Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn: Y tế là sức mạnh mềm trong chiến lược giữ nước
Khác với phong thái nghiêm cẩn của một vị tướng quân y từng chỉ huy nhiều nhiệm vụ đặc biệt, gánh vác nhiều trọng trách, Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn ngoài đời lại là người khá gần gũi, cởi mở. Trước buổi trò chuyện, ông nhẹ nhàng “mặc cả”: “Hãy để tôi nói về những vấn đề chung, những điều lớn hơn mỗi cá nhân. Bởi câu chuyện của tôi thì nhỏ bé lắm, chỉ nói về mình thì không có gì đáng kể”...

Giữ “cam kết”, cả cuộc trò chuyện, tôi chỉ hỏi ông đúng một câu về công việc sau khi bàn giao cương vị Giám đốc Bệnh viện Quân y (BVQY) 175 vào năm 2022. Ông cười, bảo rằng công việc vẫn đều đặn, vẫn tham gia Hội đồng chuyên môn bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, tiếp tục giảng dạy, huấn luyện chuyên môn và gắn bó với công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam. Ông nói công việc tuy còn bận rộn, nhưng tinh thần thì nhẹ nhõm hơn trước, vì không còn gánh những áp lực quản lý thường nhật: “Bây giờ, tôi có khoảng lặng để nghỉ ngơi, suy ngẫm, dành thời gian cho gia đình, bạn bè, dù thật ra thời gian ấy vẫn rất eo hẹp”...
* Trong hơn một thập niên lãnh đạo BVQY 175, tên tuổi của ông gắn liền với nhiều dấu ấn: Xây dựng và phát triển bệnh viện, phát triển mạng lưới y tế biển đảo, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và cuộc chiến chống Covid-19… Có thể chọn thành tựu nào là đáng kể nhất với ông không?
- Nói thật, để chọn một thành tựu duy nhất thì rất khó, bởi vì mỗi giai đoạn lại có một thách thức riêng và mỗi nhiệm vụ đều chất chứa nỗ lực tập thể. Nhưng nếu buộc phải nhấn mạnh, tôi cho rằng điều đáng tự hào nhất chính là việc chúng tôi đã đưa BVQY 175 từ một cơ sở còn rất khiêm tốn về hạ tầng, trang thiết bị, vươn lên trở thành bệnh viện tuyến cuối của quân đội miền Nam, một trong 6 bệnh viện trọng điểm của cả nước, được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong quá trình đó, chúng tôi không chỉ xây được một bệnh viện hiện đại, mà còn xây được một đội ngũ - những bác sĩ trẻ, những người lính thầy thuốc vừa có tay nghề, vừa có khả năng ngoại ngữ, vừa có ý thức hội nhập. Đó là lực lượng làm chủ trang thiết bị, dám ra Trường Sa, sẵn sàng đi gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và khi Covid-19 bùng lên thì chính họ cũng là người xung phong vào tâm dịch, không một lời than phiền.

Nếu nhìn lại một khoảnh khắc đáng nhớ nhất, tôi nghĩ đó là cuộc chiến chống Covid-19. Thời điểm ấy, hệ thống y tế đứng trước nguy cơ sụp đổ. Chúng tôi phải chia bệnh viện thành ba lớp, duy trì cứu chữa thường quy, cấp cứu bệnh nhân nặng, hỗ trợ Thành phố dựng bệnh viện dã chiến và cùng lúc lo cả hậu sự cho những người không qua khỏi. Có ngày, hàng trăm ca tử vong, hàng trăm gia đình chờ tin, những ký ức ấy không thể nào quên. Nhưng cũng chính trong gian khó, tôi nhìn thấy ý chí quật cường của đồng đội mình và niềm tin của nhân dân…

* Một trong những sáng kiến rất đặc biệt của ông là mô hình kết nối y tế phục vụ ngư dân Trường Sa - điều gì đã thôi thúc ông bắt đầu sáng kiến này?
- Động lực lớn nhất thôi thúc tôi và đồng đội bắt tay xây dựng mô hình kết nối y tế cho Trường Sa xuất phát từ một điều rất giản dị, đó là làm sao để những người lính, người dân giữa trùng khơi không còn cảm giác cô độc khi bệnh tật. Tôi từng nhiều lần ra đảo, chứng kiến những ca bệnh mà nếu ở đất liền chỉ là cấp cứu thông thường, nhưng giữa biển cả thì có thể thành án tử. Không có bác sĩ chuyên khoa, không có thiết bị, phương tiện di chuyển lẫn hệ thống hỗ trợ kịp thời.
