Nghiên cứu tiêu chí phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 382/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại Phiên họp lần thứ nhất của Tổ công tác liên ngành điều phối xây dựng và triển khai đồng bộ đô thị thông minh.
Thông báo nêu rõ, phát triển đô thị thông minh hiện là xu thế tất yếu trên toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, coi phát triển đô thị thông minh là một phương thức thúc đẩy kinh tế số, kinh tế đô thị và nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thời gian qua vẫn còn bất cập do nhận thức chưa đầy đủ, thiếu cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế điều phối từ Trung ương đến địa phương.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu Tổ công tác tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển đô thị thông minh để triển khai hiệu quả các nghị quyết và kết luận quan trọng của Trung ương và Chính phủ, gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Kết luận số 30-KL/TGV (ngày 13/6/2025) của Ban Chỉ đạo Trung ương và Nghị quyết số 71/NQ-CP (ngày 1/4/2025) sửa đổi, bổ sung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57.

Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định về phát triển đô thị thông minh, trình Chính phủ trước ngày 15/8. Các thành viên Tổ công tác được yêu cầu đóng góp ý kiến gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 25/7.
Bộ Xây dựng cũng cần bổ sung, làm rõ các căn cứ pháp lý, tiêu chuẩn và tiêu chí phát triển đô thị thông minh; lồng ghép nội dung phát triển đô thị với chuyển đổi số; nghiên cứu lựa chọn xã, phường thí điểm; xây dựng cơ chế xã hội hóa theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, nhà nước thuê lại dịch vụ.
Ngoài ra, cần đề xuất chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cho đô thị thông minh, lộ trình triển khai rõ ràng và khả thi.
Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các tổ chức, chuyên gia và đối tượng liên quan. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu thực tế kinh nghiệm quốc tế để áp dụng linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, vừa tạo động lực phát triển đô thị hiện đại.
Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì tổng kết Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, phối hợp các bộ, ngành và địa phương hoàn thành trong tháng 7/2025.
UBND các thành phố trực thuộc Trung ương cần rà soát các đề án, chương trình liên quan đến phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số đã và đang thực hiện, từ đó cập nhật, điều chỉnh phù hợp với định hướng mới.
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành cũng được yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động của đơn vị mình và gửi về Bộ Xây dựng trong tháng 7/2025, đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai từ Trung ương đến địa phương.