FDI vào Việt Nam: Thách thức từ chính sách thuế quan Mỹ
Xuất khẩu Việt Nam và dòng vốn FDI đang đứng trước phép thử lớn khi Mỹ siết mạnh chính sách thuế với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nếu không gắn FDI với nâng cấp nội lực, kiểm soát chuỗi cung ứng và tạo giá trị thực chất, tăng trưởng xuất khẩu khó có thể bền vững.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số biết nói, cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt khi dòng vốn toàn cầu đang dịch chuyển mạnh khỏi Trung Quốc để tìm kiếm các điểm đến thay thế nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị và căng thẳng thương mại.
Tuy nhiên, đằng sau những con số đẹp ấy là thực tế đầy thách thức. Ngày 1/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam vào thị trường Mỹ và mức thuế lên tới 40% đối với những mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam nhưng có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ nước thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là bước đi cứng rắn tiếp theo của Mỹ trong nỗ lực siết chặt chuỗi cung ứng toàn cầu và chống lại tình trạng lách xuất xứ hàng hóa. Điều đáng nói, Việt Nam với vị thế là đối tác xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ tại Đông Nam Á đang chịu tác động trực tiếp và rõ rệt nhất từ chính sách mới này.
FDI giá rẻ không còn là lá chắn
Trong nhiều năm qua, làn sóng FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng lao động giá rẻ và tận dụng chính sách ưu đãi như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Tuy nhiên, phần lớn chuỗi giá trị sản xuất tại Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước thứ ba. Tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành, nhất là dệt may, điện tử vẫn ở mức thấp. Điều này khiến hàng hóa Việt Nam dễ bị vướng quy định nghiêm ngặt về xuất xứ, đặc biệt là khi Mỹ liên tục siết chặt các tiêu chí kiểm soát nguồn gốc sản phẩm.
Thực chất, chính sách thuế quan mới của Mỹ là đòn siết trực tiếp vào mô hình sản xuất gia công đơn giản, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để né thuế. Nhiều doanh nghiệp (DN) quốc tế đã tận dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển, nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu từ nước thứ ba rồi lắp ráp tại Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ.

Với các mức thuế mới, lợi thế về chi phí nhân công rẻ hay chính sách ưu đãi đất đai không còn là tấm khiên đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Các DN FDI nếu không thực sự đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và minh bạch chuỗi cung ứng sẽ đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao, thậm chí bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng là phép thử cho bản chất của dòng vốn FDI vào Việt Nam suốt thời gian qua. Nếu chỉ tập trung thu hút FDI số lượng lớn mà bỏ qua chất lượng, khả năng liên kết, chuyển giao công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào thế bị động, dễ tổn thương trước các biến động từ bên ngoài.
Không thể phủ nhận, FDI vẫn là nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng xuất khẩu và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, FDI chỉ thực sự mang lại giá trị bền vững khi đi cùng với nâng cấp nội lực, đặc biệt là năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước. Nếu DN trong nước vẫn đứng ngoài cuộc chơi, chỉ cung ứng các dịch vụ giá trị thấp, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến sản xuất gia công đơn thuần, dễ bị tổn thương khi thế giới siết chính sách thương mại.
Khi Mỹ áp thuế cao với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, nhiều DN FDI sẽ tính đến việc dịch chuyển sang các thị trường khác nếu Việt Nam không kịp thời nâng cấp chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa. Cùng với đó, nếu DN trong nước không đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng chất lượng cao, không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và nguồn gốc minh bạch, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng sẽ dần bị xóa nhòa.
Trong bối cảnh này, FDI không còn là bài toán số lượng, cũng không phải là lớp vỏ bọc tạm thời cho tăng trưởng xuất khẩu. Việt Nam chỉ có thể tận dụng được làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu khi biết chọn lọc nhà đầu tư chất lượng, biết gắn FDI với nâng cấp nội lực và biết chủ động thích ứng với các chính sách thương mại ngày càng khắt khe và biến động khó lường từ Mỹ.
Việc Mỹ siết thuế mạnh tay đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam không chỉ là cú sốc với DN xuất khẩu, mà còn là phép thử với chính sách thu hút FDI và năng lực nội tại của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng FDI để thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm và tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu chất lượng dòng vốn FDI không được cải thiện, nếu khu vực DN nội địa không được nâng cấp, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì lợi thế trong dài hạn.

Chính sách ưu đãi cần chuyển từ "trải thảm đỏ đại trà" sang chọn lọc có điều kiện, ưu tiên các dự án FDI thực sự mang lại giá trị gia tăng cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm. Song song với đó, cần đẩy mạnh nâng cấp khu vực DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Chỉ khi DN nội địa đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng được dòng chảy FDI để nâng cao trình độ công nghệ, kỹ năng quản trị và khả năng cạnh tranh, FDI mới thực sự mang lại giá trị bền vững cho nền kinh tế.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khi chính sách thương mại của Mỹ thay đổi theo hướng siết chặt, Việt Nam không thể tiếp tục tận dụng lợi thế chi phí đơn thuần để gia tăng xuất khẩu. Thay vào đó, chỉ có nâng cấp nội lực, minh bạch chuỗi cung ứng và xây dựng năng lực sản xuất thực chất mới là con đường duy nhất để DN Việt Nam trụ vững và phát triển.
Thực tế đang cho thấy, dòng vốn FDI chỉ thực sự mang lại giá trị bền vững khi gắn chặt với quá trình nâng cấp năng lực nội tại của nền kinh tế. Trong bối cảnh Mỹ gia tăng các biện pháp siết thuế, DN Việt Nam cần chủ động thích ứng, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm và đẩy mạnh liên kết với khu vực FDI chất lượng cao. Về phía Nhà nước, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, cần tập trung các chính sách hỗ trợ DN nội địa nâng cấp công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chỉ khi cộng đồng DN Việt Nam đủ mạnh, FDI mới thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chứ không chỉ là lớp vỏ bọc hào nhoáng nhưng dễ tổn thương trước những cú sốc chính sách từ bên ngoài.