Đề nghị hướng dẫn cụ thể thẩm quyền thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công
Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp của Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 14/CV-BCĐ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Trong văn bản này, Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để các địa phương thực hiện.
Hiện nay, quy định liên quan đến thẩm quyền thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công đang được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 và Nghị định số 118/2025/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa đồng nhất, dẫn đến những lúng túng trong quá trình triển khai tại địa phương.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đang xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về thành lập, tổ chức lại và giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã).
Song song đó là việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm các nội dung: Quy định tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính; Tiêu chí, điều kiện và thủ tục công nhận xã đảo, xã an toàn khu; Cơ cấu tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố và quy định về lập, quản lý hồ sơ địa giới hành chính.

Cùng với những nội dung pháp lý, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu tăng cường nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ cho cấp xã, đồng thời xây dựng các chính sách thu hút và giữ chân cán bộ có năng lực về công tác tại cơ sở.
Về lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền quản lý đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động. Đồng thời, Bộ cần ban hành các quy định nhằm thúc đẩy tự chủ và xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là ở bậc mầm non và tiểu học; hướng dẫn thực hiện cơ chế giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục nhằm giảm áp lực về biên chế giáo viên.
Đối với lĩnh vực tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức, tiêu chuẩn đơn giá cho phù hợp thực tiễn.
Đồng thời, tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi các luật liên quan đến đặt hàng, đấu thầu và mua sắm dịch vụ công. Bộ cũng được giao nhiệm vụ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phương án cân đối ngân sách phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giải quyết chế độ cho các đối tượng nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 178 và Nghị định 67.
Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến trụ sở, phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp cần được Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ kịp thời.
Về mặt hạ tầng công nghệ, Ban Chỉ đạo giao Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất phương án tổng thể nâng cấp cơ sở hạ tầng số và cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của các Trung tâm Phục vụ Hành chính công tại địa phương. Mục tiêu là đảm bảo sự kết nối đồng bộ, thông suốt giữa các trung tâm này với các bộ, ngành và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, Bộ cũng cần đề xuất các giải pháp cụ thể cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cấp hạ tầng số tại những địa bàn còn nhiều khó khăn như miền núi, hải đảo, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các “vùng lõm sóng”, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào đời sống.
Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ sớm ban hành hoặc sửa đổi các Thông tư quy định tiêu chí xếp hạng trong những lĩnh vực có thay đổi khi tổ chức lại bộ máy. Đồng thời, hướng dẫn thống nhất tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế kiểm tra, nghiệm thu; đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức sự nghiệp ngoài công lập và doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.
Cuối cùng, Ban Chỉ đạo đề nghị tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Quyết định liên quan đến Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; đồng thời, cần bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ công do địa phương quản lý, phù hợp với tinh thần của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.