Từ 1/7/2025, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc là 25% trên tiền lương
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ được điều chỉnh lên mức 25% trên tiền lương làm căn cứ đóng.
BHXH Việt Nam cho biết, quy định mới về tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc cơ bản kế thừa nội dung từ Luật BHXH năm 2014, đồng thời bổ sung các quy định quan trọng nhằm bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, tổng tỷ lệ đóng 25% được phân bổ giữa các chủ thể tham gia. Người lao động đóng 8% vào quỹ Hưu trí và Tử tuất. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm đóng 17%, gồm 3% vào quỹ Ốm đau và Thai sản, 14% vào quỹ Hưu trí và Tử tuất.
Đối với một số nhóm đối tượng đặc thù như người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vợ/chồng của viên chức công tác tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, tỷ lệ đóng có sự điều chỉnh tương ứng từ 22% đến 25%, theo quy định tại các điều khoản tương ứng của Luật BHXH năm 2024.

Về căn cứ tiền lương để tính mức đóng, Luật BHXH mới quy định cụ thể theo chế độ tiền lương áp dụng.
Đối với người lao động thuộc khu vực Nhà nước, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là mức lương theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm, cộng với các khoản phụ cấp như phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp, nơi áp dụng chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức đóng được tính trên tiền lương tháng bao gồm: mức lương theo công việc hoặc chức danh, các khoản phụ cấp, và các khoản bổ sung được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Đối với nhóm đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên hưởng sinh hoạt phí, mức đóng BHXH trong hai năm đầu sẽ được xác định bằng 2 lần mức tham chiếu.
Sau đó, mỗi năm tăng thêm 0,5 lần mức tham chiếu, tối đa không vượt quá 4 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng. Mức lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất không vượt quá 20 lần mức tham chiếu.
Mức tham chiếu là khái niệm được sử dụng thay thế cho mức lương cơ sở sau khi bị bãi bỏ, do Chính phủ quy định và được dùng để xác định mức đóng cũng như mức hưởng một số chế độ BHXH.
Về phương thức và thời hạn đóng BHXH bắt buộc, người lao động thực hiện nghĩa vụ đóng theo phương thức hằng tháng thông qua cơ quan sử dụng lao động.
Riêng đối với lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp hưởng lương theo sản phẩm hoặc theo khoán, có thể lựa chọn đóng theo chu kỳ hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
Đối với người sử dụng lao động, thời hạn đóng BHXH bắt buộc được xác định rõ: nếu đóng theo tháng, hạn chót là ngày cuối cùng của tháng kế tiếp; nếu đóng theo chu kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng, hạn chót là ngày cuối cùng của tháng sau kỳ đóng.
Đáng lưu ý, trong trường hợp gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính như tạm ngừng sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động có thể được xem xét tạm dừng đóng vào quỹ Hưu trí và Tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng.
Sau khi hết thời hạn tạm dừng, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng bù đầy đủ khoản tạm dừng để bảo đảm quyền lợi của người lao động không bị ảnh hưởng.