Toàn cảnh

Thụy Điển, Đan Mạch dẫn đầu làn sóng đầu tư Bắc Âu vào Việt Nam

Ngọc Nga 15/07/2025 10:31

Làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư từ Bắc Âu đang ngày càng rõ nét tại Việt Nam, trong đó Thụy Điển và Đan Mạch là hai quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong nửa đầu năm 2025, với các dự án công nghệ cao, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 30/6/2025, Việt Nam thu hút 21,52 tỷ USD vốn FDI, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến - chế tạo tiếp tục dẫn đầu, chiếm hơn 54% tổng vốn cấp mới.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu cho biết, 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận những chuyển biến tích cực trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với sự gia tăng đáng kể từ các quốc gia Bắc Âu. Thụy Điển bất ngờ vươn lên vị trí thứ ba trong số các quốc gia có dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn cấp mới, chỉ sau Singapore và Trung Quốc.

TT Pham Minh Chinh - Thuy Dien
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển có chủ đề “Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo” vào tháng 6 vừa qua. Ảnh: VGP

Trên nền quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Điển cũng ngày càng phát triển. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 1,48 tỷ USD. Thụy Điển đứng thứ 29/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 743,39 triệu USD. Hiện có hơn 70 doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam như ABB, Ericsson, IKEA, Volvo, H&M…

Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển có chủ đề "Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo" vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, cần truyền cảm hứng, tạo động lực cho các doanh nghiệp để cùng hai Chính phủ làm mới những động lực đã có và thúc đẩy những động lực mới. Dư địa hợp tác còn rất lớn, các doanh nghiệp hai nước phải tiên phong khai thác.

Trong khi đó, Đan Mạch cũng khẳng định vai trò là nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghiệp xanh và chuyển đổi năng lượng. Những tập đoàn như Ørsted, Vestas, COWI đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư vào điện gió ngoài khơi, logistics và tư vấn kỹ thuật phát triển bền vững.

Nha may Lego
Nhà máy Lego trị giá hơn 1 tỷ USD vừa khánh thành vào tháng 4/2025. Ảnh: VPG

Một trong những dự án tiêu biểu là nhà máy Lego trị giá trên 1 tỷ USD tại Bình Dương (nay thuộc TP.HCM), khánh thành vào tháng 4/2025. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego toàn cầu, vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo từ năm 2026 và dự kiến tạo ra khoảng 4.000 việc làm. Dự án đã đặt nền móng cho chuỗi cung ứng sạch - xanh - bền vững, đồng thời, Tập đoàn cũng có kế hoạch mở thêm trung tâm phân phối tại Đồng Nai nhằm phục vụ thị trường châu Á.

Đan Mạch hiện có 174 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn hơn 2 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào chế biến - chế tạo, bán lẻ và logistics. Trong đó lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo có 48 dự án, tổng vốn đầu tư 1,94 tỷ USD; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 31 dự án, tổng vốn đầu tư 37,1 triệu USD; lĩnh vực vận tải kho bãi có 34 dự án, tổng vốn đầu tư 15,6 triệu USD…

Với chiến lược đầu tư dài hạn gắn với các tiêu chuẩn ESG, nhà đầu tư Bắc Âu đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam như một trung tâm sản xuất - tiêu dùng mới của châu Á.

Theo các chuyên gia, làn sóng đầu tư từ Bắc Âu phản ánh nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19 và chuyển dịch sang những nền kinh tế ổn định, có tiềm năng tăng trưởng cao, như Việt Nam. Những lĩnh vực thu hút quan tâm bao gồm công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, logistics xanh và chuyển đổi số.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến nghị, để duy trì và đón đầu dòng vốn Bắc Âu, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính - đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng xanh; phát triển khu công nghiệp chuyên biệt cho đầu tư “xanh” và “số”; đồng thời xúc tiến đầu tư có chọn lọc và nâng cao khung pháp lý về ESG, thuế carbon, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư có trách nhiệm.

Ngọc Nga