Sắp ra mắt sàn việc làm quốc gia, người lao động sẽ có mã ID định danh
Việc đăng ký mã định danh (ID) cho người lao động, tích hợp với dữ liệu dân cư quốc gia, sẽ tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động.
Thông tin này được công bố tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong quản lý thị trường lao động, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Luật mới quy định rõ các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kỹ năng nghề, cung cấp dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về lao động.
Đối tượng áp dụng là toàn bộ công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên. Một điểm nhấn quan trọng là quy định về đăng ký lao động, làm cơ sở để xây dựng hệ thống dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, có khả năng cập nhật, kết nối và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như các hệ thống chuyên ngành khác.

Luật cũng bổ sung nhiều nội dung mới nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế số, như chính sách khuyến khích đào tạo và sử dụng nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Bên cạnh đó, luật cho phép người lao động được tiếp cận các nguồn vay giải quyết việc làm thông qua đa dạng hóa cơ chế huy động vốn và tăng cường hợp tác công - tư trong cung cấp dịch vụ việc làm.
Một nội dung đáng chú ý khác là cải cách toàn diện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, phạm vi bao phủ sẽ được mở rộng với cơ chế tham gia linh hoạt, mức đóng tối đa bằng 1% tiền lương. Điều kiện thụ hưởng được đơn giản hóa, thủ tục hành chính được rút gọn, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người lao động trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, luật lần này cũng đưa vào quy định về khung trình độ kỹ năng nghề, tiêu chuẩn đánh giá, cấp chứng chỉ nghề quốc gia, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, người lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ được hỗ trợ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận cơ hội việc làm toàn cầu.
Trả lời câu hỏi về việc Luật Việc làm có giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp hay không, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: tỷ lệ thất nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế thị trường lao động là một trong những điều kiện then chốt để nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp, nhất là trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu và thiếu hụt lao động cục bộ.
Việc đăng ký lao động gắn với mã ID sẽ giúp hình thành hệ thống thông tin thị trường lao động thống nhất, cho phép cập nhật dữ liệu theo thời gian thực, thay thế hoàn toàn phương thức điều tra thủ công định kỳ.
Nếu hiện nay thống kê lao động được cập nhật mỗi quý một lần, thì trong tương lai, dữ liệu “sống” sẽ cho phép điều hành chính sách lao động - việc làm một cách linh hoạt, chính xác và kịp thời hơn.
Dự kiến, Sàn giao dịch việc làm quốc gia sẽ chính thức được khai trương vào tháng 9/2025, đóng vai trò là nền tảng kết nối cung - cầu lao động trên phạm vi toàn quốc.
Người lao động sẽ có tài khoản định danh, doanh nghiệp có dữ liệu tuyển dụng số hóa, từ đó chấm dứt hoàn toàn phương thức kết nối lao động thủ công, đưa thị trường lao động Việt Nam tiến một bước dài trên con đường số hóa và hiện đại hóa.