Tiếng nói thầm lặng định hình sức khỏe của chúng ta
Chúng ta trò chuyện với chính mình nhiều hơn bất kỳ ai khác và cách ta tự đối thoại chính là yếu tố then chốt định hình sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất. Đó là một cuộc đối thoại tưởng chừng vô hình nhưng mang sức mạnh chữa lành hoặc gây tổn thương sâu sắc.
Tự thoại - kiến trúc sư thầm lặng của đời sống nội tâm
Chúng ta nói chuyện với bản thân nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới. Nếu không hiểu chính mình, ta khó lòng thấu hiểu người khác.
Cuộc đối thoại nội tâm hay còn gọi là “tự thoại” không chỉ là dòng suy nghĩ trôi qua trong đầu. Đó là một lực tâm lý và sinh học mạnh mẽ, ảnh hưởng đến cách ta cảm nhận, chữa lành và phục hồi trong cuộc sống thường nhật.
Từ việc vượt qua bệnh tật, điều hướng nỗi đau cảm xúc cho đến quản lý công việc hằng ngày, tự thoại giữ vai trò trung tâm trong việc duy trì sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất. Đây là tấm gương phản chiếu nỗi sợ, cảm xúc và những trải nghiệm chưa được giải quyết trong ta.
Chữa lành bắt đầu từ bên trong
Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, cách ta nói chuyện với bản thân có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tổng thể. Tự thoại có thể là phương thuốc hoặc là chất độc, tuỳ thuộc vào nội dung của nó.
Lĩnh vực tâm thần kinh miễn dịch học đã chứng minh rằng suy nghĩ tích cực giúp cải thiện phản ứng miễn dịch, trong khi suy nghĩ tiêu cực làm suy yếu hệ miễn dịch và thúc đẩy viêm nhiễm. Một nghiên cứu với vận động viên cho thấy: những người sử dụng tự thoại tiêu cực trong quá trình luyện tập có mức hormone cortisol tức hormone căng thẳng cao hơn.

Trong một nghiên cứu khác tại Đại học California, Berkeley, những người thực hành lòng trắc ẩn với chính mình và nói lời động viên mỗi ngày chỉ trong 20 giây đã giảm đáng kể mức độ căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần. Điều này cũng được minh chứng rõ nét ở sinh viên đại học: những người có lối tự thoại tích cực thường vượt qua áp lực thi cử một cách hiệu quả hơn.
Tổn thương cảm xúc bắt đầu một cách âm thầm
Tự thoại tiêu cực cũng là yếu tố làm trầm trọng các mối quan hệ. Trong một mối quan hệ căng thẳng, khi những mâu thuẫn nhỏ bị lặp đi lặp lại trong tâm trí, người trong cuộc dễ rơi vào trạng thái phòng vệ và nghi ngờ.
Khi đó, nội tâm bắt đầu lặp lại những suy nghĩ như: “Họ không còn yêu mình nữa”, “Họ luôn khiến mình tổn thương”, “Mình chẳng còn ý nghĩa gì với họ”.
Những suy nghĩ này dần hình thành lối tắt cảm xúc, khiến người đó dễ nổi giận, buồn bã và lo lắng hơn. Vòng luẩn quẩn đó đẩy cơ thể vào tình trạng căng thẳng mãn tính: trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận hoạt động quá mức, liên tục tiết ra cortisol, dẫn đến tình trạng viêm nội tạng, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, lo âu, trầm cảm, mất ngủ và các bệnh lý liên quan đến stress.
Chữa lành tâm trí là chữa lành cơ thể
Vòng luẩn quẩn trên hoàn toàn có thể bị phá vỡ bằng sự nhận thức. Việc đầu tiên là nhận ra các mô thức suy nghĩ tiêu cực và chủ động thay thế bằng những câu nói tích cực hơn. Thay vì lặp lại: “Tôi bị mắc kẹt với nỗi đau này”, hãy thử nói: “Tôi đang trên hành trình tìm kiếm sự bình yên”.
Các phương pháp như liệu pháp nhận thức, thiền, yoga, thực hành lòng biết ơn, viết nhật ký cảm xúc và các kỹ thuật tự nhận thức khác có thể giúp điều hòa hệ thần kinh, thiết lập lại trạng thái cân bằng. Những lời tự nhủ tử tế như:“Tôi xứng đáng được yêu thương”, “Tôi đang chữa lành từng chút một”…được chứng minh có khả năng kích hoạt cơ chế phục hồi tự nhiên của cơ thể.
Tiếng nói nội tâm - thanh âm mạnh mẽ nhất
Cuối cùng, lời ta nói với chính mình chính là thanh âm mạnh mẽ nhất trong đời sống tinh thần, không chỉ định hình cách ta suy nghĩ mà còn quyết định cách ta sống. Trong một thế giới đầy hỗn loạn, việc thiết lập một đối thoại nội tâm tích cực có thể trở thành liệu pháp chữa lành sâu sắc, giúp ta xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với chính mình và với người khác.
Một người không sa ngã trong một ngày. Sự đổ vỡ diễn ra chậm rãi, qua từng suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại. Nhưng quá trình chữa lành cũng bắt đầu từ những thay đổi nhỏ: là khi ta lựa chọn nói lời tử tế hơn với bản thân.
Hãy lắng nghe cách bạn đang tự nói chuyện với chính mình – bởi tiếng nói nội tâm không chỉ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, mà còn định hình cơ thể, cảm xúc, các mối quan hệ và tương lai của bạn.
(*) Tác giả là một chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên sức khỏe và cây bút chuyên viết về y học