Bản tin tổng hợp

Kết nối giao thương với doanh nghiệp Việt tại Úc: Bứt phá kinh tế tư nhân Tây Nam Bộ

T.Hải 09/07/2025 16:32

Sáng 9/7, tại An Giang, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Doanh nhân Trẻ An Giang; Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc đã tổ chức chương trình Kết nối giao thương với doanh nghiệp Việt tại Úc và Diễn đàn Kinh tế tư nhân khu vực Tây Nam Bộ 2025. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp đến từ khu vực Tây Nam Bộ và nhiều tỉnh, thành khác, đặc biệt là TP.HCM mới (bao gồm tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ).

Liên kết thị trường Việt - Úc

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thành Huân - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang đánh giá cao ý nghĩa chương trình. Ông nhấn mạnh đây là sự kiện đối ngoại kinh tế có quy mô lớn đầu tiên của tỉnh An Giang sau khi sáp nhập với tỉnh Kiên Giang.

42600048.jpg
Ông Nguyễn Thành Huân - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang phát biểu tại sự kiện

Ông Thành Huân cho rằng, chương trình là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cùng thảo luận, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho tỉnh An Giang mới. Trong khuôn khổ sự kiện, các phiên kết nối giao thương giữa DN trong nước và DN Việt Nam tại Úc được đặc biệt chú trọng, phát huy được nguồn lực tri thức, kinh nghiệm quốc tế và tình cảm sâu sắc của kiều bào đối với quê hương. Ông tin rằng, thông qua các hoạt động đối thoại, kết nối B2B và xúc tiến đầu tư - thương mại, nhiều cơ hội hợp tác thiết thực sẽ được mở ra, tạo nền tảng vững chắc cho DN An Giang và Tây Nam Bộ hội nhập quốc tế, trong đó có thị trường “khó tính” như Úc.

Đồng thời, ông Huân khẳng định: “An Giang cam kết cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; đầu tư phát triển hạ tầng logistics, giao thông và công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ; tăng cường đối thoại công - tư và hỗ trợ thiết thự doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường, công nghệ và tài chính”.

Bà Trần Thị Thanh Mỹ - Phó tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị. Bà Thanh Mỹ cho biết, thị trường Úc giàu tiềm năng, nhưng kỹ tính. Úc là thị trường đa dạng văn hóa, có sức mua lớn và tiềm năng tiêu thụ cao đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng của Việt Nam, đặc biệt phù hợp với thế mạnh của vùng Tây Nam Bộ, với các sản phẩm đặc trưng như trái cây nhiệt đới, lúa gạo, thủy sản và nông sản chế biến.

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Úc khi hai nước chính thức nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Theo bà Thanh Mỹ, Úc hiện là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều vượt mốc 15 tỷ USD. Con số này cho thấy sự bổ trợ mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế và cũng mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam.

tham tán---
Bà Trần Thị Thanh Mỹ - Phó tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc phát biểu

Bà Thanh Mỹ cũng cam kết, với vai trò đại diện Bộ Công Thương tại Úc, Thương vụ Việt Nam sẽ đồng hành cùng DN và Hiệp hội trong hành trình vươn ra thị trường Úc. Cụ thể, cơ quan sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý và kỹ thuật xuất khẩu, cũng như kết nối doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống phân phối và nhà nhập khẩu tại Úc.

"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc để tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả và bền vững, giúp hàng hóa và dịch vụ Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn tại thị trường đầy tiềm năng này”, bà Mỹ nhấn mạnh.

TS. Trần Bá Phúc - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA), khẳng định, Úc là thị trường giàu tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam. Theo ông, các mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam đã có mặt rộng rãi tại thị trường Úc, thậm chí phủ sóng tới khu vực Bắc Úc, với nhiều sản phẩm khẳng định được thương hiệu và chất lượng như: Tôm, cá tra, hạt điều, hạt tiêu, vật liệu xây dựng... Các ngành dịch vụ công nghệ tài chính, y tế, giáo dục… cũng phát triển không ngừng, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu vào Úc.

“Từ năm 2020, Hội đã thành lập Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Úc Việt nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam tại Úc. Nhờ đó, đến nay, đã có gần 200 mặt hàng và sản phẩm Việt Nam được đưa vào hệ thống bán lẻ và chuỗi siêu thị tại Úc. Thị trường Úc còn nhu cầu nhập khẩu hơn 1.400 mặt hàng sản phẩm từ Việt Nam, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã vượt 14 tỷ USD, trong đó, năm 2023 là 13,8 tỷ USD”, ông Phúc cho biết.

