Toàn cảnh

Vận hành hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng xuất khẩu

Ngọc Nga 21/07/2025 - 15:37

Trước nguy cơ gia tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại nhằm vào hàng xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo sớm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó và bảo vệ quyền lợi trên thị trường quốc tế.

Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2025, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 9 vụ điều tra mới, bao gồm 7 vụ chống bán phá giá và 2 vụ tự vệ, đến từ 8 thị trường khác nhau. Ngoài ra, cơ quan này đang tiếp tục xử lý 33 vụ việc kéo dài từ năm 2024 và nhiều vụ rà soát thuế khác. Đáng chú ý, một số mặt hàng đã bị nộp đơn đề nghị điều tra dù chưa bị khởi xướng chính thức.

Thep - chong ban pha gia

Phạm vi các mặt hàng bị điều tra cũng đang mở rộng, từ những sản phẩm truyền thống như thép, xi măng, sợi sang các mặt hàng mới như giấy gợn sóng, vỏ viên nhộng cứng, sơ-mi rơ-moóc. Nhiều thị trường từng ít áp dụng biện pháp phòng vệ với Việt Nam như Nam Phi, Ai Cập, Brazil… nay cũng gia tăng các cuộc điều tra, cho thấy xu hướng bảo hộ ngày càng mạnh.

Không chỉ tăng về số lượng, các vụ việc còn trở nên phức tạp hơn về mặt kỹ thuật. Canada áp dụng yếu tố “kinh tế phi thị trường” để làm cơ sở tính toán biên độ phá giá; Mexico và Brazil sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ ba, khiến mức thuế áp cao hơn thực tế. Những phương pháp này tạo ra thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt, vốn khó chứng minh tính hợp lý về chi phí và năng lực cạnh tranh.

Để đối phó với tình hình trên, hệ thống cảnh báo sớm do Cục Phòng vệ thương mại phát triển có nhiệm vụ giám sát liên tục các tín hiệu thương mại từ hơn 60 Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, kết hợp với dữ liệu xuất khẩu và các nguồn tin thị trường. Qua đó, hệ thống có thể phát hiện sớm các dấu hiệu xung đột thương mại, nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, hoặc bị áp dụng biện pháp tự vệ.

Hiện hệ thống đang theo dõi sát sao hàng trăm mặt hàng có kim ngạch lớn tại các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Canada, Ấn Độ, Australia và các nước ASEAN. Khoảng 300 mặt hàng được đánh giá có nguy cơ cao đã được đưa vào danh sách cảnh báo, giúp doanh nghiệp kịp thời nhận diện rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất – xuất khẩu phù hợp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn, Cục Phòng vệ thương mại cũng đang triển khai các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu theo từng ngành hàng và từng địa phương. Đồng thời, danh sách cảnh báo sẽ được cập nhật thường xuyên trên nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, chuẩn bị hồ sơ, minh chứng và chiến lược ứng phó khi cần thiết.

Hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, tăng cường minh bạch trong xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong bối cảnh xu hướng bảo hộ toàn cầu ngày càng phức tạp.

Ngọc Nga