Chính vì thế, tôi và anh em quyết tâm phải làm được hai việc. Thứ nhất là xây dựng một trung tâm y tế Trường Sa đủ năng lực xử lý cấp cứu nội - ngoại khoa cơ bản. Thứ hai là hình thành hệ thống telemedicine - kết nối trực tiếp mặt đất và đảo, để bác sĩ ở đất liền có thể hội chẩn, chỉ đạo điều trị từ xa. Nhiều người lúc đó nghĩ đây là ý tưởng “xa vời”, vì điều kiện hạ tầng, công nghệ, ngân sách đều hạn chế. Nhưng tôi tin, khi đã nói là chủ quyền thiêng liêng, thì phải làm đến nơi đến chốn - trong đó có chủ quyền y tế.
* Tôi nghĩ không chỉ là câu chuyện chuyên môn cứu người mà còn là một sứ mệnh lớn hơn, bởi tôi từng đọc được một chia sẻ rất ấn tượng của ông rằng: “Mỗi người dân, mỗi ngư dân an tâm bám biển là một cột mốc sống về chủ quyền”. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về cách ông nhìn nhận mối liên hệ giữa y tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia?
- Tôi thật sự tin rằng, bảo vệ chủ quyền không chỉ là dựng bia, cắm cờ hay những cột mốc bê tông. Cột mốc bền vững nhất là niềm tin của những con người đang sống và làm việc trên mảnh đất ấy. Mỗi khi bà con ngư dân xuống tàu ra biển, họ đang đánh cược sinh mạng của mình giữa phong ba. Nhưng nếu họ biết rằng, bất kỳ lúc nào hoạn nạn, sẽ có bác sĩ sẵn sàng cấp cứu, có trực thăng đưa về đất liền, có hệ thống telemedicine kết nối 24/24, thì họ mới thật sự an tâm bám biển.
Đó là lý do tôi gọi họ là những “cột mốc sống”. Bởi nếu không có người, biển đảo sẽ chỉ còn là khoảng không. Mà để người dân yên tâm ở lại, thì y tế phải đi trước một bước. Phải đưa bác sĩ trẻ ra đảo, phải mang thiết bị hiện đại ra đảo, phải xây được một trung tâm y tế đủ sức xử lý cấp cứu ban đầu. Khi đó, y tế không chỉ chữa bệnh mà chính là bệ đỡ tinh thần, là hậu phương vững chắc.
Tôi vẫn nhớ rất rõ, lần đầu tiên ê kíp thực hiện ca sinh mổ tại Trường Sa. Một em bé chào đời giữa trùng khơi, với sự chỉ đạo từ đất liền qua màn hình telemedicine. Sau này, không chỉ một mà có hai đứa trẻ sinh ra ở Trường Sa đã được cha mẹ đặt tên theo tên các bác sĩ quân y như một cách tri ân. Đó không phải những ca phẫu thuật bình thường, mà là minh chứng rằng chúng ta đã thật sự hiện diện bằng cả trái tim và trách nhiệm.
Nhiều người hỏi chúng tôi vì sao phải kỳ công làm cho bằng được những chuyện như vậy. Câu trả lời rất giản dị: Nếu hôm nay ta không làm, ngày mai sẽ chẳng còn ai dám ra biển nữa. Mà khi biển trống người, chủ quyền cũng phai nhạt. Bởi vậy, trong góc nhìn của tôi, y tế là một phần của chiến lược giữ nước - là sức mạnh mềm, âm thầm, bền bỉ, nhưng vô cùng quan trọng.

* Trong các phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, ông và các đồng đội đã mang hình ảnh người lính áo trắng Việt Nam đi rất xa. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của "sức mạnh mềm" y tế trong công tác đối ngoại thông qua những giá trị nhân văn ấy?
- Tôi cho rằng đây là một câu chuyện rất sâu sắc và cũng rất đặc biệt. Bởi vì suốt nhiều năm chiến tranh, chúng ta đã quá quen với sức mạnh cứng - tức là chiến đấu, giải phóng, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng khi hòa bình đến, sức mạnh mềm lại trở thành thứ không kém phần quan trọng.
Khi lực lượng quân y của ta sang Nam Sudan gìn giữ hòa bình, ban đầu nhiều người cũng nghi ngại: Liệu một bệnh viện dã chiến của Việt Nam có làm được gì giữa một đất nước còn bom rơi đạn nổ, nghèo đói, dịch bệnh tràn lan? Nhưng thực tế đã chứng minh, y tế chính là cầu nối bền vững nhất giữa con người với con người.
