Toàn cảnh

EU áp dụng chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu

Kim Ngân 22/07/2025 9:30

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 16/7/2025, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành thông báo áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu từ Ai Cập, Nhật Bản và Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc điều tra được khởi xướng từ ngày 8/8/2024 theo đơn kiện của Hiệp hội Thép châu Âu. Hàng hóa bị điều tra là thép cán nóng, thuộc một số mã CN trong các nhóm 7208, 7211, 7225 và 7226. Giai đoạn điều tra hành vi bán phá giá kéo dài từ ngày 1/4/2023 đến 31/3/2024, còn giai đoạn điều tra thiệt hại được xác định từ ngày 1/1/2021 đến 31/3/2024.

Trong thông báo, EC nêu rõ một số hàng hóa được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá, bao gồm: Thép không gỉ hoặc thép điện silicon định hướng hạt; thép công cụ và thép công cụ có độ cứng lớn chuyên dụng; thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày trên 10mm và khổ rộng từ 600mm trở lên; thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày từ 4,75mm đến 10mm và khổ rộng từ 2.050mm trở lên.

danviet.mediacdn.vn-296231569849192448-2024-8-11-_anh-52-thep-cuon-can-nong-hrc-hoa-phat-2-17233486580591356608136.jpg

Kết luận điều tra cho thấy, biên độ bán phá giá áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam dao động từ 0% đến 12,1%, không thay đổi so với kết luận sơ bộ được ban hành hồi tháng 4/2025. Cùng với đó, EC xác định ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong EU đã chịu thiệt hại đáng kể về thị phần, giá bán, lợi nhuận, đầu tư và việc làm do ảnh hưởng của hàng nhập khẩu bị bán phá giá.

Đối với cáo buộc của nguyên đơn cho rằng chính sách thuế xuất khẩu của Chính phủ Việt Nam làm giảm giá nguyên liệu đầu vào (quặng sắt và than luyện cốc), tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng, EC khẳng định không đủ cơ sở. Trong thời gian điều tra, các doanh nghiệp Việt Nam đều nhập khẩu quặng sắt và than từ nhiều quốc gia khác nhau, do nguồn cung trong nước không đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Do đó, giá nguyên liệu đầu vào không chịu chi phối bởi thị trường nội địa, cũng như không dẫn đến lợi thế về giá trong xuất khẩu.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục theo dõi sát các diễn biến chính sách của EU, đồng thời chủ động tuân thủ các quy định thương mại quốc tế để giảm thiểu rủi ro trong các vụ kiện tương tự.

Kim Ngân