Nâng cao năng lực xuất khẩu

Nhiều DN tham dự sự kiện bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ những trăn trở xoay quanh việc làm sao để đưa sản phẩm Việt Nam tiếp cận được thị trường Úc. Dù sở hữu nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, như nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng... nhưng các DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, bao bì, chứng nhận an toàn thực phẩm hay thủ tục kiểm định khi đưa hàng hóa vào thị trường Úc.

phuc.jpg
TS. Trần Bá Phúc - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA) phát biểu

Theo các DN, rào cản lớn nhất hiện nay không chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật mà còn cả sự thiếu thông tin cập nhật về thị hiếu tiêu dùng, tiêu chuẩn của nhà phân phối tại Úc, cũng như kênh tiếp cận đối tác uy tín. Do đó, các DN mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, hiệp hội và đặc biệt là từ Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc trong việc tư vấn, kết nối và đồng hành...

Những chia sẻ này cho thấy nhu cầu thực tế rất lớn về việc nâng cao năng lực xuất khẩu cho DN trong nước, nhất là trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Úc đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế sâu rộng hơn.

Giải đáp thắc mắc của các DN, bà Bạch Thị Thiên Kim - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Úc và trưng bày hàng Việt tại Úc, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ DN Việt tại Úc cho biết, để thâm nhập thị trường Úc, các DN Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bước đầu. DN phải có đầy đủ giấy phép kinh doanh hợp pháp, thực hiện các thủ tục kiểm định, chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho hàng hóa. Đối với thực phẩm và nông sản, cần đặc biệt tuân thủ các quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm của Úc.

Bà Thiên Kim cũng chỉ ra những nhóm mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn sang Úc bao gồm: Hải sản, trái cây, trà, cà phê, thực phẩm chế biến, linh kiện điện tử, giày dép, đồ gỗ nội thất và các sản phẩm công nghiệp nhẹ.

Về thủ tục xuất khẩu, DN cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ như hóa đơn thương mại, chứng nhận xuất xứ hợp đồng, bảng kê đóng gói… Đồng thời, nên làm việc sớm với các công ty logistics có kinh nghiệm để được hỗ trợ thủ tục thông quan nhanh chóng, tránh phát sinh chi phí lưu kho bãi không cần thiết.

Bà Thiên Kim nhấn mạnh, DN cần chủ động liên hệ với Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt - Úc và khu trưng bày hàng Việt tại Úc để được hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối đối tác và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại thiết thực.

kim.jpg
Bà Bạch Thị Thiên Kim chia sẻ

Chia sẻ về việc đưa sản phẩm hữu cơ Việt Nam thâm nhập thị trường Úc, ông Bá Phúc nhận định các sản phẩm hữu cơ Việt Nam có nhiều tiềm năng tại Úc. VBAA từng tổ chức nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm hữu cơ vào thị trường này và ghi nhận phản hồi tích cực.

“Dù Úc có tiêu chuẩn riêng, nhưng nếu DN nắm rõ và tuân thủ đúng quy định, thì việc tiếp cận thị trường là hoàn toàn khả thi và thuận lợi. VBAA, Thương vụ Việt Nam tại Úc và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt - Úc sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ từ khâu tìm hiểu thị trường, hệ thống phân phối, kho bãi cho đến đưa hàng vào siêu thị, giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng Úc”, ông Phúc khẳng định.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiếp cận người tiêu dùng bản địa, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT TDP Marts Pty Ltd, đại diện chuỗi siêu thị Việt tại Úc cho biết, người tiêu dùng Úc ngày càng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nông sản và thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, hình ảnh, chất lượng của hàng Việt chưa thống nhất, còn thiếu liên kết giữa các DN xuất khẩu. Điều này khiến hàng hóa Việt dễ bị định vị thấp so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc hay Thái Lan. Ông Thắng đề xuất các DN cần mạnh dạn liên kết để tận dụng mạng lưới phân phối và sức mạnh cộng đồng DN Việt tại Úc.

“Đã đến lúc DN ở hai thị trường cần liên kết nhưng độc lập, tránh cạnh tranh lẫn nhau. Thị trường Úc rất lớn và sản phẩm từ Tây Nam Bộ hoàn toàn có thể đáp ứng tốt”, ông khuyến nghị. Ông Thắng cũng nhấn mạnh đặc thù “quản lý hậu kiểm” tại Úc, yêu cầu các DN phải nghiêm túc duy trì chất lượng, không để tình trạng “ban đầu tốt, sau kém” gây mất uy tín lâu dài. “Cách tiếp cận cần thay đổi - DN phải sang Úc bán hàng thử nghiệm và trải nghiệm thực tế”, ông Thắng khẳng định.

Bổ sung góc nhìn thực tiễn, ông Lý Hoàng Duy - Tổng giám đốc 4 Way Group đã chia sẻ kinh nghiệm đưa trái vải vào thị trường Úc. Ông cho biết, để cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, DN Việt cần đầu tư mạnh vào thiết kế bao bì, đổi mới hình thức và xây dựng thương hiệu riêng. “Hiện tại, trái vải Việt bán ở Úc vẫn sử dụng mẫu bao bì tương tự hàng Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đầu tư bài bản vào marketing dù chất lượng chưa chắc vượt trội. Vì vậy, hàng của họ vẫn bán chạy hơn”, ông Duy nói.

