Các hồ thủy điện chiến lược miền Bắc sẵn sàng phương án cắt lũ an toàn trước ảnh hưởng bão Wipha
Trước ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), các hồ thủy điện chiến lược tại khu vực miền Bắc, đặc biệt là Sơn La và Hòa Bình, đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống thiên tai. Mục tiêu đặt lên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho công trình, vận hành hiệu quả hồ chứa và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khu vực hạ du.
Tính đến chiều ngày 20/7, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 100,63m, thấp hơn ngưỡng quy định theo Quy trình vận hành liên hồ chứa (101m).
Công ty Thủy điện Hòa Bình hiện đang duy trì mở một cửa xả đáy và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên lưu vực sông Đà.
Công tác phối hợp với Công ty Thủy điện Sơn La ở thượng nguồn cũng được duy trì thường xuyên nhằm bảo đảm điều tiết dòng chảy một cách chủ động và hiệu quả, góp phần giảm áp lực cho khu vực hạ lưu.
Tại hồ chứa Thủy điện Sơn La, cùng thời điểm, mực nước thượng lưu ghi nhận ở mức 196,07m, tương ứng với dung tích hồ chứa hiện tại khoảng 5,58 tỷ m³.
Dung tích phòng lũ còn lại đạt 3,68 tỷ m³, đủ điều kiện để tiếp nhận và điều tiết lượng nước lớn đổ về do ảnh hưởng của bão. Hệ thống tổ máy phát điện vẫn đang vận hành ổn định và linh hoạt theo đúng quy định trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, các doanh nghiệp vận hành hồ thủy điện đã kích hoạt phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, triển khai trực chiến 24/24 giờ và tập trung kiểm tra toàn diện các hạng mục kỹ thuật trọng yếu.
Công tác theo dõi lưu lượng nước về hồ được thực hiện thường xuyên để có thể đề xuất phương án điều tiết kịp thời, hạn chế tối đa việc xả lũ vượt ngưỡng cần thiết.
Hệ thống thiết bị như cửa nhận nước, máy bơm, thiết bị xả sâu - xả mặt, hệ thống cảnh báo vùng hạ du bằng còi hú, loa phát thanh, camera giám sát và thông tin liên lạc đều đã được kiểm tra, đảm bảo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống.
Bên cạnh công tác kỹ thuật, các đơn vị cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuần tra, kiểm tra thân đập, mái taluy, hệ thống giao thông nội bộ và các khu vực ngoài phạm vi quản lý nhưng tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt.
Việc theo dõi số liệu quan trắc và địa chấn được duy trì liên tục, nhằm đánh giá chính xác tình trạng công trình và đưa ra cảnh báo sớm nếu có dấu hiệu bất thường.
Đồng thời, nguồn nhân lực, vật tư và thiết bị ứng cứu cũng đã được bố trí đầy đủ, sẵn sàng xử lý các tình huống sự cố do mưa lũ gây ra. Các công ty cũng phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để bố trí máy móc, nhân lực tại các vị trí trọng yếu, bảo đảm khả năng ứng phó nhanh chóng trong trường hợp xảy ra sạt lở, ngập úng hoặc chia cắt giao thông nội bộ.
Đặc biệt, công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thông báo, cảnh báo vùng hạ du được đặt ở mức ưu tiên cao.
Khi cần thiết phải xả lũ khẩn cấp, hệ thống thông tin hai chiều sẽ được kích hoạt thông qua loa phát thanh, tin nhắn cảnh báo, còi báo động và thông báo trực tiếp, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân sinh sống dọc theo sông Đà và các khu vực lân cận.