Chúng ta không chỉ đến để khám chữa bệnh, mà còn dạy chữ cho trẻ em bản địa, hướng dẫn người dân canh tác, chia sẻ hạt giống rau, con giống, dạy họ giữ vệ sinh phòng bệnh, tổ chức thể thao, văn nghệ. Tôi vẫn gọi đó là “ngoại giao rau xanh” - nghe bình dị, nhưng lại rất hiệu quả. Chính những luống rau, những quả cà, bông hoa do bộ đội Việt Nam tự trồng, chia sẻ đã trở thành nhịp cầu gắn kết niềm tin. Khi người dân địa phương tin mình, họ tin cả hình ảnh đất nước Việt Nam. Nhiều người từng nói với tôi, họ nhớ đến Việt Nam không chỉ vì chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, mà còn vì những người lính mũ nồi xanh đã đến tận nơi khó khăn nhất, sống cùng họ, chữa bệnh cho họ, dạy họ cái chữ, cùng họ hát một bài dân ca. Với tôi, đó chính là sức mạnh mềm mà y tế quân đội tạo ra: Không cần khẩu hiệu to tát, chỉ cần tấm lòng thật sự nhân hậu và sự bền bỉ không lùi bước.
Điều này cũng xuất phát từ một mong ước lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói từ những năm 1946: Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, và sẽ góp phần bảo vệ hòa bình của nhân loại. Từ ý tưởng đó, phải nhiều thập kỷ sau chúng ta mới hội đủ điều kiện, mới có thể đưa được lực lượng quân y tham gia sứ mệnh quốc tế. Đó là một hành trình rất gian khó, nhưng cũng rất tự hào. Tôi luôn tin rằng nếu có điều gì Việt Nam nên tự hào trên trường quốc tế, thì trước hết là những giá trị nhân văn này. Và tôi mong trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng các mô hình y tế gìn giữ hòa bình, để hình ảnh "người lính áo trắng" Việt Nam còn lan tỏa xa hơn nữa.
.jpg)

* Thưa ông, chúng ta đang bước qua nhiều dấu mốc đặc biệt: 50 năm thống nhất đất nước, 20 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam TP.HCM, và cũng sắp đến 65 năm kể từ khi nỗi đau da cam bắt đầu gieo rắc hậu quả dai dẳng. Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của cộng đồng đối với các nạn nhân da cam hôm nay?
- Trước hết, tôi muốn nói rằng chất độc da cam không phải chuyện quá khứ. Chiến tranh đã qua hơn 50 năm, nhưng hậu quả vẫn còn đó, âm ỉ qua nhiều thế hệ. Giờ chúng ta đã sang thế hệ thứ ba, thứ tư rồi. Đây là một nỗi đau không chỉ về sinh học, mà còn là vết thương xã hội, đạo đức và công lý.
Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội, tôi càng thấm thía rằng nạn nhân da cam không nên chỉ được nhìn như gánh nặng. Họ là những con người đã sống sót qua nghịch cảnh và hoàn toàn có thể trở thành người truyền cảm hứng nếu chúng ta biết cách nâng đỡ.
Bởi vậy, Hội TP.HCM - bên cạnh hoạt động từ thiện đang tập trung xây dựng mô hình “Làng Cam”. Nơi đó vừa chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, vừa dạy nghề, huấn luyện kỹ năng để họ tự lao động, tự tạo ra giá trị. Tôi muốn từ những người nhận hỗ trợ, họ trở thành người có ích, có tự trọng và niềm tin. Không chỉ xoa dịu, mà phải thay đổi số phận bằng hành động cụ thể.
Tôi vẫn nói: Nếu ngày xưa chúng tôi ra chiến trường để giành độc lập, thì hôm nay, chúng tôi bước vào "cuộc chiến" khác - đòi công lý và nhân đạo. Cuộc chiến này không có súng đạn, nhưng cũng cam go và cần sự bền bỉ. Và tôi mong nhận được sự chung tay của toàn xã hội, bởi không ai có thể làm điều này một mình.

* Ông nói mong muốn lớn nhất là biến những nạn nhân da cam từ chỗ nhận hỗ trợ trở thành những người tự tin, có khả năng truyền cảm hứng. Theo ông, điều gì là khó nhất để làm được điều đó? Và trong thời gian tới, cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ có thể chung tay thế nào để góp phần xoa dịu nỗi đau và thay đổi số phận các nạn nhân?

