Liên danh Đèo Cả - Fecon - PowerChina - Sucgi kiến nghị được giao thực hiện tuyến metro số 2 và các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM
Tập đoàn Đèo Cả, phối hợp cùng các đối tác gồm Công ty CP Fecon (Việt Nam), Tập đoàn PowerChina và Công ty TNHH Kỹ thuật Quốc tế SUCG (Trung Quốc), vừa chính thức kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chỉ định liên danh này làm nhà thầu triển khai tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và một số tuyến metro khác trong hệ thống giao thông đô thị của thành phố.
Trong văn bản gửi lãnh đạo thành phố, Tập đoàn Đèo Cả bày tỏ mong muốn được trực tiếp đóng góp vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị có vai trò chiến lược trong phát triển bền vững đô thị.
Theo đó, tập đoàn cùng các đối tác trong và ngoài nước đã chuẩn bị đầy đủ năng lực để thực hiện các dự án theo hình thức tổng thầu EPC, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư.
Nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho việc tham gia vào lĩnh vực đường sắt, từ đầu năm 2024 đến nay, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM để đào tạo hơn 200 kỹ sư giao thông chuyên ngành đường sắt.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã đưa các nhóm kỹ sư, công nhân sang học tập và thực hành thực tế tại các dự án đường sắt hiện đại tại Trung Quốc như tuyến Quảng Châu - Đông Quản - Thâm Quyến, nhằm tiếp cận công nghệ thi công hầm bằng TBM và các kỹ thuật tiên tiến khác.
Song song đó, Đèo Cả đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác chiến lược gồm Fecon, PowerChina và Sucgi để cùng thành lập liên danh đủ năng lực thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, liên danh đề xuất UBND TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 188 của Quốc hội để xem xét chỉ định thầu, giao liên danh thực hiện tuyến metro số 2 cũng như các dự án metro trọng điểm khác trong tương lai.
Tập đoàn Đèo Cả và Fecon sẽ đảm nhiệm phần lớn nguồn lực trong nước, bao gồm nhân sự kỹ thuật đã được đào tạo và hệ thống thiết bị chuyên dụng như máy khoan TBM. Liên danh cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, môi trường và tiến độ dự án, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đáng chú ý, với vai trò là đơn vị điều phối chính, Tập đoàn Đèo Cả khẳng định sẽ bảo đảm việc làm chủ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình triển khai EPC, từ đó hạn chế sự phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực nội tại của ngành xây dựng hạ tầng trong nước.
Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, thành phố đang triển khai rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể mạng lưới metro, hướng đến mục tiêu hoàn thành 7 tuyến chính với tổng chiều dài 355 km vào năm 2035.
Trong đó, thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư công kết hợp với thu hút đầu tư tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 188 (về phát triển đường sắt đô thị) và Nghị quyết 68 (về phát triển kinh tế tư nhân).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã chủ động đề xuất tham gia nghiên cứu và đầu tư các tuyến metro trọng điểm.
Cụ thể, Tập đoàn Vingroup đang triển khai nghiên cứu tuyến metro trung tâm - Cần Giờ dài 48,7km. Tập đoàn Sovico đề xuất được nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 4 dài 47,3km. Gần đây nhất, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng gửi văn bản xin được nghiên cứu và đầu tư các đoạn thuộc metro số 2 (Tham Lương - Bến Thành, Bến Thành - Thủ Thiêm) cũng như tuyến Thủ Thiêm - Long Thành.
TP.HCM cũng đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường sắt đô thị. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư có thể chủ động đề xuất nội dung và phương án triển khai phù hợp, giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm.
Trước đó, liên danh Tập đoàn Đại Dũng - Tổng Công ty Xây dựng số 1 - Tập đoàn Hòa Phát cũng đã kiến nghị được tham gia đầu tư và thi công các dự án metro, đặc biệt là tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).