Thủ tướng thúc tiến độ xử lý gần 3.000 dự án vướng mắc, tồn đọng
Chiều 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai theo Kết luận số 77 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 170 của Quốc hội.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Kết luận 77 của Bộ Chính trị, đã đạt được một số kết quả tích cực: Nhiều vướng mắc đã được xử lý, dự án tiếp tục triển khai mang lại kết quả, giải phóng nguồn lực cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, qua rà soát mới nhất, đến nay cả nước có 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí lớn về tài sản, đất đai, nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh, làm chậm tiến độ phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do các quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập; một số địa phương nôn nóng thu hút đầu tư nhưng thiếu kiểm soát rủi ro; trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu kinh nghiệm, nguồn lực triển khai dự án, dẫn đến vi phạm, dở dang hoặc đình trệ.
Thủ tướng chia các dự án thành ba nhóm: Nhóm 1 là các dự án có sai phạm rõ ràng, cần xử lý nghiêm minh; Nhóm 2 là dự án vướng về thủ tục pháp lý, cần tháo gỡ kịp thời; Nhóm 3 là các dự án có dấu hiệu vi phạm, cần được xem xét kỹ trước khi quyết định hướng xử lý.
Thủ tướng cho biết thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý để xử lý các dự án vướng mắc. Trong đó, Kết luận 77 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 170 của Quốc hội, Nghị định 76 và 91 của Chính phủ là các văn bản trọng tâm. Đồng thời, Ban Chỉ đạo quốc gia 751 do Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban đã được thành lập để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xử lý từng trường hợp cụ thể.
Nhờ những nỗ lực đó, sau hơn một năm triển khai, hàng loạt dự án đã được gỡ vướng, giải phóng quỹ đất và dòng vốn đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Nhiều địa phương bước đầu đã chủ động rà soát, phân loại dự án, từ đó có giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, thực tế của các ý kiến phát biểu. Ông yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Thông báo kết luận hội nghị, làm cơ sở chỉ đạo thống nhất trên cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải làm có trọng tâm, trọng điểm. Không cầu toàn, không nóng vội. Rõ đến đâu làm đến đó. Làm đâu chắc đó. Làm việc nào dứt điểm việc đó. Phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”.
Ông giao Ban Chỉ đạo 751 tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đồng thời hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị trong tháng 8 tới. Ban Chỉ đạo cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương để giám sát, theo dõi quá trình thực thi, bảo đảm minh bạch, đúng pháp luật, không để phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm từng cấp: Việc thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị, Quốc hội thì phải báo cáo, xin ý kiến; việc thuộc Chính phủ thì Chính phủ xử lý; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động giải quyết theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm.
Việc tháo gỡ dứt điểm các dự án tồn đọng không chỉ là yêu cầu phát triển kinh tế mà còn là trách nhiệm chính trị, pháp lý và đạo đức của toàn bộ hệ thống chính trị.