- Khó nhất không phải chuyện vật chất, mà là làm sao khơi dậy trong mỗi nạn nhân một niềm tin rằng họ có giá trị, rằng họ không phải gánh nặng. Bởi nhiều người đã phải chịu mặc cảm quá lâu. Có gia đình ba thế hệ đều bệnh tật, khổ sở. Nếu chỉ trao cho họ vài suất quà, họ sẽ biết ơn nhưng chưa chắc họ tin mình có thể tự thay đổi số phận. Đó là lý do chúng tôi tha thiết muốn xây dựng Làng Cam, không phải như một trại nuôi dưỡng, mà như một trung tâm huấn luyện. Ở Làng Cam, chúng tôi cung cấp dịch vụ y tế, phục hồi chức năng, dạy nghề, dạy kỹ năng. Nhưng quan trọng hơn hết là phải trao cho họ một chỗ dựa tinh thần để họ tự đứng lên.
Cộng đồng, nhất là các bạn trẻ có thể chung tay bằng nhiều cách. Trước hết là thấu hiểu. Hiểu rằng đây không phải chuyện của một nhóm người thiểu số, mà là trách nhiệm đạo lý với đồng bào mình. Thứ hai là tham gia, dù là ủng hộ vật chất, tình nguyện hỗ trợ đào tạo, hay đơn giản là lan tỏa thông tin để xã hội bớt vô cảm. Tôi vẫn tin, một đất nước từng trải qua chiến tranh và đã đứng dậy được thì cũng có thể làm điều đó cho những người yếu thế nhất. Chỉ cần mỗi người góp một phần nhỏ, thì không ai bị bỏ lại phía sau. Và tôi mong thế hệ trẻ hôm nay sẽ coi đây là một sứ mệnh cần được tiếp nối - không phải để nhắc lại nỗi đau, mà để viết tiếp câu chuyện nhân ái.
* Chúng ta nhắc rất nhiều đến hai chữ “hòa bình” - đó không chỉ là trạng thái mà còn là khát vọng lớn lao của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương, mất mát. Ông muốn gửi gắm điều gì nhất đến thế hệ trẻ hôm nay?
- Tôi luôn tin rằng, hòa bình là thành quả rất đắt giá. Thế hệ cha anh chúng tôi và nhiều người đi trước đã trả giá bằng xương máu, bằng tuổi trẻ để giành được nó. Và các bạn hôm nay đang được hưởng một cuộc sống đầy đủ, yên bình hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử dân tộc. Nhưng chính vì vậy, trách nhiệm của các bạn càng lớn. Hòa bình không phải điều hiển nhiên. Nó cần được gìn giữ, nuôi dưỡng và tiếp tục phát triển bằng tri thức, nhân ái và hành động cụ thể.
Tôi mong các bạn hiểu rằng, chỉ riêng việc được sinh ra trong thời bình, được có sức khỏe và trí tuệ đã là may mắn rất lớn rồi. Đừng lãng phí điều đó. Hãy biến ước mơ thành hiện thực, và biến hiện thực thành những điều tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng, đất nước. Đừng nghĩ những việc tử tế là chuyện cao xa. Mỗi hành động nhỏ, một nghĩa cử sẻ chia, một công việc làm tử tế cũng là cách các bạn viết tiếp câu chuyện hòa bình.
Tôi tin rằng, nếu thế hệ trẻ giữ được niềm tin, giữ được khát vọng, thì chúng ta không chỉ bảo vệ được hòa bình hôm nay, mà còn làm nó lớn lên, lan tỏa hơn cho mai sau…
Thiếu tướng, TTND Nguyễn Hồng Sơn

* Gần đây, chúng ta được chứng kiến những thành tựu rất đáng tự hào của y tế Việt Nam nói chung và y tế TP.HCM nói riêng. Từ góc nhìn của một người đã gắn bó gần 40 năm với ngành y, ông đánh giá thế nào về vị thế của y tế Thành phố hiện nay và tiềm năng phát triển du lịch y tế trong giai đoạn mới?
- Tôi cho rằng y tế Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM đang bước vào một giai đoạn phát triển rất đáng tự hào. Trong đại dịch Covid-19, đội ngũ y bác sĩ, nhiều người còn rất trẻ, đã chứng minh bản lĩnh, năng lực chuyên môn và tinh thần dấn thân không tính toán thiệt hơn. Họ thực sự là thế hệ mới viết tiếp câu chuyện trách nhiệm và nhân ái. Hay sau đại dịch, nhiều thành tựu y tế đã tạo dấu ấn rất riêng trong khu vực.
