Chính sách mới

Thời gian giải ngân kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ rút ngắn còn dưới 1 năm

VH 08/07/2025 15:24

Trong khuôn khổ họp báo ngày 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố những điểm mới quan trọng trong 5 đạo luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, đánh dấu bước tiến đột phá trong cơ chế hỗ trợ và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là thời gian xét duyệt và giải ngân kinh phí cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ được rút ngắn đáng kể. Thay vì phải chờ đợi tới hai năm như trước, các tổ chức, doanh nghiệp sau khi đăng ký và được phê duyệt, sẽ nhận được hỗ trợ kinh phí ngay trong cùng năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, quy trình xét duyệt và thẩm định hiện chỉ còn khoảng 6 tháng, tối đa 8 tháng; thậm chí trong một số trường hợp đặc biệt, thời gian có thể rút ngắn xuống chỉ còn 3 - 4 tháng.

Đáng chú ý, toàn bộ kinh phí hỗ trợ sẽ được thực hiện theo cơ chế khoán chi. Các tổ chức nghiên cứu sau khi nhận kinh phí sẽ được toàn quyền chủ động trong mua sắm, chi tiêu và trả lương theo đúng kế hoạch nghiên cứu đã được phê duyệt, miễn là đảm bảo lưu trữ chứng từ đầy đủ phục vụ công tác hậu kiểm.

Cơ quan quản lý sẽ giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai thông qua nền tảng số nhằm bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2025) là đạo luật đầu tiên chính thức đưa khái niệm “đổi mới sáng tạo” vào khuôn khổ pháp lý và đặt ngang hàng với khoa học và công nghệ.

Cần cơ chế tài chính thực sự “cởi trói” cho nhà khoa học - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Nếu trước đây, hoạt động KH&CN chủ yếu là lĩnh vực chuyên môn dành cho giới khoa học, thì với đạo luật mới, đổi mới sáng tạo trở thành hoạt động của toàn xã hội, nơi tri thức và công nghệ được chuyển hóa thành giá trị thực tiễn phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp khoảng 3% vào tăng trưởng GDP quốc gia, trong khi KH&CN số đóng góp khoảng 1%.

Luật cũng có nhiều quy định mới nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Cụ thể, các khoản chi cho R&D được hạch toán như chi phí sản xuất kinh doanh thông thường, không còn giới hạn ở mức tối đa 1% doanh thu và không còn điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải có lãi.

Đồng thời, các khoản chi này được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi cao, lên tới 150% hoặc 200% nếu đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ chiến lược.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có lãi còn được phép trích tối đa 5% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo.

Chính sách này hướng đến việc huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn vào việc hỗ trợ các startup công nghệ nghiên cứu, phát triển các mô hình và công nghệ mang tính đột phá.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ ưu tiên mua sắm sản phẩm khoa học và công nghệ do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Liên quan đến Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2026), ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết luật đã tạo lập khuôn khổ pháp lý toàn diện, phù hợp với các hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Đặc biệt, lần đầu tiên, điện hạt nhân được xác định là một chiến lược quốc gia, đóng vai trò thiết yếu trong bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon.

Một điểm mới quan trọng là việc thống nhất quản lý an toàn và an ninh hạt nhân về một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong suốt vòng đời nhà máy điện hạt nhân.

Đồng thời, luật cũng dành riêng một chương cho an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng đến mục tiêu làm chủ công nghệ và chuyển đổi số toàn diện.

VH