Từ đó, ông Duy khuyến nghị DN cần nâng cao chất lượng, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu và cải tiến hình thức bao bì nếu muốn chinh phục thị trường khó tính như Úc. Ông đánh giá cao tiềm năng của nhiều nông sản thế mạnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long như nhãn, gạo, dừa, xoài, chanh dây, bưởi...

Ở góc nhìn chiến lược, ông Bá Phúc cho biết, thị trường Úc và Mỹ có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt trong xu hướng tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng. Điều đáng chú ý là người tiêu dùng Úc thường theo dõi rất sát xu hướng tiêu dùng của cộng đồng người Việt - một yếu tố cho thấy vai trò dẫn dắt thị trường của người Việt tại đây không hề nhỏ. Đây là cơ hội để các sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Úc thông qua cộng đồng kiều bào.

So với Mỹ, giá cả hàng Việt Nam tại Úc có tính cạnh tranh cao hơn, đặc biệt khi hai nước đang tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do. Nhưng ông Phúc cũng lưu ý, mỗi quốc gia có cấu trúc tiêu dùng và ưu tiên thị trường riêng biệt. Úc có thể dễ tiếp cận hơn về thủ tục và logistics, nhưng lại đòi hỏi sự chỉn chu và nhất quán trong xây dựng thương hiệu. Mỹ có thể rộng mở về nhu cầu, nhưng lại cần chiến lược dài hơi hơn để định vị sản phẩm. Vì vậy, DN cần nghiên cứu kỹ từng thị trường để lựa chọn phân khúc phù hợp, thay vì áp dụng một công thức chung cho tất cả.

Thúc đẩy kết nối đa chiều Việt - Úc

42600200.jpg

Bà Trần Thị Thanh Mỹ cũng gợi mở tiềm năng phát triển mô hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, trong đó nhấn mạnh đến các dịch vụ nha khoa - lĩnh vực mà Việt Nam đang có lợi thế cả về tay nghề, chi phí và chất lượng dịch vụ. Bà bày tỏ mong muốn được kết nối với kiều bào tại Úc để cùng thúc đẩy mô hình này, đồng thời đưa du lịch y tế trở thành một sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và vươn ra toàn cầu.

Bà Thanh Mỹ nhấn mạnh, để du lịch y tế thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ và chuyên nghiệp. Điều này bao gồm: Cơ sở hạ tầng y tế hiện đại, đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tình, hệ thống hỗ trợ ngôn ngữ - văn hóa cho du khách quốc tế, cùng các chương trình kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng phù hợp.

Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch y tế Việt Nam tại thị trường Úc thông qua các hội chợ quốc tế, kênh truyền thông số và mạng lưới doanh nghiệp Việt tại nước ngoài. Theo bà, sự phối hợp giữa DN trong nước và cộng đồng kiều bào không chỉ giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, mà còn tạo dựng niềm tin, hỗ trợ khách hàng tiềm năng tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn.

"Với lợi thế về chi phí hợp lý, chất lượng điều trị cao và sự hiếu khách, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách Úc đang tìm kiếm các giải pháp chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng", bà Thanh Mỹ cho biết.

qc.jpg

Đồng tình với định hướng này, ông Danny Võ - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Úc cho biết, hiện nay cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, trong đó, Úc là nơi có cộng đồng đông đảo và giàu tiềm lực. Đây không chỉ là lực lượng tiêu dùng đáng kể mà còn là cầu nối quan trọng để hàng hóa, dịch vụ và văn hóa Việt Nam hội nhập với thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, để khai thác hiệu quả thị trường quốc tế, DN Việt không nên chỉ hướng tới người Việt xa xứ, mà cần tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa tiêu dùng của người bản địa, đặc biệt là trong những thị trường đa văn hóa như Úc. "Điều cần thiết là DN phải chủ động tiếp cận thực địa để nắm bắt hành vi tiêu dùng, hệ thống phân phối, yêu cầu pháp lý và xu hướng thị trường", ông Danny Võ khuyến nghị.

42600321.jpg

Riêng trong lĩnh vực du lịch kết hợp y tế, ông nhấn mạnh, Úc là một thị trường rất tiềm năng, nhất là trong các dịch vụ về mắt và răng vì người dân sẵn sàng chi trả cao cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến đáng tin cậy nhờ ưu thế về giá cả cạnh tranh, dịch vụ tốt, cùng sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại Úc.

Qua chương trình, các DN đã được trang bị thông tin thiết thực về thị trường Úc, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu tiêu dùng và các chính sách hỗ trợ hiện hành. Từ đó, có cơ sở để xác định hướng đi phù hợp nhằm đưa hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng vùng Tây Nam Bộ tiếp cận hiệu quả và bền vững vào thị trường tiềm năng này.

Chương trình 9th Monthly B2B lần thứ 23 với chủ đề “Kết nối giao thương với cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Úc” có hơn 100 gian hàng trưng bày sản phẩm của hội viên Hội Doanh nhân Trẻ An Giang cùng các doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ và TP.HCM. Chương trình còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới đối tác, khách hàng, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn.

T.Hải