Hiện nay, TP.HCM vẫn là trung tâm lớn và rất quan trọng của y tế phía Nam. Nhiều bệnh viện đã làm chủ những kỹ thuật rất cao như hồi sức cấp cứu, ghép tạng, can thiệp tim mạch, điều trị ung bướu. BVQY 175 nơi tôi gắn bó gần 40 năm, sau đại dịch vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng về ghép tạng, chúng tôi đã thực hiện hơn 60 ca ghép thận và 5 ca ghép gan, nhờ vào nỗ lực rất lớn của cả đội ngũ. Đồng thời, bệnh viện cũng mở rộng năng lực điều trị chuyên sâu, góp phần nâng cao uy tín y tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Về du lịch y tế, tôi cho rằng TP.HCM có rất nhiều tiềm năng. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trang thiết bị đồng bộ, kinh nghiệm hợp tác quốc tế, và cả yếu tố dịch vụ đã được cải thiện đáng kể. Nếu làm tốt công tác quản trị chất lượng và xây dựng các gói dịch vụ điều trị kết hợp nghỉ dưỡng, Thành phố hoàn toàn có thể trở thành điểm đến y tế hàng đầu trong khu vực…
* Nhưng việc phát triển du lịch y tế hiện nay đã tương xứng với tiềm năng chưa, theo ông?
- Tôi nghĩ chúng ta đang còn rất nhiều dư địa, đồng nghĩa còn rất nhiều việc cần làm. Việt Nam có đội ngũ bác sĩ giỏi, hệ thống bệnh viện hiện đại dần lên, chi phí điều trị cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực nhưng khâu dịch vụ, truyền thông, xây dựng thương hiệu vẫn còn rời rạc.
Nhiều nơi mới chỉ tập trung chữa bệnh, chưa coi trải nghiệm của bệnh nhân quốc tế là một sản phẩm hoàn chỉnh, từ khâu tư vấn, tiếp đón đến hậu mãi. Ngoài ra, công tác quản lý chất lượng và liên kết giữa ngành y tế với ngành du lịch còn yếu. Nếu không thay đổi tư duy, không đầu tư bài bản thì rất khó cạnh tranh lâu dài.
* Theo ông, để phát triển du lịch y tế thực sự hiệu quả và bền vững, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?
- Theo tôi, để phát triển du lịch y tế hiệu quả và bền vững, cần tập trung vào nhiều nhóm giải pháp khác nhau:
Về phía cơ quan quản lý và ngành y tế nói chung, trước hết phải thay đổi nhận thức. Du lịch y tế không chỉ đơn thuần là chữa bệnh xong rồi về, mà là một chuỗi dịch vụ khép kín: Tư vấn trước điều trị, tổ chức lưu trú, chăm sóc phục hồi, theo dõi hậu điều trị. Phải coi đây là một ngành kinh tế dịch vụ đặc biệt, cần đầu tư đồng bộ về chính sách, hạ tầng và truyền thông để thu hút người bệnh quốc tế. Đồng thời, phải quy hoạch rõ ràng nhiệm vụ và thế mạnh của từng bệnh viện. Không thể chạy theo phong trào hay yêu cầu tất cả các bệnh viện đều làm du lịch y tế. Bệnh viện nào đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật và mô hình quản trị thì mới nên triển khai, tránh dàn trải, hình thức.
.jpg)
Đối với các bệnh viện, bắt buộc phải thay đổi tư duy quản trị và phong cách phục vụ. Không thể giữ lối vận hành cũ rồi mong có dịch vụ hiện đại. Bệnh viện phải chuyên nghiệp hơn, rõ quy trình, lấy người bệnh làm trung tâm, và xây dựng đội ngũ tiếp nhận, chăm sóc khách hàng có kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng văn hóa quốc tế. Đồng thời, cần chủ động liên kết với ngành du lịch, các hãng bảo hiểm, các công ty dịch vụ để hình thành hệ sinh thái hoàn chỉnh. Khi bệnh nhân cảm thấy được tôn trọng và chăm sóc chu đáo, họ mới an tâm lựa chọn.
Về đội ngũ y bác sĩ, quan trọng nhất là không ngừng học hỏi và không tự mãn. Thời đại này thay đổi từng ngày, công nghệ mới, kỹ thuật mới ra liên tục. Ai không cập nhật sẽ tụt hậu rất nhanh. Nhưng y tế không chỉ có chuyên môn mà còn đòi hỏi sự tử tế, đồng cảm và trách nhiệm với người bệnh. Nhất là bệnh nhân quốc tế, họ không chỉ cần tay nghề mà còn tìm kiếm niềm tin và sự an tâm. Đó là điều không máy móc nào thay thế được.
* Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị!
Ảnh, video: Quỳnh Lâm - Đồ hoạ: Thanh Trúc