực, cụ thể có thể lập ba khu vực hay nhiều hơn và không nhất thiết phải áp dụng một mô hình. Ví dụ, tại Bình Dương là FTZ độc lập nằm trong vùng hậu phương của các cảng, có các cơ chế hấp dẫn thu hút các công ty công nghệ cao; Cái Mép Hạ - Phú Mỹ - Mỹ Xuân là khu FTZ gắn với cảng biển, hàng không, thu hút các loại hình sản xuất cần luân chuyển vật tư, nguyên liệu, thành phẩm với tần suất cao; tại các trung tâm tài chính, tiêu dùng thì nên có cơ chế thu hút các công ty thương mại - dịch vụ.
TP.HCM nên chọn các khác biệt mà có thể phát huy lợi thế cốt lõi và cộng lực được với các tỉnh thành lân cận. Ví dụ tại khu vực ưu tiên sản xuất thì tùy theo chiến lược phát triển công nghiệp - công nghệ cao có thể hình thành các trung tâm công nghệ theo mô hình cluster, thu hút các công ty chính có vai trò dẫn dắt và các công ty hỗ trợ để hình thành hệ sinh thái riêng.
* Theo ông, các doanh nghiệp (DN) logistics, xuất nhập khẩu - dịch vụ tại TP.HCM đã đủ năng lực tham gia hiệu quả vào mô hình FTZ chưa? DN cần chuẩn bị gì để không bỏ lỡ cơ hội trong giai đoạn chuyển mình chiến lược này?
- Nhìn chung, DN logistics Việt Nam có thể thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường thương mại quốc tế nên đối với mô hình FTZ, DN logistics Việt Nam hoàn toàn không bị động mà ngược lại có thể tham gia thúc đẩy hình thành và phát triển hiệu quả. Cụ thể, DN có thể tham gia ngay từ khâu hình thành đề án, nghiên cứu cơ chế chính sách, thiết kế quy hoạch chung các khu, xúc tiến đầu tư phát triển, tới tổ chức vận hành hệ thống logistics…
Tuy nhiên, nói vậy cũng không phải toàn bộ các DN trong ngành đều đã sẵn sàng. Ngoài các DN đã phát triển thành quy mô tập đoàn đa chức năng hoặc rất chuyên sâu trong từng loại dịch vụ vẫn còn nhiều DN đang cung cấp các dịch vụ truyền thống như bán cước, đại lý, trung gian phân phối, chưa nhiều nhà cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ còn gặp nhiều khó khăn.
Các DN cung cấp dịch vụ cần tăng cường tính chủ động, chuyển từ vai trò “người hỗ trợ từ phía sau” như nghĩa nguyên thủy của từ “hậu cần” sang chủ động trở thành “người tạo đường dẫn, đưa sản phẩm ra thị trường”. Vai trò này cần đúng với cả thị trường trong nước, trong khu vực, quốc tế, phục vụ các nhà sản xuất, thương mại, dịch vụ trong và ngoài nước, kết nối các châu lục… Từ đó, cần đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao năng lực cung ứng, để đạt được dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn, xây dựng năng lực cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào trên thị trường.
* Từ góc nhìn của VLA, những kiến nghị cụ thể nào là cần thiết cho TP.HCM?
- Dưới góc nhìn của tôi, để TP.HCM sớm hình thành FTZ có tầm vóc khu vực và đủ sức cạnh tranh với các trung tâm logistics hàng đầu trong ASEAN, cần tập trung vào ba nhóm kiến nghị then chốt, gồm: Cơ chế thông thoáng hơn; Hạ tầng thông suốt; Quản trị thông minh hơn.
Cụ thể, cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến các DN trong ngành, điển hình là các hiệp hội quốc gia, các phòng thương mại và công nghiệp và các cơ quan đại diện thương mại các nước tại Việt Nam để có các quy định hợp lý. Đặc biệt cần xây dựng luật hoặc quy chế cụ thể với từng khu FTZ. Thậm chí cần đặt ra thêm những sáng tạo cần thiết của Thành phố để chúng ta có khác biệt, không thể sao chép từ các khu FTZ khác đã có trước đó.
Cần có những đột phá về hạ tầng, gồm các kết cấu hạ tầng tĩnh tới hạ tầng động (tuyến vận tải), hạ tầng thông tin - truyền thông.
Quản trị công cần được nâng cấp để bảo đảm quản lý người, phương tiện, hàng hóa ra vào và tồn trữ trong các khu vực; cần thu thập thông tin DN để vừa quản lý chặt chẽ vừa hỗ trợ đầy đủ. Quản trị tư cần được nâng cao, nhất là quản trị chuỗi cung ứng để có khả năng cạnh tranh.
* Cảm ơn ông!