Bản tin tổng hợp

TP.HCM khai thông vận chuyển vật liệu cho Vành đai 3 bằng đường thủy

TH 04/07/2025 - 08:56

Việc triển khai cơ chế “luồng xanh” đường thủy đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ vận chuyển vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát đắp nền, từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về phục vụ thi công dự án Vành đai 3, công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM và khu vực kinh tế phía Nam.

Chiều ngày 3/7, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, việc vận chuyển cát từ các địa phương như Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre về các gói thầu thuộc tuyến Vành đai 3 hiện đã được cải thiện đáng kể nhờ cơ chế "luồng xanh" đường thủy.

So với giai đoạn trước, thời gian di chuyển bằng đường thủy đã được rút ngắn, nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra và hỗ trợ phương tiện vận tải. Việc giảm thiểu tình trạng kiểm tra trùng lặp tại nhiều trạm kiểm soát đã giúp tháo gỡ một trong những nút thắt lớn nhất của khâu cung ứng vật liệu xây dựng.

Trước đó, một số nhà thầu từng phản ánh tình trạng ách tắc trong quá trình vận chuyển cát từ miền Tây do các thủ tục kiểm tra kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các hạng mục đắp nền.

Kiến nghị có ba 'luồng xanh' để vận chuyển cát về Vành đai 3 TP.HCM | Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh

Tiếp nhận phản ánh này, UBND TP.HCM đã chủ động triển khai cơ chế “luồng xanh” đường thủy, đồng thời phối hợp với các địa phương liên quan để tạo điều kiện tối đa cho vận chuyển vật liệu.

Theo Ban Giao thông, đến nay đã có tổng cộng 16 mỏ cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long được cấp phép và điều chỉnh tăng công suất khai thác nhằm phục vụ riêng cho dự án Vành đai 3. Dự kiến, trong năm 2025, tổng sản lượng cát cung cấp đạt khoảng 4,3 triệu m³, đủ để đáp ứng nhu cầu đắp nền cho toàn bộ tuyến.

Ngoài nguồn cát, các địa phương như Đồng Nai và Bình Dương cũng đã cam kết phân bổ trên 1,5 triệu m³ đá xây dựng cho dự án trong năm nay, góp phần ổn định nguồn cung vật liệu.

Hiện nay, các nhà thầu đang chủ động huy động vật liệu theo tiến độ thi công của từng đoạn tuyến. Đặc biệt tại khu vực phía Tây, công tác xử lý nền đang được triển khai với cường độ cao. Các giải pháp kỹ thuật như bấc thấm hút chân không, thay đất yếu, đóng cừ tràm, sử dụng cọc đất - xi măng... đang được áp dụng đồng loạt nhằm đảm bảo chất lượng và độ bền của công trình.

Việc khai thông tuyến vận chuyển đường thủy và bảo đảm nguồn cung vật liệu kịp thời đang đóng vai trò then chốt trong việc giữ vững tiến độ và chất lượng thi công.

Đây là bước đi chiến lược không chỉ giúp đẩy nhanh hoàn thành tuyến Vành đai 3, mà còn thể hiện sự chủ động của TP.HCM trong kết nối vùng và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông bền vững.

TH