Toàn cảnh

Xuất khẩu chuối, dứa, chanh dây... kỳ vọng đạt tỷ USD

K.N 18/07/2025 - 15:41

Sau sầu riêng, chuối, dứa và chanh dây đang nổi lên như những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới của nông sản Việt Nam, với kim ngạch gần 700 triệu USD mỗi năm và kỳ vọng cán mốc tỷ USD nếu được đầu tư bài bản và mở rộng vùng trồng.

Tại Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 18/7 tại TP.HCM, các chuyên gia nhận định chuối, dứa và chanh dây có tiềm năng không kém sầu riêng - loại trái cây từng mang về vài tỷ USD cho Việt Nam trong vài năm gần đây.

Ông Nguyễn Như Cường - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, với kim ngạch đạt gần 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024, sầu riêng là trái cây duy nhất lọt vào nhóm xuất khẩu "tỷ đô". Tuy nhiên, năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1,28 triệu ha trong đó, 4 loại trái cây là chanh dây, chuối, dứa và dừa có nhiều tiềm năng mang lại tỷ USD. Vì vậy, các ngành hàng này cần được đầu tư và khai thác hiệu quả.

Toa dam chanh day
Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn sáng 18/7

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam hiện có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả, sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, chuối chiếm 161.000ha, xuất khẩu đạt gần 380 triệu USD trong năm 2024, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 9 thế giới về xuất khẩu chuối. Chuối Việt đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU và Trung Quốc.

Tuy vậy, năng suất kinh tế vẫn chưa tương xứng. Thu nhập bình quân từ trồng chuối hiện chỉ đạt 2.400 USD/ha (khoảng 62 triệu đồng), thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Đặt mục tiêu nâng mức này lên 20.000 USD/ha, Công ty Unifarm đang triển khai mô hình trồng chuối công nghệ cao.

Ông Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty Unifarm cho rằng, thay vì điều chỉnh chất lượng theo từng thị trường, Unifarm áp dụng một bộ tiêu chuẩn thống nhất từ giống, canh tác, thu hoạch đến truy xuất nguồn gốc. Nếu ngành hàng đồng thuận sản xuất quy mô lớn và công nghệ hóa, ông tin rằng chuối Việt hoàn toàn có thể đạt quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thậm chí hướng đến mốc 4 tỷ USD trong dài hạn.

xuat_khau_chuoi.jpeg
Các chuyên gia nhận định chuối có thể đạt quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Trong khi đó, chanh dây cũng đang nổi lên mạnh mẽ. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods, chỉ sau một thập kỷ, ngành chanh dây từ số 0 đã đạt doanh thu hàng trăm triệu USD, riêng sản phẩm xay nhuyễn và cô đặc chiếm khoảng 300 triệu USD. Ông Hùng nhận định nếu được quy hoạch bài bản và mở rộng thị trường Trung Quốc, chanh dây hoàn toàn có thể đạt mốc tỷ USD.

Hiện, Việt Nam đang xúc tiến mở rộng xuất khẩu chanh dây chính ngạch sang Mỹ, đồng thời đàm phán với Hàn Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, ngành vẫn gặp một số điểm nghẽn như vùng trồng chưa ổn định, chất lượng giống thấp và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Để tháo gỡ, ông Hùng kiến nghị tập trung vào bốn giải pháp: quy hoạch vùng trồng hợp lý, kiểm soát chất lượng giống, siết chặt quản lý hóa chất nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị.

chanh-day-xuat-khau.png
Chanh dây xuất khẩu của Nafoods

Ngoài chuối và chanh dây, dứa và dừa cũng là hai mặt hàng được đánh giá tiềm năng. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường dứa toàn cầu trị giá gần 29 tỷ USD, tăng trưởng 6,3% mỗi năm. Nước dứa cô đặc của Doveco hiện đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia.

Ông Nguyên đề xuất cần tháo “nút thắt” đất đai thông qua đấu giá, thuê hoặc cổ phần hóa đất công để phục vụ nông nghiệp hiện đại, đồng thời đầu tư vào giống, thủy lợi và cơ giới hóa.

Tuy nhiên, Cục Trồng trọt lưu ý một số hạn chế đang cản trở sự phát triển bền vững của trái cây Việt Nam, gồm: Vi phạm quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi nhãn sai, và quản lý lỏng lẻo mã số vùng trồng. Cục kiến nghị cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác xã làm nòng cốt, nâng cao năng lực giám sát và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Ngô Quốc Tuấn - Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, ngành trái cây muốn đột phá phải dịch chuyển từ tăng sản lượng sang nâng chất lượng, phát triển thương hiệu và đầu tư công nghệ. Đặc biệt, cần tuyệt đối tuân thủ kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc và quy chuẩn ghi nhãn, nhất là tại thị trường Trung Quốc. “Muốn giữ thị trường, doanh nghiệp phải gắn bó lâu dài với nông dân và hợp tác xã”, ông Tuấn nhấn mạnh.

K.N